(BPO) - Không quá ồn ào, náo nhiệt như những địa điểm du lịch khác, Bình Phước được thiên nhiên ban tặng không gian yên bình, thư thái và nên thơ. Với lợi thế du lịch tự nhiên sẵn có, Bình Phước hứa hẹn là điểm đến đầy cảm xúc dành cho du khách mỗi mùa xuân về.

Hồ Long Thủy, thị xã Phước Long

Về nguồn với “không gian xanh”

Tất cả thế mạnh về lịch sử, văn hóa tự nhiên và con người đã giúp Bình Phước trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của miền Đông Nam Bộ. Nói về sự kỳ vĩ của thiên nhiên, phải kể đến di tích lịch sử, danh thắng núi Bà Rá - Thác Mơ thuộc thị xã Phước Long. Núi Bà Rá nằm giữa một vùng đồi thấp, cây cối xanh tươi, rậm rạp, là một trong 3 ngọn núi cao và hùng vĩ nhất khu vực Đông Nam Bộ, được đông đảo người dân cả nước hành hương, chiêm bái vào dịp tết cổ truyền.

Du khách được hướng dẫn kỹ năng sinh tồn tại Vườn quốc gia Bù Gia Mập

Nếu là người yêu thích du lịch trekking để tái tạo năng lượng tươi mới cho bản thân trong những ngày đầu xuân thì Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) là điểm đến lý thú không thể bỏ lỡ. Tọa lạc tại vị trí cực Bắc của tỉnh, cách trung tâm thành phố Đồng Xoài hơn 100km, nơi đây thích hợp nhiều loại hình du lịch trải nghiệm như: tham quan di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ; nghiên cứu văn hóa, sinh thái... và trải nghiệm thể thao mạo hiểm cùng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đầy kỳ bí với hơn 20 dòng suối, thác và hang động lớn nhỏ khác nhau, Vườn quốc gia Bù Gia Mập xứng tầm là một trong những điểm đến lý tưởng mà bất kỳ nhà thám hiểm, người du lịch hoặc lữ hành nào cũng nên ghé qua.

Trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng) hay Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam (Căn cứ Tà Thiết) thuộc địa phận huyện Lộc Ninh cũng là địa danh đã làm nên điểm nhấn hấp dẫn cho du lịch về nguồn tại Bình Phước trong những ngày đầu năm. 

Ðiểm đến của du lịch tâm linh

Bình Phước còn là vùng đất có rất nhiều ngôi chùa linh thiêng, là mảnh ghép hoàn hảo cho du lịch tỉnh nhà. Ngoài các ngôi chùa cổ hàng trăm năm tuổi, cũng có rất nhiều ngôi chùa mới được xây dựng với quy mô lớn. Mỗi ngôi chùa tồn tại trên đất Bình Phước có đặc điểm riêng, nhưng đều để lại dấu ấn quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân.

Chùa Phật Quốc Vạn Thành.

Chùa Phật Quốc Vạn Thành (thị xã Bình Long) được xây theo lối kiến trúc giao thoa của Phật giáo Nam - Bắc, là điểm liên kết giữa kiến trúc Phật giáo Việt Nam và văn hóa Nhật Bản. Với độ cao 73m, khách đến vãn cảnh chùa đứng cách xa hàng trăm mét đã có thể nhìn thấy tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nằm trên mái chùa, được xem là cao nhất Đông Nam Á hiện nay.

Du khách vãn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước

Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước gắn với quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân mà còn nâng tầm giá trị văn hóa di tích. Thiền viện có khuôn viên 60 ha, các hạng mục, công trình thiết kế theo mô hình Phật giáo Trúc Lâm, gồm chánh điện, các chùa gỗ, hậu cung, giảng đường. Cùng với các công trình tín ngưỡng, tôn giáo khác, Thiền viện Trúc Lâm Bình Phước đã trở thành nơi thờ phụng, tịnh tâm và tham quan của du khách trong và ngoài tỉnh.

Nhà Dài tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, một trong những di sản văn hóa của người S’tiêng

Chùa Sóc Lớn (huyện Lộc Ninh) là ngôi chùa Khmer lâu đời nhất ở Bình Phước, thuộc “Top 100 điểm du lịch văn hóa tâm linh được yêu thích” năm 2016 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bình chọn. Đây là nơi diễn ra các lễ hội lớn của người Khmer ở Bình Phước, thu hút đông phật tử khắp nơi. Ngày 15/12/2004, chùa Sóc Lớn được UBND tỉnh Bình Phước xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.

Không gian chill - nguồn năng lượng tươi mới

Ở các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Phước hôm nay không khó để có thể bắt gặp những Glamping ấn tượng, quán cà phê được đầu tư cực chất và phim trường chill lung linh để du khách dừng chân check-in với những khung hình “sang, xịn, mịn”.

Hồ Suối Giai, huyện Đồng Phú.

Ngoài các địa điểm quen thuộc như quán cà phê Vườn Thông, Đồi Chill, Cõi Đá (thị xã Phước Long); phim trường Chill (thành phố Đồng Xoài); Khu du lịch Vườn Dừa (huyện Bù Đốp); Bình Long Phố (thị xã Bình Long)… Vườn nhà Glamping & Farm (thị xã Chơn Thành) đang là điểm đến đầy mới mẻ. Nơi đây được ví như một Đà Lạt thu nhỏ với khung cảnh cực chill cùng trải nghiệm đường zipline đầu tiên có tại Chơn Thành.

Một góc Vườn nhà Glamping & Farm

Chủ nhân của Vườn nhà Glamping & Farm Mã Kim Thoại chia sẻ: “Ở đây có khí hậu trong lành, vườn cây trái trĩu quả, giao thông thuận tiện, tiết kiệm chi phí đi lại của du khách muốn thư giãn cùng gia đình và người thân trong những dịp đặc biệt. Chúng tôi xây dựng mô hình Đà Lạt thu nhỏ với đầy đủ tiện ích, khu vui chơi, ăn uống và lều trại lưu trú… tạo ấn tượng với du khách khi ghé thăm”.

Những điểm đến xanh, sản phẩm du lịch xanh là xu hướng hiện nay, khi phát triển bền vững đang là sự lựa chọn bắt buộc. Đây là tài nguyên quý giá để Bình Phước thúc đẩy phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đồng thời là giải pháp quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.

Theo Thanh Thùy (Bình Phước online)

Du lịch, GO!