(BBP) - Những ngày cuối năm, ai có dịp đi ngang qua con đường từ cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp về thị trấn Vĩnh Hưng đều không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp mê hồn của bạt ngàn bông lục bình. Lục bình ở đây trùm kín cả cái đầm nước rộng hàng mấy héc ta, dệt nên một tấm thảm khổng lồ tím biếc, nằm giữa tỉnh lộ 831 và đường tuần tra biên giới, thuộc xã Tuyên Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An.

Mùa khô, nhưng những thửa ruộng xung quanh đầm nước vẫn tươi xanh mơn mởn. Lúa đang thì con gái, được chăm bẵm bằng mồ hôi, công sức của những người nông dân tảo tần khuya sớm, bằng kĩ thuật tiên tiến và được tưới mát bởi dòng nước ngọt lành từ cái rốn sâu hoáy, tích tụ phù sa của vùng Đồng Tháp Mười nên tốt tươi, màu mỡ.

Sau buổi tuần tra, những người lính Biên phòng dừng chân bên đầm nước. Đôi chân các anh mệt mỏi rã rời, bộ quân phục dã chiến cũng nhuốm bụi đường. Anh chiến sĩ trẻ lần đầu tiên trong đời được đi giữa mênh mông cánh đồng bông lục bình, bỗng bồi hồi, xao xuyến.

Quê hương anh ở miền hạ, nơi chỉ có ngút ngàn những cánh đồng trồng cây thanh long xanh thẫm, trổ đều những trái đỏ xinh. Đêm đêm, ánh điện tỏa ra từ vườn cây lấp lánh như những vì sao của dải ngân hà dệt trên mặt đất. Và ngộ thay, nhìn bức tranh thiên nhiên bông lục bình, bỗng dưng anh cảm thấy nhớ mảnh vườn quê hương mình da diết quá.

Chỉ cần một ít phút nghỉ ngơi, thả lòng mình nhẹ nhàng, thư thái bên vẻ đẹp bình dị của những bông lục bình tím biếc, dường như bao nhiêu mệt nhọc của chặng đường hành quân thật dài bỗng nhiên tan biến. Anh chiến sĩ trẻ cất lên bên đầm nước một câu vọng cổ mang theo nhiều tâm sự: “... Nhìn cánh lục bình giữa Tháp Mười mênh mông sông nước, con bỗng nhớ quê nhà, nhớ mẹ biết bao nhiêu...”.

Phía xa xa, mép đầm nước tiếp giáp với đường tỉnh 831, nơi có cây tràm trổ bông vàng rực rỡ đang nhẹ nhàng nghiêng bóng, hai cô gái trẻ dẫn theo một em bé gái mặc bộ đồ lụa màu mỡ gà óng ánh. Có lẽ, họ từ thành phố về đây trải nghiệm vẻ đẹp đậm chất thôn quê và chụp hình lưu niệm. Họ men theo đầm nước, để chân trần khẽ đạp xuống mặt bùn non để tránh những bông hoa nở tràn cả lên bờ. Cô mặc chiếc áo bà ba màu tím sẫm, có lẽ từng trải hơn nên chậm rãi chạy theo cô em. Bất chợt, cô ngắt những bông lục bình, chụm lại trong lòng bàn tay, tung thẳng lên bầu trời xanh ngắt. Thế rồi ba người cùng cười, tiếng cười giòn tan trong trời chiều xanh mát.

Ông Bảy “Bù Xòe”, nhà có ruộng lúa cặp bên đầm nước, ngồi nghỉ mệt cùng đám lính trẻ rồi khẽ kể: “Nhiều năm trở lại đây, nhất là sau thời điểm diễn ra đại dịch Covid-19, nghề thủ công mĩ nghệ với các sản phẩm từ phần thân khô của cây lục bình càng trở nên gần gũi với đời sống và trở thành mặt hàng xuất khẩu. Những chiếc túi xách, đệm ngồi, giỏ quà và đặc biệt là các thùng đựng trái cây được làm từ lục bình đã mang lại chén cơm, tấm áo cho người nông dân nơi đây, lúc nông nhàn".

Những người dân nơi miền Tây sông nước còn luôn coi lục bình là món ăn ngon, một phần của bữa cơm thôn dã. Đọt non của nó có thể dùng để bóp dưa, nhúng lẩu hay nấu canh tép, canh chua cá lóc. Còn những chiếc ngó vừa giòn, vừa ngọt thanh có thể làm gỏi thịt, gỏi tôm và gỏi tai heo. Nhưng ngon và đặc trưng hơn cả vẫn là món bông lục bình kết hợp với cây kèo nèo chấm mắm kho. Vị mắm mặn mà, ăn kèm với vị thanh thanh, dịu ngọt và độ giòn xốp của phần đài hoa khiến món ăn trở nên đậm đà, thú vị.

Câu chuyện của ông Bảy chưa kết thúc, ba cô gái đã đến sát bên những người lính trẻ từ lúc nào mà không ai hay biết. Họ mạnh dạn làm quen những chàng trai, xin được chụp hình cùng màu xanh áo lính để đem về chốn thị thành náo nhiệt.

Nhưng xa xa bóng chiều đã ngả, họ chỉ còn vừa đủ thời giờ để kịp hỏi tên nhau, rồi đội hình hành quân lại tiếp tục lên đường...

Theo Nguyễn Hội (Báo Biên Phòng)

Du lịch, GO!