(CLCS) - Cây cầu khánh thành từ năm 2009 được coi là một trong những biểu tượng của Sài Gòn thời hiện đại. TP HCM có khoảng 200 cây cầu lớn nhỏ đã gắn với vùng đất này từ thuở mới khai hoang, trong đó có những cây cầu trên sông Sài Gòn gắn liền với lịch sử hơn 300 năm hình thành và phát triển của thành phố. Nổi bật nhất phải kể đến cầu Phú Mỹ - một trong những biểu tượng của Sài Gòn thời hiện đại.

Cầu Phú Mỹ dài 2.031m (chưa kể đường lên xuống cầu phía quận 7 và quận 2), trong đó nhịp chính 705m là cầu dây văng rộng 27,5m với tĩnh không thông thuyền 45m, khổ thông thuyền là 250m. Khả năng thông xe của cầu có thể đạt khoảng 100.000 lượt/ngày đêm.

Vẻ đẹp của cầu được tạo nên bởi 2 trụ tháp hình chữ H, cùng với mạng dây văng và hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí ban đêm. Trụ tháp này có hình dáng tương tự như cầu Mỹ Thuận trên sông Tiền, nhưng có cải tiến. Chữ H của trụ tháp tượng trưng cho tên thành phố, đồng thời tạo bề rộng mặt cầu cho việc lưu thông. Trụ tháp cầu Phú Mỹ cao đến 162,5m, cao hơn trụ tháp cầu Mỹ Thuận (do tĩnh không thông thuyền cầu Phú Mỹ cao hơn cầu Mỹ Thuận).

Quá trình thi công cầu Phú Mỹ Hưng là một trong những công trình thi công cầu tầm cỡ nhất, nhân công được sử dụng nhiều, chất lượng thi công được giám sát liên tục trong quá trình thực hiện. Cầu được thực hiện bởi sự liên hợp 3 công ty xây dựng gồm nhà thầu Bilfinger Berger (Đức), tổng thầu của dự án, cùng với các nhà thầu khác là Baulderstone Hornibrook (Úc), Freyssinet International et Companie và Arcadis (Pháp). Với công nghệ xây dựng tiên tiến hàng đầu. Mỗi bước xây dựng đều được giám sát thi công và kiểm định ngay sau khi hoàn thiện.

Cầu bắc qua sông Sài Gòn, nối quận 2, quận 7 và quận 9. Đây cũng là một trong những tuyến đường kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, khởi công từ tháng 9/2005, vượt tiến độ 4 tháng và khánh thành vào ngày 2/9/2009.

Từ khi cầu Phú Mỹ đi vào hoạt động đã giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển từ miền Bắc và miền Trung đi Đồng bằng sông Cửu Long trên tuyến quốc lộ 1A. Bên cạnh đó, các vành đai nối đến cầu hoàn thành còn góp phần giúp hệ thông giao thông đường bộ ở TP HCM giảm được sự quá tải. Nhờ đó, tạo nên sự thoáng mát cho các tuyến đường.

Cầu Phú Mỹ còn phục vụ các loại xe tải lớn, xe contaniner chạy qua, giúp cho nội thành TP HCM không còn các loại xe này. Vì vậy, nội thành sẽ giảm ô nhiễm, bụi bẩn, khói bụi, xăng xe và hạn chế tai nạn giao thông.

Tại thời điểm khánh thành, cầu Phú Mỹ phát triển thành công trình của Việt Nam, đóng vai trò trọng điểm và đem đến rất đông ích lợi cho người dân TP HCM. Bên cạnh đó, đây cũng là một trong các cây cầu dây văng có phần kỹ thuật dây văng hiện đại nhất thế giới.

Không chỉ là công trình giao thông huyết mạch của Sài Gòn, cầu Phú Mỹ còn là một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Sài Gòn. Vào lúc mặt trời dần tắt, du khách đứng trên cầu Phú Mỹ nhìn về hướng quận 7 sẽ thấy những tòa nhà cao tầng lên đèn rực rỡ tạo nên một khung cảnh lung linh huyền ảo.

Còn khi nhìn về phía quận 2, hiện ra trước mắt du khách là khung cảnh những con đường lên đèn rực rỡ uốn lượn. Những lượt xe cộ tấp nập nối đuôi nhau qua lại trên khắp các con đường tạo nên một Sài Gòn năng động về đêm. Đứng trước cảnh hoàng hôn xinh đẹp như thế, ai cũng phải ồ lên kinh ngạc và lưu luyến mãi không thôi.

Theo Quỳnh Như (Chất Lượng & Cuộc Sống)

Du lịch, GO!