(VOV5) - "Giồng” là một thuật ngữ trong tiếng địa phương Nam Bộ, dùng để chỉ những dải đất cao hơn so với vùng xung quanh.
Vùng đất xứ Gò trước đây có một ngôi chợ khá nhộn nhịp có tên gọi là chợ Giồng, nay là chợ Vĩnh Bình ở tỉnh Tiền Giang. Chợ Giồng ngày ấy là trung tâm giao thương quan trọng, với các mặt hàng phong phú, đáp ứng nhu cầu của người dân trong vùng cũng như các thương nhân từ nơi khác đến.
Theo sách sử ghi chép, vùng đất Gò Công xưa kia là một vùng hoang hóa, ít người sinh sống. Đến khoảng giữa thế kỷ XVIII, có một người tên là Trần Văn Huê đến đến đây lập nghiệp, khai khẩn đất hoang. “Đất lành chim đậu”, dân cư từ các nơi hội tụ về đây ngày một đông hơn, nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa cũng tăng lên. Vì thế, vào năm Ất Hợi 1815, ông Trần Văn Huê cho lập chợ đầu tiên ở khu vực này mang tên Vĩnh Lợi, nhưng người dân quen gọi là chợ Giồng. “Giồng” là một thuật ngữ trong tiếng địa phương Nam Bộ, dùng để chỉ những dải đất cao hơn so với vùng xung quanh, thường là nơi người dân chọn để định cư, canh tác vì tránh được ngập lụt.
Ông Trương Quốc Huy, người dân sinh sống và buôn bán ở chợ Giồng, kể: "Chợ này là mở trên đất của ông Huê. Ổng có miếng đất rộng lắm rồi mới cho nhóm chợ cũng như chợ chồm hổm bây giờ vậy đó. Riết rồi mới mở rộng ra rồi gọi là chợ Giồng Ông Huê."
Dù đã ngoài 70, ông Võ Thành Sương, người dân sinh sống ở chợ Giồng, vẫn nhớ như in từng ngõ ngách trong chợ Giồng, ai bán gì, ở đâu ông đều nhớ hết. "Hồi xưa dựng những hàng cột to, hình vuông, ai bán gì thì cứ ngồi bán trong đó. Mấy người bán vải thì người ta có cái sạp, sắp hàng vải ở trên, tối người ta đem vải đóng lại và về. Còn mấy người bán bánh bán cháo, bán đồ thì tối họ ra bán. Ở nhà lồng, ngay cái góc dưới là hai bà chiên bánh giá kỳ cựu. Xa ra một chút là chỗ của bà bán bánh bèo, bánh bò. Còn đối diện qua là bà bán cơm tấm nhưng bán bằng gánh chứ không cần quầy sạp gì. Còn ở đầu dưới đối diện là gánh cháo lòng, gần đó có bà bán xôi vò, mé ngoài có bà bán cháo nấu bằng tấm."
Theo quan niệm của người xưa, để có được cuộc sống ấm no, sung túc là nhờ thần linh phù hộ, làm cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Và cũng chính ông Trần Văn Huê là người đứng ra trùng tu, sửa sang lại ngôi miếu có từ trước, thành đình làng Vĩnh Lợi để thờ Thành Hoàng. Từ đó, người dân nhiều nơi tới đây an cư, lập nghiệp. Ông Võ Thành Sương, người dân sinh sống ở chợ Giồng cho biết: "Hồi xưa ở đây đông vui lắm, vào buổi tối, ở trong đình làng thường tổ chức chiếu bóng cho bà con xem phim, chiếu bóng bằng miếng vải căng lên rồi chiếu thôi. Đêm nào cũng chiếu, rồi còn tổ chức hát bội, tài xỉu, bầu cua. Còn lễ hội ở đây cũng khá có tiếng. Người dân từ Mỹ Tho, Chợ Gạo, Gò công Đông cũng kéo lên đây, đông lắm."
Khi nói đến Chợ Giồng, thật thiếu sót khi không nhắc đến một loại bánh trứ danh cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, đó là bánh giá. Loại bánh này làm bằng thịt lợn, tôm, giá, bột gạo, bộ đậu nành… Tấm bánh dung dị, dân dã này đã trở nên thân quen và trở thành món ăn đặc sản của vùng đất xứ Gò.
Chị Phan Thị Kim Phượng, một người dân bán bánh giá ở chợ Giồng, cho biết: "Bánh giá là đặc sản địa phương. Vào những ngày lễ làm bánh không đủ bán. Đi làm người ta mua bánh mì rồi nhét bánh giá vào ăn. Còn có thể ăn bánh giá với cơm, chấm nước tương. Cũng có thể ăn bánh giá với bún, rau cải."
Đối với người dân Gò Công nói riêng và người dân Tiền Giang nói chung, chợ Giồng không chỉ là nơi buôn bán nông sản, thực phẩm phục vụ đời sống hàng ngày mà nó còn là nơi giao lưu văn hóa của người dân Nam Bộ. Chợ Giồng là biểu tượng văn hóa của cộng đồng cư dân Gò Công, góp phần tạo nên bản sắc riêng của vùng đất này.
Theo Xuân Quang (VOV)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.