(SKĐS) - Phiên chợ đồ cổ, đồ xưa đầu xuân vừa khai mạc trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa (đường Trần Phú, TP Nha Trang) đã thu hút hàng nghìn khách đến tham quan, giao dịch, mỗi cổ vật mang một thông điệp thú vị.

Đa dạng đồ cổ, đồ xưa

Phiên chợ đồ cổ, đồ xưa đầu xuân do Câu lạc bộ cổ vật Nha Trang (trực thuộc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa) tổ chức với khoảng trên 2.000 đồ cổ, đồ xưa có tuổi từ 40 đến hơn 300 tuổi. Các mặt hàng ở phiên chợ đa dạng, từ bình hoa, bát, đĩa, ấm, chén, đèn dầu cổ, tiền xu, tiền giấy cổ, đồng hồ, loa đài, điện thoại, bật lửa, kính mắt, ngọc bích cổ, bình hoa…

Các đồ cổ, đồ xưa chủ yếu được làm bằng đồng, nhôm, sứ, gốm, gỗ, nhựa… Bên cạnh các đồ cổ có xuất xứ từ các vùng miền của Việt Nam, còn có một số vật dụng quý hiếm từ nước ngoài.

Nhiều người buôn bán đồ cổ ở phiên chợ cho biết, mỗi sản phẩm là một câu chuyện, mà điểm nhấn quan trọng nhất là biểu thị văn hóa và tinh thần sáng tạo trong sản xuất của con người. Các nghệ nhân hiện đại bây giờ có thể tham khảo.

Ví dụ, một bình hoa bằng gốm hơn 100 tuổi xuất xứ từ Quảng Nam, trên sản phẩm hằn in những nét chạm, những đường hoa văn rất sắc sảo. Điều đó phản ánh thông điệp về trí thông minh, sự tài tình, tinh thần sáng tạo của các nghệ nhân xưa. Giờ đây, khó ai chạm khắc được như thế. Hay những chiếc đèn dầu có trên 80 tuổi gợi nhớ về một thời gian khó mà mọi sinh hoạt, học tập vào ban đêm đều dưới ánh sáng của đèn dầu.

Đam mê đồ cổ nhiều năm nay và hiện đang sở hữu nhiều vật dụng quý, anh Trần Văn Sơn (phường Lộc Thọ, TP Nha Trang, Khánh Hòa) chia sẻ, có những con sư tử bằng đồng được làm cách đây gần 200 năm nhưng các nét chạm trổ rất tinh tế với những đường cong ấn tượng. Hay có có những cổ vật là tượng Phật được chế tác từ nhiều loại ngọc, cách đây hơn 100 năm, để trong bóng tối thì tỏa ra màu sắc vô cùng độc đáo, ban ngày chói sáng, khi lại chuyển màu sáng dịu. Nó biểu thị cho bàn tay điêu luyện, đỉnh cao của các nghệ nhân thuở trước.

Đến chọn mua 2 chiếc đèn dầu từ chợ đồ cổ, đồ xưa đầu xuân, anh Lê Văn Thành (Vĩnh Ngọc, Nha Trang, Khánh Hòa) bộc bạch: "Tuổi thơ tôi gắn liền với ánh đèn dầu, từ học chữ, đến gói bánh để mẹ đi bán ở chợ sớm đều dưới ánh sáng đèn dầu. Giờ trưởng thành, tôi mua 2 chiếc đèn về trưng bày ở nhà, thỉnh thoảng hoài niệm về tuổi thơ, đồng thời tự nhắc nhở mình cần cố gắng hơn trong thời điểm hiện tại.

Nơi giao lưu đồ cổ, đồ xưa ấn tượng

Là người say mê nghiên cứu đồ cổ nhiều năm qua, ông Hoàng Trọng Thức (Ủy viên Ban chấp hành Câu lạc bộ cổ vật Nha Trang) cho biết: "Phiên chợ đồ cổ, đồ xưa đầu xuân này chính là nơi gặp gỡ, giao lưu của những người muốn hiểu về đồ cổ, có tinh thần yêu đồ cổ, đồ xưa. Hiện nay, Câu lạc bộ cổ vật Nha Trang đã quy tụ được gần 60 người, ai cũng sở hữu nhiều cổ vật quý. Một số người mang ra trưng bày, bán các vật giá trị thấp, còn đồ cổ quý, giá trị cao thì để ở nhà, khách có nhu cầu mua thì đến nhà".

Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa chia sẻ: "Sau phiên chợ đồ cổ, đồ xưa này, cứ vào chủ nhật hàng tuần chúng tôi sẽ duy trì tổ chức phiên chợ đồ xưa trong khuôn viên bảo tàng. Đây là hoạt động giúp người dân, du khách hiểu về nhiều sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của các vùng miền của Việt Nam từ xưa đến nay".

Theo Đông Hưng (Sức Khoẻ & Đời Sống)

Du lịch, GO!