(SKĐS) - Di tích lịch sử cấp Quốc gia nhà Ngô Đình Cẩn sau thời gian dài hoang vắng, không có khách tham quan, hiện nay nhiều hạng mục xuống cấp, cây cỏ mọc um tùm.

Căn biệt thự 2 tầng của Ngô Đình Cẩn trở nên hoang vu giữa rừng cây.

Di tích nhà Ngô Đình Cẩn (phương An Tây, TP Huế, Thừa Thiên Huế) trước đây của ông Bát Tấn, vị này sau đó bán lại cho một vị quan triều Nguyễn và tiếp tục bán lại cho một thương nhân người Hoa để sử dụng làm vườn.

Cây cỏ mọc um tùm cùng việc không có người lui tới khiến di tích trở nên hoang tàn.

Năm 1956, dưới áp lực của Ngô Đình Cẩn, thương nhân này phải nhượng lại toàn bộ khu vườn. Ngô Đình Cẩn sử dụng khai thác, xây dựng trong khuôn viên này một số công trình chính như khu biệt thự, nhà thủy tạ, hồ bán nguyệt... làm thành một địa điểm để nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, đồng thời theo dõi, giám sát các hoạt động trong khu vực Chín Hầm.

Những hạng mục bê tông của biệt thự phủ đầy rêu phong, cỏ dại mọc bám.

Phía bên trong biệt thự hai tầng, các hạng mục tương đối nguyên vẹn nhưng không gian nhếch nhác do ít người lui tới.



Ông Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mặc dù cùng được công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, khu di tích Chín Hầm gần đó có đông khách tham quan vì đây là "địa chỉ đỏ" giáo dục về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Trong khi đó, nhà Ngô Đình Cẩn xuống cấp nên có thể gây nguy hiểm cho khách tham quan. Hiện khu vực nhà này được Bảo tàng khoanh vùng, cắm mốc theo đúng Luật Di sản để không bị lấn chiếm.

Tại Quyết định số 2015/QĐ-BT ngày 16/2/1993, cùng với khu chứng tích Chín Hầm, di tích nhà Ngô Đình Cẩn được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp Quốc gia. Hiện di tích do Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế trực tiếp quản lý.

Theo ông Nguyễn Đức Lộc, với nguồn lực cũng như điều kiện thực tế nên sẽ ưu tiên cho Di tích lịch sử Chín Hầm. Còn nhà Ngô Đình Cẩn, do thiếu nguồn lực nên cũng mong muốn có thể xã hội hóa, tìm nhà đầu tư để bảo tồn, khai thác di tích.

Trao đổi với PV, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, qua nhiều lần đề xuất đầu tư, trùng tu lại di tích nhà Ngô Đình Cẩn không được ưu tiên nguồn lực. "Chúng tôi đã và đang tìm hướng xã hội hóa, tìm nhà đầu tư phù hợp tuy nhiên hiện chưa có quy định hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản nên sẽ khó khăn", ông Hải nói.

Theo thời gian dài, di tích nhà Ngô Đình Cẩn hiện nay trở nên hoang vu giữa rừng cây, hoang tàn và xuống cấp.

Theo Hoàng Dũng (Sức Khoẻ & Đời Sống)

Du lịch, GO!