(BGT) - Vốn là cung đường khúc khuỷu khó đi, tuyến đường nối từ xã Sơn Dương - Đồng Sơn, TP Hạ Long (Quảng Ninh) đang dần hoàn thành đã giúp người dân vươn lên làm giàu, tiến bước cùng miền xuôi.

Xẻ núi làm đường lên đỉnh đèo

Ngày đầu tháng 11, theo chân cán bộ Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long (Quảng Ninh) lên thực địa tuyến đường nối từ xã Sơn Dương lên xã vùng cao Đồng Sơn, PV Báo Giao thông đã đến được đỉnh đèo Bút, cao chót vót như cổng trời, xung quanh mây mù che phủ.

Anh Vũ Văn Thắng, cán bộ của Công ty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật - một trong những đơn vị thi công tuyến đường từ Sơn Dương vào Đồng Lâm cho hay: Doanh nghiệp nhận gói thầu này thuộc diện "xương xẩu" nhất toàn tuyến.

Tuyến đường cũ

Nếu những đơn vị khác thì xẻ núi, bạt đồi còn doanh nghiệp lại làm ngược lại là thi công đắp tuyến đèo cao trên 80m dài trên 1.000m đảm bảo độ dốc 10% để giảm bớt cung đường vòng vèo tới vài cây số như trước đây…

"Khu vực này thời tiết khắc nghiệp, vào mùa mưa thì lũ thường lớn hơn, vào mùa đông thì từ sáng tới chiều đều quanh năm mây phủ, gió lạnh cắt da, cắt thịt. Thực trạng đó đã tác động rất lớn đến việc bố trí nhân lực, phương tiện… Đặc biệt là việc "giữ chân" người lao động trong điều kiện ăn, ở sinh hoạt giá rét, mưa lắm, lũ nhiều như vậy", anh Thắng tâm sự.

và tuyến mới đang thi công.

Bằng các giải pháp hỗ trợ người lao động trong từng bữa cơm, từng vị trí dựng lều bạt làm nơi ăn ở, cùng đó là áp dụng các giải pháp ngày nắng ráo tăng ca, chỉ trong một thời gian ngắn, doanh nghiệp đã hạ xong núi, đắp xong đường đèo bảo tiến độ và chất lượng.

"Hiện dự án chỉ còn một số hạng mục nữa là hoàn thiện, bàn giao cho chủ đầu tư đưa vào khai thác", anh Thắng nói.

Ông Trần Quốc Hùng, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long cho biết: Tuyến đường Sơn Dương - Đồng Sơn dài 19,1km được thiết kế nền đường qua khu dân cư rộng 13m, ngoài khu dân cư rộng 7,5m, vượt 97 suối rừng, hạ đèo Bút để vuốt hai bên đổ dốc dài 5km… 

Quy mô công trình thuộc dự án nhóm B, đường cấp IV miền núi có tải trọng thiết kế 10 tấn, vượt suối, thoát lũ gồm 74 cống với tổng mức đầu tư gần 400 tỷ đồng…

Quá trình triển khai, đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện địa chất khu vực này phức tạp. Nhiều đoạn vừa xẻ núi, cắt nhiều tầng xong thì gặp trời mưa lớn gây sạt, trượt khiến đơn vị thi công phải tốn kém thu dọn đất, đá, bố trí cắt tầng mới. 

Cùng với đó, nhiều đoạn tuyến đường đi qua ruộng cấy lúa, đồi trồng gỗ của dân, nên việc đảm bảo đất, đá không trôi vào ruộng, đồi của dân không bị sạt lở vào mùa mưa cũng cần phải tính toán kỹ, tránh gây thiệt hại cho bà con…

"Bằng các giải pháp kỹ thuật căn cơ, bố trí thi công dứt điểm từng cung, đoạn để tránh sự cố trong mùa mưa, đảm bảo thi công liên tục, đến nay tuyến đường đã hoàn thiện trên 90% tổng khối lượng. Dự kiến, cuối năm 2023, dự án sẽ được đưa vào khai thác", ông Hùng chia sẻ.

Hiến đất mở "đường tới tương lai"

Theo bà Phan Thị Hải Hường, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hạ Long, dự án này được ví như là "đường tới tương lai'' bởi sẽ kết nối khu vực các xã rẻo cao với thành thị, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái rừng, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc ít người…

Đây cũng là con đường nhằm hiện hóa chủ trương của tỉnh Quảng Ninh là phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi biên giới và hải đảo.

Ông Nguyễn Đình Đàn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dương cho biết: Nằm trên đường nối Sơn Dương – Đồng Sơn, xã có mấy thôn chủ yếu đồng bào dân tộc Dao, Sán Dìu sinh sống. 

Do giao thông cách trở, nên cuộc sống của các hộ ở khu vực này khó khăn hơn những thôn phía ngoài. Nhất là vào mùa thu hoạch gỗ rừng trồng, giá mua ở vùng cao rất thấp khiến nhiều hộ dân không mặn mà với phát triển kinh tế lâm nghiệp.

"Theo thống kê, xã có 35 hộ gia đình và tổ chức với trên 29.000m2 đất các loại bị chiếm dụng để làm đường. Ban đầu chính quyền địa phương xác định sẽ gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. 

Thế nhưng, do nhận thấy tuyến đường có ý nghĩa cho gia đình và cộng đồng, nên chỉ một thời gian ngắn, các hộ đã đồng thuận, nhận tiền và bàn giao đất cho đơn vị thi công", ông Đồn kể.

Ông Nguyễn Huy Hải, Chủ tịch UBND xã Đồng Sơn cho hay: Xã có hiện có 815 hộ với 3.200 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Dao. Bà con ở đây bao đời sống trong cảnh giao thông khó khăn, cách trở, nên kinh tế không bứt lên được.

"Tuyến đường mới nối từ xã Sơn Dương vào trung tâm xã Đồng Sơn dài gần 20km, chiếm dụng 21ha và ảnh hưởng đến 88 hộ. Từ khi triển khai làm đường, bà con phấn khởi lắm, nên hộ nào cũng nhanh chóng đồng thuận bàn giao nhà, khai thác ngay gỗ rừng để bàn giao đất mà không có ý kiến thắc mắc gì", ông Hải thông tin.

Cũng nhờ tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, nhiều hộ dân ở xã Đồng Sơn đã có điều kiện xây nhà mới, mua được nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền, đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Ông Đặng Tằng Long, nhà ở thôn Tân Ốc 1 cho biết: Bao đời nay, mỗi khi có việc phải về trung tâm thành phố là ai cũng "ngán", nhất là vào mùa mưa bão phải vượt qua đèo cao, suối sâu. Con cái muốn học lên cấp 3 phải ở trọ ngoài phố vì đi lại nguy hiểm. Vì thế, chỉ mong ước có tuyến đường rộng rãi, thuận tiện, thông suốt và an toàn mùa mưa lũ...

Theo Quang Minh (Báo Giao Thông)

Du lịch, GO!