(BQN) - Thị trấn Di Lăng (Sơn Hà) có một tổ dân phố và một tuyến đường cùng có tên gọi Hàng Gòn. Tên gọi bắt đầu bằng chữ "Hàng" như đa số tên gọi 36 phố phường của Thủ đô Hà Nội, nhưng tên gọi Hàng Gòn ở Quảng Ngãi thì hoàn toàn khác, không gắn với mặt hàng được gia công, kinh doanh tại phố như mảnh đất kinh kỳ.
Đường Hàng Gòn dài 810m, là tuyến đường có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp nhất ở tổ dân phố Hàng Gòn, thị trấn Di Lăng. Dọc hai bên đường, ngoài chợ Di Lăng tấp nập người mua bán, là hàng loạt hàng quán san sát nhau, từ cửa hàng kinh doanh tạp hóa, đến quán cơm, cơ sở sản xuất nước đá, hiệu vàng bạc, đá quý... Cũng giống như đường Hàng Gòn, tổ dân phố Hàng Gòn là nơi tụ hội của rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Kể thế để thấy rằng, dù tên gọi cùng bắt đầu bằng chữ "Hàng", nhưng đường Hàng Gòn, tổ dân phố Hàng Gòn ở thị trấn Di Lăng không gắn với mặt hàng đặc trưng được sản xuất, buôn bán như các phố Hàng Cháo, Hàng Than, Hàng Chiếu, Hàng Vải, Hàng Nón, Hàng Muối... ở mảnh đất kinh kỳ Hà Nội ngày trước. Tên gọi của địa danh tổ dân phố Hàng Gòn và đường Hàng Gòn ở thị trấn Di Lăng xuất phát từ tên gọi của một loại cây, từng được trồng nhiều nơi đây.
Là một trong những hộ kinh doanh lâu năm nhất ở tổ dân phố Hàng Gòn, bà Nguyễn Thị Thanh, chủ tiệm cơm Thanh Thọ kể, năm 1976, tôi rời quê hương Tịnh Giang (Sơn Tịnh) để gắn bó với vùng đất này. Ấn tượng đầu tiên của tôi lúc ấy là cả một con đường, mà bây giờ là đường Hàng Gòn, kéo dài xuống tận trụ sở Huyện ủy Sơn Hà bây giờ, hai bên đều là cây gòn. Tôi không biết rõ những cây gòn ấy được trồng từ lúc nào, chỉ biết rằng, thời điểm năm 1976, cây đã cao vút, cành lá sum suê. Hằng năm, vào tháng 3, tháng 4, khi gòn ra hoa, kết trái và trái khô lại, vỏ nứt ra, đường Hàng Gòn lúc bấy giờ như được phủ kín bởi một màu trắng của bông gòn. Bông gòn lủng lẳng trên cành, bông gòn dính vào mái nhà, vào bàn ghế, phủ trên mặt đường...
Chuyên kinh doanh giày da ở chợ Di Lăng, ông Nguyễn Văn Định, cũng nhớ như in hình ảnh về những cây gòn ở tổ dân phố Hàng Gòn thuở trước. "Hồi đó, cứ đến mùa gòn ra trái, chúng tôi lại tranh thủ đi hái gòn về lấy bông làm ruột gối. Những chiếc gối bông gòn êm ái hồi đó chỉ còn là kỷ niệm. Vì sau này, khoảng năm 1983, 1984, hàng gòn bị chặt bỏ, nhường chỗ cho những hàng dừa. Sau đó, hàng dừa hai bên đường cũng bị chặt bỏ, vì người dân lo lắng quả dừa rơi xuống, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Chúng tôi vẫn nhớ mãi về hàng gòn ngày trước", ông Định kể lại.
Nhiều người dân sống ở thị trấn Di Lăng chia sẻ, chữ Hàng Gòn không phải chỉ gắn với loại cây trồng để che bóng mát, mà đây còn là tuyến đường, tổ dân phố đại diện cho sự nhộn nhịp của cả thị trấn Di Lăng. “Nói đến Di Lăng là nghĩ đến Hàng Gòn. Chúng tôi, những người con của Di Lăng xa quê vẫn thường nói với nhau như thế. Là một địa phương miền núi, có địa hình, điều kiện đi lại xa xôi, cách trở, không dễ gì có một tuyến đường giao thương tấp nập như đường Hàng Gòn”, anh N.H.D, một người dân thị trấn Di Lăng nay đang sinh sống và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh bày tỏ.
Từ những năm 80 của thế kỷ trước đến nay, chỉ chừng 4 thập kỷ, nhưng những đổi thay ở tổ dân phố Hàng Gòn đủ để mọi người nhớ đến tên gọi Hàng Gòn. Bởi lẽ, kể cả đường Hàng Gòn lẫn tổ dân phố Hàng Gòn ngày nay, đều không thể tìm thấy một đoạn đường mà gòn được trồng thành hàng, thành cụm. Có chăng chỉ là một vài cây gòn được trồng riêng lẻ, xen kẽ trong khuôn viên của nhà ở mà thôi.
Không còn là loại cây tỏa bóng mát được ưa chuộng, cây gòn một thuở giờ chỉ còn trong ký ức của những người cao niên. Ấy thế mà, cách đây chừng 7 năm, khi chính quyền địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân để đặt tên cho một số tuyến đường tại thị trấn Di Lăng, mọi người đã đồng loạt nhất trí với phương án đặt tên cho tuyến đường từng một thời xanh um bóng gòn là đường Hàng Gòn.
Ngày 13/7/2018, HĐND tỉnh khóa XII - Kỳ họp thứ 9 thông qua Nghị quyết về đặt tên các tuyến đường và công trình công cộng trên địa bàn thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), công nhận tên gọi đường Hàng Gòn. Vậy là sau tất cả, những hàng cây từng đi vào tâm tưởng, tình cảm của bao thế hệ người dân thị trấn Di Lăng, cuối cùng cũng neo lại cùng thời gian trên biển hiệu tên đường, số nhà và trong lòng người dân Di Lăng.
Theo Ý Thu (báo Quảng Ngãi)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.