(CLCS) - Nơi đây được xem là ‏đầu mối giao thông đường thủy quan trọng cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long‏. Nói đến vùng đất Hậu Giang, có lẽ ai cũng biết chợ nổi Ngã Bảy – Phụng Hiệp, một khu chợ trên sông khá quy mô, trù phú ở Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, khu chợ ấy vẫn là điểm du lịch nổi tiếng và được đầu tư phát triển ở thành phố trẻ Ngã Bảy.

Thành phố duy nhất là nút giao của 7 con kênh

TP Ngã Bảy có diện tích tự nhiên hơn 78km2, là đơn vị hành chính có mật độ dân số cao nhất tỉnh Hậu Giang. Thành phố có phía đông giáp huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng); phía tây và phía nam giáp huyện Phụng Hiệp, phía bắc giáp huyện Châu Thành (tỉnh Hậu Giang). Sau khi thành lập, TP Ngã Bảy có 6 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 4 phường: Ngã Bảy, Hiệp Thành, Lái Hiếu, Hiệp Lợi và 2 xã: Đại Thành, Tân Thành.

Đây là đô thị lớn thứ hai của tỉnh Hậu Giang (sau TP Vị Thanh), có lợi thế về vị trí địa lý để phát triển kinh tế - xã hội khi nằm trên tuyến Quốc lộ 1A, giữa trung tâm TP Cần Thơ và TP Sóc Trăng (mỗi thành phố cách Ngã Bảy khoảng 30 km). TP Ngã Bảy cũng là đầu mối giao thông đường thủy và đường bộ quan trọng trong vùng. Địa danh này được biết đến giàu truyền thống cách mạng, chứng kiến nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử.

Mặc khác, TP Ngã Bảy có vị trí chiến lược quan trọng của tỉnh Hậu Giang và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi hội ngộ của 7 con kênh: Cái Côn, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn; cùng với trục giao thông thủy quan trọng là sông Hậu, đồng thời là trục đường chính vào cảng quốc tế Cái Cui - TP Cần Thơ và là tuyến đường thủy quốc gia từ TP HCM xuyên Đồng bằng sông Cửu Long ra vùng biển Tây Nam.

Nơi đây không chỉ là nơi giao thương các sản phẩm miền tây sông nước như: cam sành, chanh không hạt... mà còn là nơi gìn giữ nhiều nghề truyền thống lâu đời như: đóng ghe, xuồng, đan lưới… con người nơi đây hiền hòa, chân chất, nghĩa tình và giàu lòng mến khách.

Bên cạnh đó, du khách đừng quên thưởng thức ẩm thực đậm chất miền Tây sông nước với nhiều món ăn dân dã đồng quê nhưng vô cùng ngon miệng như: gà hấp muối ớt, cá lóc đồng nướng trui, vịt trời nướng, lươn um rau ngổ… Đặc biệt là các loại bánh dân gian Nam Bộ như: bánh xèo, bánh khọt, gỏi cuốn…

Nên đi đâu khi du lịch Ngã Bảy?

- Chợ nổi Ngã Bảy - Phụng Hiệp

Chợ nổi Ngã Bảy hay còn được gọi là chợ Phụng Hiệp, ra đời từ năm 1915, tính đến nay đã hơn 100 năm. Đây là một trong những khu chợ nổi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, từ những năm 40 của thế kỷ XX trở đi chính là nút giao thông đường thủy lớn nhất Nam Kỳ. Hầu như mọi hoạt động buôn bán, trao đổi, trung chuyển của các tỉnh miền Tây đều đổ dồn về địa điểm này.

Ngã Bảy được mệnh danh là “kinh đô sông nước”, nơi dù ngày hay đêm vẫn luôn bùng nổ với hàng trăm sắc màu, âm thanh và hương vị của đủ thứ từ phong cảnh, trái cây, đồ ăn thức uống, trang phục… Thường chợ sẽ là nơi “lộn xộn” nhưng chính điều đó lại khiến bạn cảm thấy thoải mái, thích thú và thật sự muốn tận hưởng.

Với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, hầu hết cuộc sống của người miền Tây sẽ gắn liền với sông nước, miệt vườn. Từ đó đã hình thành một lối sống cũng như nét văn hóa riêng độc đáo không thể trộn lẫn vào đâu được. Cũng nhờ sự khác biệt đó mà nơi đây trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi năm.

- Di tích Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ

Đây nguyên là ngôi nhà của ông Hà Văn Phú (chủ tiệm chụp hình Việt Nam, ở chợ Phụng Hiệp), xây dựng vào năm 1928. Di tích Ủy ban Liên hợp Đình chiến Nam Bộ là nơi để chỉ đạo, giám sát việc thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ vừa ký kết với nội dung quan trọng là Pháp công nhận nền độc lập của nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến quân sự tạm thời.

Đình thần Phụng Hiệp

Đình được xây dựng năm 1907 có kiến trúc đình làng truyền thống Nam Bộ. Nơi thờ Thần Hoàng, các bậc tiền nhân và các anh hùng dân tộc có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của người dân địa phương.

- Chùa cổ Vĩnh Hiệp

Chùa được xây dựng những năm đầu của thế kỷ XX do cố đại lão hoà thượng Thượng Liễu Hạ Giác kiến tạo, phần đất do 2 ông bà phật tử địa phương hiến cúng. Trong thuở ban đầu chỉ là mái lá vách đất đơn sơ, sau khi hoà thượng qua đời, cố ni sư thích nữ Hồng Liên được sự tín nhiệm của người dân và kế thế sư ông trụ trì ngôi Tam Bảo.

Đến với chùa, du khách cần đi qua cây cầu bắc qua nhánh của con sông Ngã Bảy. Ngôi chùa có màu đặc trưng là màu đồng, màu sắc này bao trùm khắp nơi. Trước sân chùa có bức tượng Quan Thế Âm, bức tượng Di Lặc, miếu Bà…

- Làng nghề truyền thống đan Cần Xé

Nằm dọc theo bờ kinh xáng Cái Côn – Phụng Hiệp suốt 2km, xóm Cần Xé lúc nào cũng nhộn nhịp với hàng trăm thợ đan – lao động ngày ngày cần mẫn chẻ tre, chẻ trúc, vót nan, đan cần xé để sẵn sàng cung ứng cho thị trường đó đây.

Cần xé có mặt từ rất xa xưa trên vùng đất Nam Bộ - Hậu Giang. Nhiều vị cao niên kể rằng, từ đời ông cha họ đã biết đến loại vật dụng này. Với hình dáng như một loại “giỏ”, được đan bằng tre, trúc có miệng rộng, vành to, đáy sâu, có quai để xách, để khiêng. Đây là một loại đồ đựng gắn liền với quy trình lao động sản xuất; thu hoạch. Đặc biệt, nó được sử dụng rất nhiều trong giao thương từ nông thôn cho đến thành thị.

Theo Quỳnh Như (Chất Lượng & Cuộc Sống)

Du lịch, GO!