(BKT) - Thác Đăk Ka Tiêu ở gần làng Đăk Y Pai, xã Măng Bút, huyện Kon Plông là một trong những thắng cảnh đẹp, điểm đến cho những ai muốn trở về với thiên nhiên, tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe núi rừng tình tự.

Nằm ở vùng Đông Trường Sơn, núi non trùng điệp, xã Măng Bút là nơi có những thắng cảnh thiên nhiên tươi đẹp, còn hoang sơ. Khi nghe chúng tôi tìm hiểu cảnh quan thiên nhiên, A Dân - Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút liền giới thiệu ngay thác nước Đăk Ka Tiêu ở suối Nước Chiêng. 

Tranh thủ để sớm được chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên, chúng tôi lập tức lên đường đến thác Đăk Ka Tiêu. Theo tuyến đường bê tông từ làng Măng Bút nhằm hướng Ngọc Yêu, xe thẳng tiến. Ra khỏi làng Măng Bút, tuyến đường uốn lượn trên những sườn đồi, dãy đồi lượn sóng.

Trên đường đi, nhìn xuống các thung lũng, chúng tôi gặp người dân đang cày bừa, cấy lúa trên những thửa ruộng bậc thang, giữa cảnh quan thiên nhiên thanh bình. Nhìn khung cảnh nông thôn tươi đẹp, xa xa những đàn cò lượn lờ, bạn cùng xe với tôi luôn miệng: “Đẹp, đẹp quá!”

Xe chạy khoảng 8km là đến gần khu rừng nguyên sinh của Ban Quản lý rừng phòng hộ Tu Mơ Rông. Ngồi trong xe chạy dọc theo sườn đồi, chúng tôi nhìn xuống thấy suối Nước Chiêng chảy uốn lượn theo địa hình giữa một bên là rừng nguyên sinh và một bên là đất đồi người dân xã Măng Bút đang sản xuất.

Chưa đến thác, chúng tôi đã nghe tiếng suối nước róc rách, tiếng thác nước đổ, không khí mát rượi. Dừng xe ven đường, chúng tôi đi bộ xuống dốc khoảng vài chục mét là đến thác Đăk Ka Tiêu. Cảnh vật xung quanh thác Đăk Ka Tiêu còn hoang sơ, chưa có tác động của con người. Nước ở suối thác trong vắt, chảy trên ghềnh đá dốc, khúc khuỷu. Bên tả thác là sườn đá rộng, dài có thể chứa hàng trăm người ngồi thưởng ngoạn.

Đứng ở sườn đá gần cuối thác Đăk Ka Tiêu nhìn xuống dưới thác, chúng tôi cứ tưởng như nước đang chảy vào động đá bởi ghềnh đá hai bên cao, hẹp, rêu phong và xung quanh là rừng cây bao phủ. Ở đoạn giữa, sát thác Đăk Ka Tiêu, có những cây rừng hàng trăm tuổi cao chót vót, đổ bóng xuống thác, càng làm cho khu rừng trở nên huyễn hoặc. Đến thác giữa lúc trời nắng gắt, nhưng chúng tôi thấy hơi nước từ các tia nước bắn ra xung quanh, làm cho không khí ở đây mát rượi.

Đi dọc theo thác Đăk Ka Tiêu, lấy tay vốc nước trong vắt rửa mặt, tôi thấy nước mát lạnh. Ngả mình trên các ghềnh đá ở thác, tôi như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới từ không khí trong lành ở thác, thấy trong người tươi tỉnh, khỏe khoắn lạ thường.

Hết ngược rồi xuôi, chúng tôi ngắm thác Đăk Ka Tiêu không biết chán. Giữa tiếng thác đổ ào ào xen lẫn với tiếng róc róc giữa không gian tĩnh mịch, tôi lại nghe từ trong rừng sâu nhiều tiếng chim, khỉ, vượn hót vọng lại như bản hòa tấu khi trầm khi bổng.

Ngước nhìn lên những cây cao chót vót đổ bóng xuống thác, Phó Chủ tịch UBND xã A Dân thủ thỉ: “Những năm trước đây, khỉ, vượn thường hay về nhảy nhót, vui đùa trên những cây cao ở gần thác. Có lúc, khỉ còn xuống các ghềnh đá ở thác uống nước suối và giỡn nước”.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND xã A Dân, từ khi tuyến đường giao thông kết nối giữa xã Măng Bút với xã Ngọc Yêu được bê tông hóa, lượng người qua lại đông, quang cảnh thông thoáng hơn, không còn thấy khỉ, vượn về thác nữa. Đúng vậy! Cảnh vật thay đổi, buộc thú rừng phải thay đổi với môi trường sống để thích ứng, để tồn tại.

Vừa trao đổi chuyện thú rừng, tôi và Phó Chủ tịch UBND xã A Dân leo lên đầu thác Đăk Ka Tiêu. Trên đầu thác, lòng suối mở rộng ra như hồ nước. Nước ở đầu thác không sâu lắm, nếu thích, có thể lội qua bên kia suối để vào thăm thú rừng tự nhiên.

“Những năm gần đây, thác Đăk Ka Tiêu ngày càng được nhiều người để ý đến. Nhất là trong những ngày nắng nóng, ngày nghỉ, ngày lễ, thanh thiếu niên trong xã thường đến đây chơi. Du khách qua đường biết thác, cũng thường đến đây thưởng ngoạn”- Phó Chủ tịch UBND xã A Dân chia sẻ.

Sau khi thưởng ngoạn thác Đăk Ka Tiêu, chúng tôi lên đường để trở về. Nhìn về hướng Tây Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã A Dân cho biết đi thẳng khoảng 15km nữa là đến xã Ngọc Yêu, huyện Tu Mơ Rông.

Không chỉ có thác Đăk Ka Tiêu, xã Măng Bút còn là nơi có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, các thác nước còn nguyên sơ trong rừng sâu, thôn làng đồng bào DTTS còn giữ được nét xưa, các cánh đồng ruộng bậc thang đẹp... cần tiếp tục được khám phá để đưa vào quy hoạch du lịch. Cùng với đó, các cấp chính quyền địa phương cũng có thể khác thác giá trị văn hóa cồng chiêng, làn điệu dân ca, các hoạt động tín ngưỡng, lễ hội; các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần, rèn, chế tác nỏ, nhạc cụ của đồng bào Xơ Đăng phát triển du lịch.

Đặc biệt, xã Măng Bút còn có Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút (thuộc thôn Măng Bút) – điểm đến cho những ai muốn nghiên cứu hay tham quan Di tích lịch sử này. Tại Quyết định số 239/QĐ-UBND ngày 3/5/2024, UBND tỉnh về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ (hạng mục cắm mốc giới các khu vực khoanh vùng bảo vệ) 5 di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng trên địa bàn huyện Đăk Hà, huyện Kon Rẫy và huyện Kon Plông. Theo đó, huyện Kon Plông có 2 di tích là: Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút (thuộc thôn Măng Bút, xã Măng Bút); Di tích lịch sử Căn cứ Huyện ủy H29 (thuộc xã Ngọc Tem) được quan tâm đầu tư.

Xã Măng Bút nằm trong Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045. Nếu gắn kết điểm đến thác Đăk Ka Tiêu với Di tích lịch sử Chiến thắng Măng Bút, các giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp khác với các điểm đến Khu du lịch Măng Đen thì Măng Bút sẽ khai thác được tiềm năng du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.  

Theo Văn Nhiên (Báo Kontum)

Du lịch, GO!