(PTO) - Ngã ba Hồng Lô gồm sông Hồng, sông Đà, hợp lại chảy ra sông Lô; bên Tả xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, bên Hữu là xã Hồng Đà cũ (nay thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông) và các xã Thái Hoà, Cổ Đô (huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Xung quanh khu vực ngã ba sông còn lưu giữ những truyền thuyết về các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, giữ nước cùng nhiều câu chuyện tâm linh được truyền từ đời này sang đời khác.

Khu vực ngã ba Hồng Lô.

Truyện kể rằng, trước đây người dân Tổng Nung (gồm các xã Hồng Đà, Dậu Dương, Thượng Nông cũ nay là xã Dân Quyền) ở dọc theo ven sông Hồng lên đến vùng Hưng Hóa. Hai bên bờ sông được phù sa bồi đắp nên người dân trồng nhiều cây cối tươi tốt. Ở Tổng Nung, bà con trồng rất nhiều vải, có những thân cây vải to 6 – 7 người ôm, tán rộng, quả như cái chén, khi chín ăn rất ngọt. Tuy nhiên, vì cây cối rậm rạp nên ở dưới sông thường có thuồng luồng (một số người cho rằng là thủy quái hoặc cá sấu) tìm cách lên bờ bắt người.

Lúc này, trong làng có ông Phạm Văn Củng dũng cảm xuống sông bắt giết thuồng luồng, giải trừ hậu họa cho dân làng nên sau này khi mất đi được nhân dân phong là Đức Thánh ông (Thần hoàng) và được thờ phụng ngay bên bờ sông.

Lại nói về câu chuyện vườn vải, truyền thuyết cũng ghi lại rằng, năm xưa Đức Tản Viên Sơn Thánh sau khi đánh thắng giặc Thục ở Tam Đảo trên đường về lễ tết bố mẹ vợ (Vua Hùng thứ 18), sau khi chờ vận chuyển qua sông thấy khu vực này rộng rãi lại có vườn vải râm mát nên quyết định dừng chân tại đây mổ lợn khao quân.

Sau này, do chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân dần di chuyển vào trong làng để thuận tiện cho việc canh tác, sản xuất. Vườn vải không được chăm sóc nên cũng dần mai một và được thay thế bằng các cây trồng khác. Tuy nhiên, để ghi nhớ công ơn của những người đã có ơn với làng, ngay tại khu vườn vải xưa nhân dân lập nên Cụm di tích Ba Đền thờ Đức Thánh Mẫu; Đức Thánh ông và thờ Ngọc Hoa Công chúa. Đồng thời, phân công ba giáp trong làng là giáp Nhất, giáp Nhì và giáp Đông, mỗi giáp trông nom một ngôi đền. Cứ đến ngày lễ chính (mùng 7 tháng Giêng hàng năm) thì tập trung cả ba Giáp tế rước bằng lợn chọn, rước kiệu từ đình làng ra Ba Đền hướng ra ngã ba sông để cầu an sinh cho thôn xóm.

Cọc bê tông cho tàu thuyền neo đậu khi qua khu vực ngã ba sông.

Ông Phan Như Dương - Phó Ban Quản lý đình chùa thôn Hạ Nông, xã Dân Quyền cho biết: Cùng với những truyền thuyết về Đức Thánh ông và Đức Tản Viên Sơn Thánh, khu vực ngã ba Hồng Lô còn nổi tiếng với những câu chuyện tâm linh kỳ bí. Nơi đây trước kia được xem là một trong những tuyến đường sông huyết mạch, thường xuyên có các thuyền thoi từ vùng xuôi chở vôi, than lên mạn ngược. Tuy nhiên, dòng sông nước chảy xiết, có nhiều ghềnh thác ẩn dấu dưới mặt nước khiến việc di chuyển rất khó khăn. Biết rằng có Cụm di tích Ba Đền rất linh thiêng nên mỗi lần đi qua khu ngã ba sông là các thuyền bè lại thả neo nơi này, cho thuyền nhỏ bơi vào bờ dâng hương hoa, trà quả cầu xin các bậc tiền nhân phù hộ. Chỉ sau một tuần hương thì y như rằng nước lặng, thuyền bè lại có thể dễ dàng qua lại...

Nhà văn hóa khu 15 nơi lưu giữ những nếp văn hóa và nhiều câu chuyện kể của người dân nơi đây.

Trải qua những thăng trầm của thời gian, nơi đây còn gắn liền với những cuộc đấu tranh chống thực dân xâm lược. Theo đó, vào Thu Đông năm 1947, khi thực dân Pháp mở cuộc tấn công quy mô lớn lên căn cứ địa Việt Bắc với âm mưu vây bắt cơ quan đầu não của ta và tìm diệt bộ đội chủ lực, để đề phòng địch lựa chọn hướng đi qua ngã ba Hồng Lô, dân làng Tổng Nung do ông Phan Văn Lài dẫn đầu đã tập trung đóng hàng trăm cọc gỗ xuống sông để chống giặc. Tuy giặc không đi qua Hồng Lô mà lựa chọn tuyến đường qua ngã ba sông Lô, sông Chảy thuộc địa phận huyện Đoan Hùng nhưng ý chí quật cường, tinh thần chống giặc của nhân dân Tổng Nung vẫn được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Phát huy những truyền thống của cha ông ta từ xa xưa truyền lại, người dân Tổng Nung luôn cần cù, chịu thương chịu khó, không ngừng nỗ lực để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Tận dụng địa thế ở khu vực gần ngã ba sông, người dân Tổng Nung xưa, Dân Quyền nay tích cực phát triển giao thương buôn bán với xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao và các xã thuộc huyện Ba Vì, TP Hà Nội... Xưa thì buôn bán nông sản, các loại chũm, vó, giờ thì mở rộng thêm nhiều mặt hàng đa dạng, phong phú, không chỉ với các địa phương giáp ranh mà còn mở rộng ra khắp cả nước. Đặc biệt, khu Hồng Đà được xem là khu dân cư sầm uất với mức thu nhập bình quân chung của người dân luôn ở mức cao ở xã.

Hiện nay, 100% đường giao thông của khu 15 – Hồng Đà, xã Dân Quyền được bê tông, nhựa hóa.

Ông Phan Văn Tây - Trưởng Ban Công tác mặt trận khu 15 - Hồng Đà, xã Dân Quyền cho biết: Khu có tổng số 312 hộ, hộ hoạt động thường xuyên 293, còn lại đi làm ăn xa. Bà con chủ yếu chạy chợ, làm thợ xây, buôn tóc, trồng và buôn bán cây cảnh... số ít người làm nông nghiệp, chăn nuôi. Đời sống nhân dân khấm khá, thu nhập bình quân đầu người đạt 5,7 triệu/ người/ tháng.

Cụm di tích lịch sử Ba Đền đang được tu sửa lại khang trang hơn.

Có điều kiện về kinh tế, người dân tích cực đóng xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng của khu. Hiện nay, 100% đường giao thông của khu được bê tông, nhựa hóa, tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 97%, gia đình có nhà kiên cố đạt 99%, 100% các hộ được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh. Đặc biệt, tháng 11/2022, khu đã được đón nhận danh hiệu Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu...

Cùng với đó, để giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, hiện nay Cụm di tích lịch sử Ba Đền đang được trùng tu, xây dựng với tổng kinh phí 1.8 tỉ toàn bộ từ nguồn xã hội hoá.

Tổng Nung xưa, Dân Quyền nay, bà con đời nào cũng vậy, luôn ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân đã có công với nhân dân, với đất nước. Có lẽ chính vì vậy mà đời sống của nhân dân ở đây ngày càng phát triển, khấm khá hơn. Và những câu chuyện kể về vùng đất ngã ba sông sẽ luôn được người dân nơi đây gìn giữ từ đời này sang đời khác...

Theo Vĩnh Hà (Báo Phú Thọ)

Du lịch, GO!