(KTO) - Nằm ở địa phận xã Pô Kô (huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum), suối Đăk Na là một trong những địa điểm “bỏ túi” dành cho những người đam mê du lịch trải nghiệm. Mang trong mình vẻ đẹp mộng mơ huyền ảo, cùng không khí trong lành mát mẻ của núi rừng, suối Đăk Na có thể làm say đắm bao du khách khi đặt chân đến đây thưởng ngoạn. 

Bởi “tiếng lành đồn xa” và niềm đam mê khám phá phong cảnh thiên nhiên, mới  đây, tôi có chuyến trải nghiệm tại suối Đăk Na. Từ thị trấn Đăk Tô (huyện Đăk Tô) đi về hướng UBND xã Pô Kô chừng 15km, chúng tôi đến thôn Kon Tu Dốp 2. Nhờ sự liên hệ từ trước, chúng tôi gặp được A Xuyên - một người dân trong thôn, tình nguyện làm hướng dẫn viên cho đoàn đến nơi trải nghiệm bằng xe máy. Đi xe máy một đoạn thì gặp lối mòn dốc và gồ ghề. Bỏ xe máy lại, chúng tôi cùng nhau đi bộ khoảng 1km thì đến suối Đăk Na.

Càng đến gần suối, cảnh vật càng có nhiều thay đổi. Lối đi càng nhỏ, nhiều dốc và những mô đất nhấp nhô. Cây cối trở nên rậm rạp và mọc dày hơn. Hai bên lối đi, cơ man nào là các loại cây đua nhau vươn cao đón nắng mặt trời, có những gốc cây to đến 2 -3 người ôm không xuể, càng tô điểm nên nét hùng vĩ, hoang sơ ở đây.

Đi khoảng 15 phút, chúng tôi có thể lắng nghe được tiếng róc rách của nước con suối chảy ra từ những khe núi. Thanh âm này cùng tiếng hót rộn ràng của muôn loài chim, tạo nên một bản hòa tấu sống động, quyến rũ.

Theo A Xuyên, từ bao đời nay, con suối này gắn liền với đời sống sinh hoạt của người Xơ Đăng nơi đây. Nguồn nước từ con suối giúp cho bà con trong việc sinh hoạt, tưới tiêu, trồng trọt. Bà con cũng thường đến đây để hái măng, bắt cá, bắt ếch, bẫy chuột. Cũng chính vì điều đó nên bà con rất trân trọng và tự giác cùng nhau bảo vệ cảnh quan tại suối Đăk Na. Vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ, nhiều người thường xuyên lui tới con suối để tận hưởng bầu không khí mát mẻ, hoang sơ, nơi tách biệt hoàn toàn với phố thị.

Đến suối Đăk Na, chúng tôi phải tháo giày, xăn cao ống quần, đi chân trần dọc theo con suối.  A Xuyên “bật mí”: Tùy từng mùa trong năm mà con suối mang mỗi nét, mỗi vẻ đẹp riêng biệt. Có lúc con suối ôn hòa, lúc dữ dội, lúc lại rì rầm ngày đêm. Ví dụ như khi các trận mưa bất chợt đổ xuống ào ào, lượng nước của con suối thường dâng cao rất nhanh và chảy xiết. Những lúc nước dâng cao, dòng suối chảy xối xả, phù hợp với những du khách thích mạo hiểm. Còn thời điểm đẹp nhất để du khách ghé thăm con suối chính là khoảng sau Tết Nguyên đán, bởi lúc này, dòng nước trong trẻo và ôn hòa. Đường vào suối cũng khô ráo, thuận lợi cho việc di chuyển.  

Một trong những nét đẹp của suối Đăk Na, không thể không nói tới những tảng đá lớn. Đá nằm trải dài dọc theo con suối, cho ta cảm giác đến bất tận. Những tảng đá ở đây thường có gam màu độc sẫm nhuốm thời gian, với nhiều hình dạng, kích thước to nhỏ khác nhau. Nếu muốn trải nghiệm tận cùng vẻ đẹp, hoang sơ của suối Đăk Na, con đường lý tưởng nhất chính là chọn cách băng qua các tảng đá cheo leo, vượt qua những gốc cây có bộ rễ chằng chịt, đan xen nhau hai bên bờ suối.

Vừa tham quan, vừa ngắm cảnh, nhưng chúng tôi vẫn luôn phải cẩn thận trong  từng bước đi. Bởi nhiều tảng đá đã phủ đầy rêu phong, cộng thêm độ nghiêng nhất định, trơn trượt, rất dễ bị ngã. A Xuyên luôn miệng nhắc nhở, cảnh báo mọi người cẩn trọng.

Đến đoạn đường khó, khi A Xuyên vừa dứt lời thì người bạn đi cùng tôi không may đã ngã nhào! Dòng nước chảy xiết khiến cho anh bị nước đẩy đi một đoạn khá xa. Chỉ đến khi vào vùng nước nông, được một tảng đá lớn cản lại, anh ấy mới có thể gượng mình, lồm cồm bò lên bên bờ suối. Thật may là sau cú ngã ấy, anh bạn chỉ bị xây xát nhẹ. Tuy nhiên, đó cũng là bài học nhãn tiền để mỗi chúng tôi càng không được chủ quan, chú ý hơn trong từng bước đi của mình.

Xuyên suốt chặng đường men theo suối Đăk Na, có những tảng đá tự nhiên lớn, có thể làm nơi nghỉ chân trong chốc lát. Đối với những người như A Xuyên - vốn quen thuộc với việc trèo đèo lội suối, thì chặng đường này dường như không làm khó được anh. Tuy nhiên, với chúng tôi, lần đầu tham gia du lịch trải nghiệm, thì lại là một thách thức không hề nhỏ. Cả nhóm chúng tôi ai nấy đều ướt đẫm áo, gương mặt đầm đìa mồ hôi. Vì vậy, cứ chốc chốc, cả nhóm phải tạm dừng nghỉ để lấy lại sức. Những lúc ấy, chúng tôi được A Xuyên kể thêm nhiều chuyện bên lề, xoay quanh về con suối. 

“Nguồn của suối Đăk Na bắt nguồn từ đồi Sạc Ly, vốn là vùng đất chiến trường ác liệt năm xưa. Theo lời những già làng kể lại, vào năm đó, có những thời điểm, dòng nước trong xanh của suối Đăk Na đổi màu nhuốm đỏ bởi máu của các chiến sĩ tham gia cuộc chiến ác liệt nơi đỉnh đồi. Dòng suối này tựa như nhân chứng sống gắn liền với khoảng thời gian máu lửa, hào hùng của con người và vùng đất nơi đây. Đến bây giờ, khi các cựu chiến binh quay trở lại thăm suối Đăk Na, nhiều người vẫn không kìm được nước mắt bởi ký ức về đồng đội, những mất mát của cuộc chiến năm xưa”- A Xuyên trầm giọng.

Tiếp tục di chuyển, chúng tôi đã đến được một vách đá lớn, nơi dòng suối Đăk Na đổ xuống tựa như một con thác nhỏ. Dòng nước len lỏi trong từng ngóc ngách của những phiến đá giống như mái tóc dài, trắng xõa buông giữa nơi núi rừng hoang sơ, kỳ vĩ. Màu xanh của cây rừng, màu sẫm của đá, màu trắng của dòng suối tạo nên một bức tranh thủy mặc ngây ngất lòng người. Khung cảnh này, dường như  nhanh chóng khỏa lấp những mỏi mệt trên cung đường khó nhọc, gập ghềnh vừa qua trong mỗi chúng tôi. Ngay cả anh bạn bị ngã khi nãy, dường như cũng quên biến cái chân đau của mình, liên tục tấm tắc, chìm đắm trước vẻ đẹp của thiên nhiên. 

Khi chúng tôi trở ra bên ngoài bờ suối Đăk Na cũng là giữa trưa. Chúng tôi được bà con Xơ Đăng nơi đây chiêu đãi các món ăn đặc sản của địa phương, như cơm lam, gà nướng, cá suối nướng dân dã mà đậm đà bản sắc. Trong bữa ăn, mọi người vẫn luôn rôm rả câu chuyện về suối Đăk Na.

Theo Tất Thành (Báo Kontum)

Du lịch, GO!