(BBK) - Múa Nộc Niệc là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày được tổ chức vào dịp Hội Lồng tồng Hà Vị (xã Quân Hà, Bạch Thông) hằng năm. Đây là điệu múa có tính biểu trưng, lấy tên gọi của con chim Phượng Hoàng đất để thể hiện ước mong cuộc sống ấm no, hạnh phúc, đoàn kết và thương yêu nhau.
Tìm về tích xưa
Để hiểu rõ về điệu múa độc đáo Nộc Niệc, chúng tôi tìm đến nhà ông Dương Hữu Thụ (thôn Nà Cà, xã Quân Hà) – thành viên chính của đoàn múa. Ông Thụ cho biết: Theo truyền thuyết, xưa có nàng Vo, nàng Ve xinh đẹp đã đánh bại thủy thần, cứu nguy cho dân lành. Vua Thủy Tề tức giận tạo trận lụt lớn, thuồng luồng theo sông, theo suối lên bắt người, núi đồi lở sạt tan tành như thóc rang nổ mà người Tày vẫn dùng làm bánh “Khẩu Sli”...
Nàng Vo, nàng Ve đã ra tay chặn đánh thủy thần, đưa dân di tản lên hướng Tây - Bắc dãy núi Phja Bjoóc (núi Hoa) bây giờ. Từ đó người ta đã lấy khẩu phéc (bỏng gạo) trộn đường phên làm thành bánh, tượng trưng cho việc gắn lại đất đá, nặn thành các con vật trong múa Nộc Niệc thể hiện sự hòa hợp tự nhiên để mừng xuân.
Người xưa đã dùng hình tượng con Nộc Niệc, tức chim Phượng Hoàng đất để qua đó hàm ý nhắn gửi nhiều điều. Có lẽ cũng vì vậy, điệu múa Nộc Niệc chỉ xuất hiện vào những thời khắc linh thiêng, trang trọng như hội lồng tồng hoặc trong ban phúc lộc đầu năm mới và trong đám hiếu của người Tày xưa.
Nét văn hóa đặc sắc đầu xuân
Hội Lồng lồng Hà Vị, tổ chức vào ngày 11 tháng Giêng âm lịch hằng năm luôn thu hút đông đảo người dân tham gia, bởi một phần có nét riêng biệt từ múa Nộc Niệc. Điệu múa mang ý nghĩa là nghi lễ đón rước thần linh về phù hộ, độ trì cho một năm mới nhà nhà no đủ, người người hạnh phúc.
Khi múa, người múa giương cao và lúc lắc đầu con chim bằng gỗ, sơn đỏ, mỏ dài nhọn nhún nhảy theo nhịp chũm choẹ của người điều khiển. Múa phụ họa nhằm làm nổi bật uy thế thần thiêng của Nộc Niệc là khỉ và đười ươi. Trong cùng một điệu múa, cùng chung nhịp chũm choẹ nhưng mỗi loài thú lại có những động tác không giống nhau. Động tác múa tuy không khó nhưng đòi hỏi người múa phải am hiểu về tập tính của từng con vật để vận dụng khéo léo thành những động tác múa gắn với hoạt động sống đặc trưng của từng loài.
Ông Quách Văn Dụ, cũng là thành viên đoàn múa Nộc Niệc cho biết: Trước đây, trong lễ ban phúc lộc đầu xuân, đoàn múa Nộc Niệc đến từng nhà múa để xua đi những vận hạn của năm cũ và ban phúc lộc cho gia chủ cùng mọi người trong gia đình. Còn trong đám tang đoàn múa Nộc Niệc đi quanh linh cữu trước giờ xuất vong, giúp cho con cháu vĩnh biệt người đã khuất, đồng thời rước linh hồn người mất vào rừng làm bầu bạn với muông thú, cây rừng.
Múa Nộc Niệc ở Hội Lồng tồng Hà Vị tuy không quá cầu kỳ, phức tạp nhưng vẫn mang tính nghệ thuật cao, đòi hỏi người múa phải có những kỹ năng nhất định để truyền tải đến người thưởng thức về ý nghĩa sâu xa của điệu múa. Múa Nộc Niệc từ nhiều năm qua trở thành nét văn hóa đặc sắc mỗi dịp xuân về ở Bạch Thông. Điệu múa này khi tham gia các hội diễn, cuộc thi trong và ngoài tỉnh đều được khán giả thích thú và đạt giải cao.
Truyền giữ điệu múa độc đáo
Dự kiến Hội Lồng tồng Hà Vị năm 2024, đoàn múa Nộc Niệc sẽ thêm 02 người hóa thân thành muông thú nhằm thêm phần sinh động. Ngay từ trước Tết, các ông Dương Hữu Thủ và Quách Văn Dụ (hai thành viên chính của đoàn múa) đã cùng nhau chế tác linh vật và truyền dạy kinh nghiệm, kỹ năng múa cho 02 thành viên mới. Có thêm những thành viên là có thêm nhân tố cùng lớp người cao tuổi như ông Thủ, ông Dụ giữ gìn nét văn hóa độc đáo này.
Vào dịp Trung thu năm 2023, khi Ban Giám hiệu Trường THCS Quân Hà đặt vấn đề mượn linh vật và nhờ hướng dẫn kỹ thuật múa Nộc Niệc, ông Thủ vui vẻ nhận lời. Bởi ông biết, đó là cách truyền giữ bền vững điệu múa cổ truyền cho thế hệ trẻ.
Ông Thủ chia sẻ: “Múa Nộc Niệc là điệu múa đã có từ xa xưa, nhưng mãi đến năm 1989 mới được những người cao tuổi ở vùng đất Hà Vị (nay là xã Quân Hà) sưu tầm, phục dựng. 6 năm sau, nhờ tâm huyết của những người cao tuổi ở Hà Vị, điệu múa này mới được phục dựng đầy đủ trở lại để trình diễn trong dịp hội xuân. Đây là thể múa khá đặc biệt, ít thấy ở các địa phương khác. Phần lớn những thành viên trong đoàn múa đã có tuổi, trong khi số người am hiểu, thực hành được điệu múa này ở xã không có nhiều, vì thế chúng tôi mong được hỗ trợ để có thể truyền dạy nét văn hóa độc đáo này cho muôn đời sau”.
Theo Xuân Nghiệp (Báo Bắc Kạn)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.