(KTO) - Tương truyền, "tua ngưởc" là sự báo hiệu cho cái chết sắp đến, và những người nhìn thấy sinh vật huyền bí này sẽ hồn lìa khỏi xác. Vẫn có một số ít người có thể sống sót nhưng bị đau ốm triền miên...
Nằm ở xã Lý Quốc, huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng, hang Ngườm Bang là một hang động tự nhiên xuyên qua dãy núi Phia Rân, đã được cải tạo thành con đường xuyên núi thuộc tỉnh lộ 207. Hang động này gắn với một truyền thuyết kỳ bí được kể lại ở địa phương qua nhiều thế hệ.
Theo bài viết của tác giả Mai Chi đăng trên báo Cao Bằng Điện tử, từ nhiều thế kỷ trước, khi vùng đất này còn rất hoang sơ, hang Ngườm Bang là nơi cư ngụ của một loài động vật rất bí ẩn, không có hình dáng nhất định, được đồng bào dân tộc Tày gọi là "tua ngưởc".
Tương truyền, "tua ngưởc" là sự báo hiệu cho cái chết sắp đến, và những người nhìn thấy sinh vật huyền bí này sẽ hồn lìa khỏi xác. Vẫn có một số ít người có thể sống sót nhưng bị đau ốm triền miên.
Khi nhìn thấy "tua ngưởc" phát ra ánh sáng màu đỏ, chiếu sáng lấp lánh cả hang động là lúc nó đến bắt hồn người. Tuy nhiên, khi nhìn thấy màu đen, con người sẽ có cơ hội sống sót.
Thời xưa không mấy ai dám đi qua hang Ngườm Bang. Thay vì đi qua hang người ta làm một con đường nhỏ trên núi để đi, và thường phải đi cùng nhiều người chứ không đi một mình.
Mỗi lần qua ngọn núi trên hang, người dân sẽ bỏ mũ, xuống ngựa thể hiện sự tôn trọng đối với "tua ngưởc".
Mỗi năm vào dịp Tết, người dân hai xóm gần hang sẽ tế lợn cho "tua ngưởc". Nếu “ngài” nhận con lợn tế thì người dân được yên bình sống quanh năm, còn không thì sẽ phải trả giá bằng mạng người.
Người ta kể rằng, những người bị bắt đi chủ yếu đều là con gái, bị "tua ngưởc" bắt về làm vợ...
Cho đến những năm gần đây, không nhiều người đi qua hang Ngườm Bang, phần vì hang khá dài, gập ghềnh và rất tối tăm, phần vì nỗi ám ảnh từ truyền thuyết "tua ngưởc".
Năm 2003, sau khi được cải tạo, hang Ngườm Bang đã trở thành con đường lớn, hàng trăm lượt người xe qua lại mỗi ngày. Đến lúc này nỗi sợ loài "tua ngưởc" mới khép lại.
Dù vậy, huyền tích "tua ngưởc" sẽ luôn được các bậc cao niên kể lại cho con cháu. Có thể nói truyền thuyết này là một di sản văn hóa độc đáo, góp phần làm phong phú thêm cho tài nguyên du lịch của mảnh đất Cao Bằng.
Theo Quốc Lê (Kiến Thức)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.