(BBG) - Vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành cùng lấy Thái hậu Dương Vân Nga làm vợ. Khi mất, thi hài hai vị vua được chôn cất, thờ phụng ở Cố đô Hoa Lư, người yên nghỉ trên đỉnh núi, người dưới chân núi.

Lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành đều nằm trong Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình). Nơi an nghỉ của hai vị vua đều nằm trong khu vực núi Mã Yên - Núi có hình dáng tựa một yên ngựa, nằm trong khu thành ngoại của kinh đô Hoa Lư xưa.

Vua Đinh Tiên Hoàng là người dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt - Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Vua Lê Đại Hành, người xây dựng nhà nước Đại Cồ Việt vững mạnh, đánh đuổi giặc phương Bắc, giữ yên bờ cõi nước ta, đến đời vua Lý Công Uẩn mới dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long (Hà Nội ngày nay).

Hai vị vua Đinh - Lê sau khi băng hà đều được chôn cất trong kinh thành Hoa Lư (nay là Cố đô Hoa Lư). Có điều khác biệt, lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng ở trên đỉnh núi Mã Yên, còn nơi yên nghỉ của vua Lê Đại Hành nằm dưới chân núi. Điều khiến hai vị vua này trở nên đặc biệt nhất trong các triều đại phong kiến của Việt Nam là cùng lấy một người là Thái hậu Dương Vân Nga.

Để đến được lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng phải vượt qua hơn 200 bậc đá. Nơi nhà vua an nghỉ trên đỉnh núi Mã Yên có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh Cố đô Hoa Lư với núi, sông, ruộng đồng, làng mạc quần tụ xung quanh tạo nên một thắng cảnh hữu tình, thơ mộng.

Ngay dưới chân núi Mã Yên, lăng vua Lê được xây dựng trong khuôn viên khá rộng nhìn ra cánh đồng xứ Hậu đường, xung quanh xây tường bảo vệ. Lăng vua Lê cũng được xây theo kiểu cuốn vòm, trang trí họa tiết lưỡng long chầu lá đề và mặt hổ phù.

Vào thế kỷ X, dưới triều Đinh - Tiền Lê, núi Mã Yên là ngọn núi có vị trí chiến lược của kinh thành Hoa Lư. Đây cũng là nơi linh thiêng, vì thế đã được chọn làm nơi an nghỉ vĩnh hằng của hai vị anh hùng dân tộc. Theo quan niệm của người xưa, lăng vua Đinh, vua Lê đều được đặt vào nơi được gọi là "huyệt đế vương".

Theo các tài liệu còn lưu giữ tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư, sau khi vua Đinh băng hà vào năm Kỷ Mão (979), quần thần đã đưa linh cữu của Tiên đế an táng tại đỉnh núi Mã Yên để đề cao tinh thần thượng võ của nhà vua. Đại Việt sử ký toàn thư có chép: "Rước linh cữu của Tiên Hoàng đế về chôn ở sơn lăng Trường Yên". Khi vua Lê Đại Hành băng hà, quần thần cũng an táng về phía nam dưới chân núi Mã Yên, lăng dựa lưng vào núi Mã Yên làm hậu chẩm, tả hữu có hai dãy núi chạy dọc tạo hình thế tay ngai nên còn được gọi là Hoàn Ỷ sơn.

Mỗi năm có hàng triệu lượt du khách đến tham quan Khu di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Ngoài tham quan đền thờ vua Đinh, vua Lê, du khách còn đến núi Mã Yên tham quan lăng mộ hai nhà vua đặc biệt nhất các triều đại phong kiến của Việt Nam.

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi Hoàng đế, vua Đinh Tiên Hoàng đặt tên nước là Đại Cồ Việt, niên hiệu là Thái Bình. Trong một lần đi tuần nhà vua gặp bà Dương Vân Nga liền đón về kinh đô làm vợ.

Năm 979, vua Đinh Tiên Hoàng cùng con trai Đinh Liễn bị sát hại, Hoàng hậu Dương Vân Nga được tôn lên làm Hoàng Thái Hậu, con trai Đinh Toàn lúc đó mới sáu tuổi được tôn lên làm Vua.

Trước sức ép của giặc Tống, Hoàng Thái Hậu đã đưa ra một quyết định làm thay đổi vận mệnh đất nước. Bà giao lại toàn bộ binh quyền cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn với lời hứa, dẹp xong quân Tống trở về sẽ trao áo long bào lên làm vua.

Sau khi Thập đạo tướng quân Lê Hoàn dẹp yên giặc Tống, Thái hậu Dương Vân Nga đích thân đi thuyền trang trí sập long sàng ra ngã ba sông đón Lê Hoàn thắng trận trở về và trao áo long bào, tôn Thập đạo tướng quân Lê Hoàn lên làm vua, chấm dứt triều đại nhà đinh, lập ra triều đại nhà Tiền Lê.

Vua Lê Đại Hành sau đó cưới bà Dương Vân Nga làm vợ và tôn bà là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu.

Theo Bắc Giang online

Du lịch, GO!

Núi Mã Yên ở Hoa Lư.