(TH) - Từ chiều ngày 24/1, Lễ hội Tết Việt Giáp Thìn 2024 do Nhà Văn hoá Thanh niên TP.HCM tổ chức đã chính thức khai mạc với nhiều hoạt động xuyên suốt từ nay đến Mùng 5 Tết Nguyên đán.

Đây là năm thứ 17 Lễ hội Tết Việt được tổ chức với hàng trăm gốc mai vàng rực rỡ cùng các gian hàng Phố ông đồ dọc theo cung đường Phạm Ngọc Thạch - Nguyễn Thị Minh Khai (Quận 1).

Trong đó, chương trình sẽ phân thành nhiều khoảng thời gian khác nhau: không gian lễ hội diễn ra từ 24.1 - 8.2 (tức đến hết 29 tháng chạp), sẽ hoạt động từ 8 - 22 giờ; ngày 30 tháng chạp nghỉ và tiếp tục đón khách vào mùng 1 cho đến hết mùng 5 tết, thời gian phục vụ từ 8 - 17 giờ.

Phố ông đồ hoạt động từ 24.1 - 8.2. Các chương trình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu thì diễn ra từ 24.1 - 7.2 (tức hết 28 tháng chạp).

Năm nay lễ hội có sự sắp đặt của nhiều không gian mang dấu ấn xưa và nay. Phố ông đồ được đầu tư công phu, bài bản cả về hình thức và nội dung hoạt động. Mỗi năm số lượng ông đồ trẻ đều tăng, năm trước khoảng 30 người, dự kiến năm nay tăng lên gần 50. Không những thế, năm nay có những gian hàng lên đến 4, 5 ông đồ trẻ (trước chỉ khoảng 1 - 2 người - PV) cùng ngồi cho chữ. Điều này vừa đáp ứng được nhu cầu khách hàng, vừa tạo nên điểm nhấn rất... trẻ cho hoạt động.

Đường mai năm nay cũng có nhiều nét mới. Đường mai chỉn chu hơn, cách sắp đặt cũng mới lạ với những gốc mai bao phủ mặt tiền đường Phạm Ngọc Thạch (Q.1) trong một bố cục đẹp mắt, hài hòa cùng các gian hàng phố ông đồ. Ban tổ chức khéo léo lựa chọn những mảng gỗ pallet mộc mạc tạo thành không gian tương tác trong vườn mai. Tất cả được sắp đặt rất nghệ thuật, mang đến cảm giác mới lạ cho du khách khi bước lên những thanh gỗ ở vườn mai và thỏa sức tạo dáng chụp hình.

Bên cạnh vườn mai và phố ông đồ, với ý tưởng kết hợp nghệ thuật sắp đặt và trải nghiệm đa giác quan, khuôn viên chính trong Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM sẽ tái hiện những hình ảnh tết xưa, với cổng nhà ba gian, làng nghề, bếp củi... Vật liệu được sử dụng là các sản phẩm của làng nghề truyền thống như nón lá, mái ngói, gốm nung, củi gỗ, chiếu cói, chum vại… Khi đến với không gian Lễ hội Tết Việt, mọi người sẽ có cảm giác được trở về quê. Dù ở miền nào đi chăng nữa, mọi người đều sẽ thấy phảng phất hình bóng quê hương của mình tại không gian lễ hội.

Xuyên suốt lễ hội là chuỗi chương trình nghệ thuật khai mạc lễ hội, Xuân yêu thương - Xuân vạn phúc... kết hợp với các hoạt động giao lưu, mua sắm, giải trí.

Ngoài không gian đường mai, Phố ông đồ còn có những hoạt động khác như không gian nghệ thuật sắc màu ngày tết, khu vực tái hiện nấu bánh chưng, các tiểu cảnh mang đậm nét văn hoá ngày Tết, hoạt động tình nguyện…. Xuyên suốt Lễ hội còn có nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc như hát bội, biểu diễn lân sư rồng, hoạt động vui chơi, mua sắm, ẩm thực, viết thư pháp, xin câu đối…

Tổng hợp từ nhiều nguồn

Du lịch, GO!