(VHQN) - Trong bóng đổ dài của khắc cuối ngày, người ta thấy lan ra những sợi vàng lấm tấm, hay những dải màu ngược sáng, li ti. Đó là buổi chiều muộn trên non cao. Âm cồng chiêng chưa dứt. Chúng tôi như thấy ngàn mặt trời trong vũ điệu dâng trời.

Cánh diều no gió. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Hay lúc nắng vàng cuối chiều rớt giữa lòng hồ. Ánh sáng xuyên qua lớp xanh thẳm và hun hút sâu của mặt nước. Để vóc dáng thiếu nữ đủ gây nhớ thương trong sáng tối mặt hồ. Hay để rơi lại tiếng cười giòn tan của lũ trẻ miền trung du, với trò chơi là con diều no gió...

Chiều cao nguyên. Ảnh: LÊ TRỌNG KHANG

Hoàng hôn với ráng chiều huyền ảo trên những bãi biển miền Trung. Như một đặc ân của thiên nhiên, những buổi chiều trên biển chưa bao giờ thôi sức hút với người phương xa.

Chiều buông mặt hồ. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Với người xứ Quảng, chiều trên sông như mang một cảm thức đặc biệt. Đó là dáng mẹ in hằn bóng nước, trong buổi tranh tối tranh sáng cuối ngày. Là những mẻ lưới gom vội trong nắng vàng yếu ớt. Những cuộc mưu sinh sông nước luôn ủ niềm hy vọng dẫu nhọc nhằn đi qua từng hơi thở.

Khoảnh khắc trên sông Hàn. Ảnh: HỒ XUÂN TỊNH

Hình như trong mặc định, mắt chạm hoàng hôn là chạm phải nỗi nhớ quê xa, nhớ điều thân thuộc? Vì lẽ đó, khoảnh khắc hoàng hôn thành giờ hoài niệm.

Hoàng hôn sum vầy. Ảnh: LÊ VẤN

Những tour du lịch mang tên “săn hoàng hôn” ra đời, có lẽ để “bắt” cho kịp dòng chảy của ngày đêm - cũng là dòng trôi của ký ức.

Chiều trên sông Đầm. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Dọc dải đất chữ S, đường chân trời mênh mang trong ánh chiều vàng rực, đủ phản chiếu biển rộng, trời cao, sông dài và núi non hùng vĩ, mang tên Việt Nam...

Hoàng hôn trên biển. Ảnh: THÀNH NGUYỄN

Theo Song Ngọc (Báo Quảng Nam)

Du lịch, GO!