(TPO) - Lam Thành từng giữ vị trí chiến lược quan trọng, ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân tộc. Nhưng trải qua thời gian dài, hiện thành cổ này dần bị lãng quên, hoang tàn, xuống cấp.

Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Núi Lam Thành nằm ở xã Hưng Phú nay là xã Hưng Thành (huyện Hưng Nguyên, Nghệ An). Khu di tích cách thành phố Vinh (Nghệ An) khoảng 10 km.

Lam Thành hay còn gọi là Thành Rum nằm trên đỉnh núi Lam Thành cao hơn 150 m. Thành có chiều dài khoảng 1.000 m được xây bằng đá son, đá vôi. Bề ngang khu vực thành rộng khoảng 500 m, thu hẹp ở 2 đầu.

Theo sử sách ghi lại, khi nắm binh quyền, Hồ Quý Ly (1336-1407) chú trọng huấn luyện quân đội đề phòng quân Minh xâm lược. Ông củng cố các địa bàn chiến lược ở vùng Thanh Nghệ Tĩnh, bố trí người thân tín trấn giữ. Từ năm 1397 trở đi, Hồ Quý Ly cho người đắp Thành Rum. Từ năm 1400, Thành Rum trở thành căn cứ quan trọng của nhà Hồ.

Tường thành được ghép bằng đá vôi, đá son có chiều cao khoảng 2 m, xếp chồng lên nhau. Mặt thành hình thang, nhiều đoạn được ghép cao làm vọng cho lính canh gác để báo động khi có giặc xâm chiếm.

Năm 1406, nhà Minh đưa quân xâm lược, chiếm núi Lam Thành, phong tỏa cả vùng đồng bằng rộng lớn An Tĩnh (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay). Giặc Minh củng cố Thành Rum trở thành một hệ thống thành lũy kiên cố, làm nơi đóng quân.

Theo sách Nghệ An ký ghi chép, khi lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh, Lê Lợi chọn An Tĩnh là vùng chiến lược để rèn binh. Thành Rum là địa điểm quân sự quan trọng mà 2 bên đều đặt mục tiêu chiếm lất để làm căn cứ địa và phần thắng sau đó đã nghiêng về phía Lê Lợi. Sau hơn 2 năm chiêu binh trên núi, Lê Lợi lập được đại quân thiện chiến, tấn công vây hãm và tiêu diệt quân Minh ở Nghệ An.

Trong suốt hơn 370 năm (1428-1801), Lam Thành được chọn làm lỵ sở, trung tâm hành chính của vùng thời xưa. Đến đầu thế kỷ 19, vua Gia Long lên ngôi đã chọn Yên Trường (nay là thành phố Vinh) làm trung tâm hành chính của tỉnh Nghệ An. Kể từ đó thành cổ trên núi cũng như lỵ sở quanh Lam Thành dần bị quên lãng.

Ngoài di tích Thành cổ trên đỉnh núi, xung quanh khu vực này còn có hàng chục ngôi đền, chùa được xây dựng như đền thờ Nguyễn Biểu, đền thờ Tuyên Nghĩa Hầu, đền Thanh Liệt, đền Vua Lê… Năm 1962, quần thể di tích núi Lam Thành được công nhận là di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia.

Ngày nay trên khu vực nội thành ở đỉnh núi Lam Thành chỉ là bãi đất cỏ trống.

Địa điểm cao nhất là ụ đất, đá được cắm ngọn cờ.

Một thời gian dài không người trông coi, quản lý, khu di tích này dần quên lãng, xuống cấp.

Nhiều đoạn thành hiện đang bị xuống cấp, đá sụt lún.

Một cơ sở tôn giáo bị bỏ hoang ngay dưới lưng chừng chân núi Lam Thành.

Một ngôi đền dưới chân núi Lam Thành đóng cổng không có người trông coi.

Núi Lam Thành là một trong những di tích được công nhận sớm của tỉnh Nghệ An, nhưng ngày nay di tích này gần như rơi vào quên lãng. Ông Nguyễn Văn Đàn - Chánh văn phòng huyện Hưng Nguyên cho hay địa phương đã đưa di tích núi Lam Thành vào đề án phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025 nhằm bảo tồn, quảng bá hình ảnh văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên hiện nay tỉnh Nghệ An mới dừng ở khâu đo đạc, cắm mốc ranh giới, chưa có dự án trùng tu hay khôi phục cụ thể.

Hiện Nghệ An có hơn 480 di tích trong tổng số 2.602 di tích đã được xếp hạng. Trong số này có 145 di tích cấp quốc gia, số còn lại là cấp tỉnh.

Theo Ngọc Tú (Tiền Phong)

Du lich, GO!

Dưới bóng Lam Thành