1. “Cô hình dung vầy, ngày xưa nơi này như một bán đảo, toàn dừa và vườn cây, thông thoáng, thơ mộng đẹp lắm. Phía trước mặt là sông rộng bao la, nước đầy và trong vắt, nhìn xuống thấy cát. Mùa hè, mấy chị em chúng tôi từ Vĩnh Trung về nhà ông nội, ngày nào cũng ra sông sàng rạm, ốc, tắm giặt. Ở đây như một vùng sông nước, nhà nào cũng có một cái ghe, tự phân ô thả rau muống, hàng ngày đi ghe ra cắt rau. Từ đây qua phố phải đi đò. Thế hệ chúng tôi ai cũng biết bà Tám đưa đò. Bến đò bên kia có cái lò vôi ngay con dốc.

Sông Kim Bồng xưa và nay.

Hồi đó bên này vắng lắm, chiều không dám ra đường vì sợ ma. Chỉ mấy nhà, toàn bà con chung một ông cố, ông sơ. Ông nội chúng tôi có hai người con, ba tôi và cô lấy chồng ở xa. Ba làm xe lửa ưng má về ở rể Vĩnh Trung nên ông nội sống một mình. Ông nội lúi húi ngoài vườn cả ngày, nhổ cỏ, quét dọn nên vườn rất sạch sẽ. Bên này đi lại khó khăn, nước ở đây là nước chà hai, muốn có nước sạch ăn uống phải lên tuốt chợ Mới mua nước. Kỷ niệm những mùa hè ngoài tắm sông, bắt rạm còn đi chở nước về cho ông nội.

Con sông này hồi đó là tuyến giao thương khá nhộn nhịp, trên bến dưới thuyền. Ghe thuyền từ cửa biển chạy lên, hàng hóa đưa xuống. Chỗ gần cầu Hộ là bến lưới đăng, cá mắm về đó hết. Hai nhánh sông vòng qua bán đảo này gặp nhau ở Phương Sài. Cây cầu gỗ Kim Bồng không nhớ có từ hồi nào, nhưng hồi đó xập xệ tạm bợ lắm. Ông nội kêu cho đất không thèm lấy vì hoang vắng quá. Ông nội mất năm 1976. Đến đời ông ba chia đất cho con cái để đó chẳng ai bán. Giờ con cháu cũng muốn ở nơi đô thị văn minh, học hành phát triển nghề nghiệp. Rồi dần dà nhà cửa thay vườn dừa hồi nào không hay, mới hơn hai mươi năm thôi nhưng giờ dày đặc bê tông. Con sông và cái bán đảo đẹp hơn Cồn Dê này giờ chỉ còn là hoài niệm”.

Câu chuyện hôm ấy giữa tôi với hai chị em ruột là bà L. năm nay 74 tuổi và bà Th. là em. Khi tôi hỏi nếu khơi thông dòng chảy sông Kim Bồng giờ chỉ còn là con mương hay đoạn kênh thì các bà nghĩ sao, bà L. cười: “Chắc tôi không kịp nhìn thấy con sông nước chảy trả lại một phần như ngày xưa cũng quý rồi!”.

Tôi nhớ lần cuối cùng tôi nhìn thấy con sông Kim Bồng còn dòng chảy khoảng hơn ba mươi năm rồi. Hồi ấy, chúng tôi hay đến nhà cô giáo dạy Anh văn ở đường Hà Thanh chơi. Nhà cô có sân sau nhìn ra sông, gió mát; cô đặt bộ bàn ghế tiếp khách rất thơ mộng. Cô thường nói, đây là chỗ cô ngồi đọc sách, ngẫm ngợi, thư giãn, thấy đời nhẹ tênh. Lâu rồi, tôi chưa ghé lại, không biết cô còn ở đó không và tôi đoán chỗ ngồi thư giãn của cô ngày xưa chắc không còn... 

2. Theo các tài liệu, sông Cái Nha Trang phát nguyên từ Hòn Gia Lê, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và TP. Nha Trang về biển. Đến Xuân Lạc (xã Vĩnh Ngọc), sông chia thành 2 nhánh, một nhánh chảy xiên theo hướng Đông - Bắc từ Vĩnh Ngọc đến Ngọc Hội rồi chia làm 2 chi, một chi chảy vào Phương Sài rồi chảy xuống Hà Ra. Xưa kia từng là một ngư cảng nhộn nhịp và phồn thịnh, bến Trường Cá (gọi tắt là Bến Cá) được coi là một trong những nơi xuất phát nghề lưới đăng của Nha Trang. 

Nhìn trên bản đồ hiện nay, nhánh chảy vào ngư trường gọi là kênh, vòng vèo qua Ngọc Hiệp, Phương Sài, Phương Sơn. Tên sông Kim Bồng không còn, tuy nhiên có thể xác định vị trí con sông ngày xưa giờ đã thành kênh, mương bằng từ khóa “cầu Kim Bồng”. 

Một ngày tôi chạy xe từ Phương Sài, qua cầu Kim Bồng, rẽ vào các con hẻm, có nơi chỉ còn một đoạn mương ngắn, hai bên là nhà và… rác. Hôm đó, may mắn tôi vào một con hẻm khác, đoạn kênh này thoáng hơn, nhìn sang bên kia là Hộ và nghe được câu chuyện kể ở trên.

Khu nhà của các bà trên đất hương hỏa ông nội để lại, nơi này vẫn còn hàng dừa, thoáng mát. Nghe 2 bà kể chuyện ngày xưa, tả vẻ đẹp của con sông và những mùa hè về nhà ông nội, thật sự khó thể hình dung khi nhà cửa san sát, chật hẹp như bây giờ ở khu vực này. 

Một người trong làng chỉ cho tôi ngôi miếu mà tôi tra tên (từ tiếng Hán) dịch là “Miếu Âm hồn”, có lẽ từ thời xa xưa lắm vì di tích để lại như cột cờ bằng gỗ rất xưa, mặt trong bức bình phong trước miếu có hình vẽ con hổ. Thần hổ là một trong các thần linh dân dã. Trước bình phong có bàn thờ là một bệ thấp đặt nhang đèn, bình bông là điều không thể thiếu theo truyến thống người Việt.

Tôi đọc các bản tin về dự án giải tỏa phục hồi lại dòng sông đã bị “bức tử” nhiều năm. Hai bên bờ sông nơi rộng nhất là cầu Kim Bồng giờ còn khoảng 30m, nước đen, tù đọng, đầy bèo và rác. Tôi mơ về một dòng sông trong phố, thơm tho, sạch sẽ, thoáng mát trong tương lai, giữ lại một vùng ký ức xưa cho những người đã từng biết sông Kim Bồng đẹp và thơ mộng, trả lại cho cô giáo của tôi một chỗ ngồi thư giãn thấy đời nhẹ tênh!

Theo Đào Thị Thanh Tuyền (Khánh Hoà)

Du lịch, GO!