(NĐT) - Dù sao, tôi nghĩ chuyến đi này của mình cũng được an ủi là biết được Thổ Hà vẫn còn một người thợ gốm, vì trước đó tôi nghe nói nghề gốm ở Thổ Hà đã biến mất rồi. Biết đâu đấy, ít năm nữa, lại có thêm vài người trẻ tuổi muốn tìm lại quá khứ của làng.
Cuối xuân, những cơn mưa phùn dây dưa ngày này qua ngày khác. Trời không có nắng, âm u, ẩm ướt. Người ta khuyên tôi đừng đi Thổ Hà, để đợi ngày có nắng chói chang hẵng đi, vì đó là khi làng phơi bánh đa. Đi khắp làng đâu đâu cũng thấy những tấm tre đan phơi bánh đa dưới nắng - một thứ tạo hình rất đẹp cho cả hội họa, nhiếp ảnh, hay đơn giản là những người thích ngắm nhìn những điều khác lạ. Nhưng tôi vẫn đi, khi trời đang mưa.
Thổ Hà là một ngôi làng thuộc Bắc Giang, nằm gần ranh giới với Bắc Ninh. Một mỏm đất, một bán đảo với ba phía đều tiếp xúc với sông Cầu. Nó nhô ra ở khúc quanh của dòng sông. Thổ Hà cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 40km, đường đi rất tiện lợi.
Tuy nhiên, có lẽ đây là một trong số rất ít những ngôi làng Bắc bộ mà đến tận những ngày tháng này, muốn đến, ta vẫn phải qua sông bằng một chiếc phà nhỏ. Nó nhỏ đến nỗi chỉ chứa được xe máy, xe đạp và người, chứ ô tô thì buộc phải gửi ở bên bờ. Chỉ vài nghìn đồng một lượt cho mỗi người.
Tôi đứng ngay bên mép nước để chờ phà sang đón. Chỉ có một chiếc thôi, và cứ chạy đi chạy lại liên tục như vậy. Hễ có người đứng trên bờ, dù bên này hay bên kia, dù một người hay nhiều người, phà sẽ đều chạy ngay lập tức.
Sông Cầu mùa này nước trong, xanh, hơi cạn. Mai kia khi mùa mưa đến nước có thể dâng lên hàng chục mét, tức là dâng ngập hết cả những ngôi nhà nhỏ nằm sát sông. Phà chạy từ từ, quay mũi, xuôi dòng một chút rồi hướng sang bên kia. Một chiếc thuyền nhỏ tí xíu đang trôi xuống từ thượng nguồn.
Trên thuyền có một phụ nữ và hai đứa trẻ. Người phụ nữ, chắc là mẹ của các bé, cầm hai chiếc mái chèo mà tôi hình dung nó chẳng to hơn hai chiếc đũa cả là mấy, khua khẽ trên mặt nước. Tôi một tay giơ máy ảnh tay kia giơ lên chào. Ba người nhìn lên mỉm cười. Không biết họ sẽ trôi đi tới đâu, bao xa, chẳng hề có áo phao hay gì hết. Hẳn rồi, những người sống với sông nước thế này ai cũng bơi giỏi, trẻ con thậm chí biết bơi cùng lúc với biết đi.
Thổ Hà mỗi lúc một gần hơn. Phà chạm mũi vào chân con dốc dẫn lên làng. Ngay đỉnh dốc là một cây đa lớn. Dưới gốc đa là khu chợ với những mái lều thấp lẹt xẹt, ẩm ướt. Buổi chiều nên chợ không còn họp nữa, chỉ còn vài hàng bày biện những món địa phương để bán. Bánh đa mặn, bánh đa ngọt, bánh sắn (hay “xắn” - vì có người nói rằng khi ăn phải xắn ra từng miếng), rau củ quả...
Tôi nhờ một cô gái người địa phương - Thảo, sinh viên năm thứ hai Đại học Kinh tế Quốc dân, làm người dẫn đường. Thảo có gương mặt tròn trĩnh, làn da hơi bánh mật mịn căng, đôi mắt thông minh, nụ cười hồn hậu sáng rỡ. Đây là lần đầu tiên tôi gặp Thảo. Tôi chỉ biết cô là người sinh ra, lớn lên ở đây, rất tự hào về ngôi làng nhỏ bé của mình. Cô đam mê và hát quan họ cũng khá hay. Trên trang cá nhân của cô là vô số những chuyến đi đến nhiều miền đất nước. Cô chụp ảnh cũng đẹp nữa, với một chiếc Fujifilm nhỏ. Một người dẫn đường như thế với tôi thật tuyệt vời.
Ngay đầu làng là ngôi đình. Sau đình là chùa. “Tiền thần hậu Phật”, đây là cách bố trí của rất nhiều ngôi làng Bắc bộ. Cả đình và chùa làng Thổ Hà đều đã được xây dựng từ rất lâu, vài trăm năm trước. Nhưng chiến tranh, giặc giã, thiên tai... đã khiến các di tích gốc bị tàn phá khá nhiều.
Điều đó chẳng có gì lạ. Cái mà tôi thực sự thấy đáng ghi nhận là ở đây, cái gì giữ được có vẻ như người ta cố gắng giữ hết. Những cái đầu đao chạm trổ cầu kỳ bị sứt mẻ, những cây cột bị mục ruỗng, người ta tìm cách “vá” chúng lại cùng với những khối gỗ mới. Và còn thú vị hơn nữa, người thợ cũng chẳng hề giấu đi những chỗ “vá” rất cẩn thận ấy. Đó chính là lý do khiến tôi cảm thấy hơi thở hay bóng dáng người xưa vẫn đâu đó trong cái không gian tôi tối, yên ắng, thư thả của buổi chiều mùa xuân mù sương.
Thảo chỉ vào con sư tử đá còn sót lại, đang được để ngay cửa chùa nói: “Hồi bé bọn cháu toàn trèo lên đây ngồi”. Nói xong, cô bật cười.
Tôi nghĩ rằng, những người trẻ tuổi như Thảo, có thể sau này rồi sẽ phải đi đâu đó, bên kia của dòng sông, để sống một cuộc sống không thể có được ở làng, nhưng thật sâu trong tâm hồn họ, Thổ Hà vẫn là một điều gì đó thật ấm áp, thân thuộc, như một cái ôm.
Thổ Hà có khoảng 1.000 hộ dân. Trước đây, lâu lắm rồi, Thổ Hà là một trong những cái nôi của nghề gốm, cùng với Bát Tràng, Chu Đậu, Hương Canh nữa. Nhưng bây giờ, cả làng chỉ còn lại một người thợ gốm. Một người vẫn đang cố giữ lấy nghề, mà người truyền lại cho anh tình yêu với gốm lại không phải cha đẻ mà là cha vợ - một nghệ nhân gốm nổi tiếng ở Thổ Hà. Tôi bảo Thảo đưa tôi tới thăm người thợ ấy.
Chúng tôi đi qua một bức tường đặc biệt, bạn biết nó làm bằng gì không? Nó được xây bằng những chiếc tiểu sành bị hỏng. Người Việt ta ở nhiều vùng, tận thế kỷ XXI này, vẫn rất coi trọng cái chết. Sống thế nào cũng được, nhưng chết thì nhất thiết phải thế này thế kia. Đó là lý do mà một lần đến thăm Bát Tràng, tôi được một người thợ gốm cho biết rằng, số lượng bát hương mà người ta bán ra gấp... 10 lần số lượng bát ăn cơm.
Nghe thì thật là bất ngờ và có gì đó khôi hài nữa. Nhưng sự thật là người Việt ta vẫn rất coi trọng tổ tiên, dòng họ, coi trọng sự qua đời. Không phải chết là hết. Chết, đôi khi, chỉ là một sự bắt đầu mới.
Trở lại với người thợ gốm hiếm hoi còn sót lại ở Thổ Hà, chúng tôi phải đi qua rất nhiều những con ngõ dài, thẳng, hun hút, bé tí ti. Thực sự là tôi chưa đến một ngôi làng nông thôn nào mà những cái ngõ lại bé như vậy. Nó bé đến nỗi hễ có một chiếc xe máy đi tới, dù là cùng chiều hay ngược chiều, chúng tôi đều phải tìm chỗ để nép vào. Những chỗ nép ấy là cổng vào các gia đình. Mọi ngôi nhà đều có cánh cổng thụt vào chừng non nửa mét, tức là vừa đủ để một - hai người đứng nép vào cho xe đi qua. Tôi thực sự không hình dung được là nếu có hai chiếc xe máy đi ngược chiều nhau thì làm thế nào. Hẳn là một trong hai xe phải dừng lại và... dắt lùi.
Thảo dẫn tôi đi thẳng rồi ngoặt trái rồi ngoặt phải, lại ngoặt trái. Tôi đùa: “Tí nữa mà Thảo không dắt ra là cô chịu không biết đường nào mà lần. Y như mê cung vậy”. Thảo bật cười. Suốt từ lúc đón tôi, gặp ai trên đường Thảo cũng chào. Mọi người lại chào lại, lại hỏi: “Ô, mới về hả Thảo? Bao giờ đi? Dạo này lớn quá. Sắp có người yêu chưa?...”.
Tôi bảo:
- Hình như cả làng đều quen nhau hết hở Thảo?
Thảo gật đầu:
- Vâng, hầu như quen biết hết cô ạ. Rất nhiều gia đình lại là họ hàng nữa.
Tôi thích cái không gian này. Nó đang kể một điều gì đó thật đẹp đẽ về cuộc đời.
Bọn trẻ có trường cấp một và hai ở làng, nhưng cấp ba thì phải qua sông. Suốt ba năm cấp ba Thảo học trường chuyên của tỉnh. Ngày nào cô bé cũng đi đò qua sông đi học, tan học lại đi đò về. Bây giờ học đại học thì đầu tuần xuống trường, cuối tuần lại về nhà. Có lẽ những người trẻ tuổi học xong cũng sẽ đi xa gần hết, vì quay về làng thì tấm bằng đại học cũng chẳng biết dùng vào việc gì. Khoảng 80% số hộ gia đình sống bằng nghề làm bánh đa, bánh đa nem. Chẳng nhẽ học đại học, sau đại học xong lại về làng ngồi tráng bánh đa?
Nhưng cha mẹ họ thì vẫn ở làng. Tôi hình dung tất cả họ, giống như một cây cổ thụ rất lớn với thân cây vững chãi, những chiếc rễ cắm sâu vào lòng đất và tán cây xanh um tươi tốt thì vươn mãi lên. Nhìn thấy hai bà lão ngồi ở cửa một ngôi nhà đang “tám chuyện”, tôi giơ máy ảnh lên xin phép chụp. Hai bà mỉm cười. Nhịp sống thật yên ả, chậm rãi. Nước sông Cầu thì cứ chảy mải miết ngoài kia.
Người thợ gốm cuối cùng ở Thổ Hà sinh năm 1983, anh Tập. Trong sân nhà đang để một ít bình gốm, mấy chồng tiểu sành. Tập người gầy, nhỏ. Nói đến gốm, đôi mắt anh sáng lên lấp lánh. Tập làm rể của một nghệ nhân gốm đời thứ 10 trong dòng họ. Ông cụ đã mất, Tập mê gốm quá nên vẫn cố giữ lấy nghề. Giữ một cách khó khăn, chật vật.
Gốm Thổ Hà có đặc điểm là không tráng men, để ra được sản phẩm có màu đặc trưng và độ bền có thể nói là “vĩnh cửu”, vài trăm năm không hỏng, thì phải nung ở nhiệt độ rất cao, khoảng 1.300 độ. Tập vẫn nung gốm trong cái lò thủ công. Mỗi mẻ gốm chỉ xếp được 20 chiếc tiểu sành và phải nung liên tục trong ba ngày hai đêm.
Tôi đã luôn có một câu hỏi lớn trong đầu, rằng tại sao rất nhiều làng nghề truyền thống của chúng ta lại mất đi? Có những làng mất vĩnh viễn, không còn dấu vết. Có những làng chỉ còn lại loáng thoáng, người làm nghề sống chật vật. Không ít người cố giữ vì yêu nghề, thương nghề quá. Tại sao vậy?
Câu trả lời thường thấy nhất luôn là: kinh tế thị trường. Quy luật cạnh tranh khiến sự đào thải trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Thổ Hà cũng vậy.
Tập nói, xưa kia nhà nào cũng cần vài chiếc chum vại, kiệu để đựng lạc, đỗ, hứng nước mưa. Sau này có quá nhiều thứ thay thế tiện dụng hơn, giá rẻ hơn, nên đồ gốm mất dần vị trí. Thổ Hà hầu như không làm gốm trang trí, có một số cụ khéo tay thì làm lư hương. Chủ yếu là làm chum, vại, tiểu sành. Bây giờ những người thợ giỏi nhất đã và đang lần lượt đi theo tổ tiên, người trẻ như Tập cũng không ai muốn làm gốm nữa.
Chúng tôi có gợi ý cho Tập về việc một số nơi khác, như Bát Tràng, Hương Canh... người ta hướng cho con cái thi vào các trường mỹ thuật, học hành bài bản, rồi dần dần có một thế hệ kế tiếp có tư duy sáng tạo mới mẻ, kịp thích nghi với đòi hỏi của đời sống, nhờ thế mà có chỗ đứng. Vừa giữ được nghề, vừa sống được bằng nghề. Tập nói: Thế thì còn gì bằng nữa. Em cũng muốn hướng cho con em sau này thi mỹ thuật đấy, mà chẳng biết nó có nghe không.
Trong sân nhà Tập có một dãy những túi bánh đa đã nướng vàng, bọc kín trong túi nylon. Bánh đa Thổ Hà là một thương hiệu rất có tiếng, được tiêu thụ ở khắp nơi. Rất thơm ngon. Tập vừa cùng mẹ xếp những túi bánh đa chuẩn bị cho người ta đến mang đi vừa nói: Bây giờ em tạm thời phải lấy cái này nuôi cái kia. Ý Tập là lấy nghề tráng bánh đa để nuôi nghề gốm. Thỉnh thoảng nhóm lò lên làm một mẻ. Có lẽ cũng phần nào đỡ... thèm.
Tôi chui vào ngắm cái lò gốm của Tập, có vẻ đã khá lâu nó chưa được nhóm lên. Có lẽ khi nào bán hết chỗ mấy chục cái tiểu sành kia thì Tập mới làm mẻ mới. Tập cũng lấy từ trong nhà ra mấy chiếc bình gốm và một cặp nghê cho bọn tôi... ngắm, chứ nhất định Tập không bán. Tất cả đều là sản phẩm vuốt tay, tỉ mẩn, sinh động, đặc biệt là màu men nâu sẫm rất đẹp, rất khác biệt.
Dù sao, tôi nghĩ chuyến đi này của mình cũng được an ủi là biết được Thổ Hà vẫn còn một người thợ gốm, vì trước đó tôi nghe nói nghề gốm ở Thổ Hà đã biến mất rồi. Biết đâu đấy, ít năm nữa, lại có thêm vài người trẻ tuổi muốn tìm lại quá khứ của làng.
Thảo còn dẫn tôi tới thăm một gia đình có ngôi nhà cổ nhất Thổ Hà. Ngôi nhà 300 năm tuổi. Tất nhiên, nó đã được dựng lại, trên nền cũ và tận dụng những vật liệu cũ. Những chiếc sập gụ hàng trăm năm tuổi, tấm bằng “Tiết hạnh khả phong” được vua Bảo Đại trao cho một người phụ nữ trong dòng họ đã một mình nuôi con trưởng thành sau khi chồng qua đời vẫn được treo trên tường...
Ngoài sân, hai chiếc kiệu mà theo ông chủ nhà thì nó có thể chứa 800 lít nước mưa. Giờ thì để chơi, để lưu giữ lại một sản phẩm của một làng nghề từng nổi tiếng thôi.
Còn rất nhiều điều tôi muốn cảm nhận về Thổ Hà. Có thể là một hôm nào đó tôi sẽ tự đến, một mình, và cũng không cần Thảo dẫn đường nữa cho dù tôi có thể sẽ bị lạc trong những con ngõ bé tí xíu rất ít ánh sáng. Nhưng phải là khi Thổ Hà vẫn chưa có cầu. Chỉ một cây cầu bắc qua sông thôi, có lẽ, Thổ Hà sẽ không còn lao xao khe khẽ như thế này nữa.
Lại bước xuống phà để qua sông. Thảo vẫn đứng trên triền dốc nhìn theo. Tôi cứ nghĩ mãi về những người như Thảo, sinh sống ở một ngôi làng có lịch sử hàng nhiều thế kỷ mà những cám dỗ bên kia sông chẳng thể lôi cô đi mất. Dù thế nào thì những người trẻ tuổi cũng sẽ có cách để quay về.
Trời vẫn lất phất mưa. Thổ Hà không có ruộng. Người Thổ Hà xưa giờ chưa bao giờ làm ruộng, trồng lúa. Có lẽ chỉ có một ít hoa màu trồng trên các bãi bồi ven sông mà thôi. Vậy mưa xuân có ý nghĩa gì với làng không? Có lẽ có. Nó phủ lên ngôi làng một màn sương mờ trong khi những cơn gió từ sông Cầu thổi lên mang theo hơi ấm.
Theo Đỗ Bích Thúy (Người Đô Thị)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.