(DTO) - Để có thịt lợn dành cho Tết, người Hà Nhì ở Điện Biên sẽ nuôi từ 12 đến 15 tháng, cho ăn bằng cây chuối nên thịt rất thơm. Thịt được chế biến đặt trong chum ngập mỡ để bảo quản tối đa 15 tháng.

Theo truyền thống, người Hà Nhì vào ngày Thìn (theo cách tính lịch riêng) cuối cùng của tháng cuối năm sẽ ăn Tết. Người dân sẽ vui chơi đón Tết trong 3 ngày. Vào dịp này, mỗi gia đình lại bận rộn chuẩn bị các lễ vật để thờ cúng tổ tiên và quây quần bên nhau.

"Vào dịp Tết, mỗi gia đình người Hà Nhì ở Điện Biên sẽ mổ lợn nặng hơn một tạ. Đó là loại lợn nuôi từ 12 đến 15 tháng, chỉ ăn cây chuối và bột ngô nên thịt rất thơm ngon, chuyên dùng để lấy mỡ", chị Chang Khừ Pứ, một người con dân tộc Hà Nhì, nói.

Sinh ra và lớn lên tại điểm cực tây A Pa Chải, Điện Biên, chị Chang cho biết người dân quê mình không có thói quen mua dầu ăn để chế biến các bữa cơm hàng ngày. Thay vào đó, người Hà Nhì sẽ nuôi những con lợn to béo để lấy mỡ ăn quanh năm.

Thịt lợn sau khi được cắt thành những miếng to sẽ được ủ muối nguyên một ngày để không bị hỏng. Sang ngày thứ 2, người nấu bếp sẽ rửa lại thịt với nước ấm rồi cho thêm muối.

Tiếp đó, thịt được áp lên chảo gang to tới lúc chín đều. Lúc này, phần mỡ trong từng miếng thịt sẽ tiết ra rất nhiều. Đây cũng là cách người Hà Nhì kho thịt.

Sau khi chế biến xong, thịt lợn có thể ăn được luôn. Tuy nhiên, người dân thường có thói quen ủ vào trong chum từ 1-2 tháng mới lấy ra ăn.

Do thịt được bảo quản ngập mỡ nên giữ được thời gian dài. Chị Chang tiết lộ, thậm chí món thịt kho đặc biệt này có thể để tới 15 tháng vì khí hậu ở vùng A Pa Chải gần như mát mẻ quanh năm.

Với món thịt ủ mỡ, lúc lấy ra thưởng thức, từng miếng săn chắc tỏa mùi thơm béo ngậy. Thường thì người Hà Nhì sẽ mang ra hấp chín, đảo nóng cho mỡ tan chảy trên bếp hoặc xào cùng dưa cải chua và rau cải mèo.

"Với cá nhân tôi, món này có thể chinh phục cả những người không ăn được thịt mỡ. Khi được đảo xém cạnh, miếng thịt hơi quắt lại, chỉ cần ăn cùng cơm nóng cũng đủ ngon.

Nếu cầu kỳ hơn, bà nội trợ có thể chế biến vài món để đổi vị. Người Hà thường ăn vào những bữa cơm hàng ngày chứ dịp lễ Tết cũng không còn. Đôi khi, khách phương xa may mắn tới đây đúng dịp mở chum thịt mới sẽ được thưởng thức", chị Chang cho hay.

Tốt nghiệp đại học ở Hà Nội, hiện chị Chang đã về quê sinh sống. Ngoài công việc chính, hàng ngày chị làm thêm các video về cuộc sống, con người và văn hóa ẩm thực người Hà Nhì ở Điện Biên để chia sẻ với người xem.

Thông qua những video này, cô gái dân tộc thiểu số mong muốn sẽ nhiều người biết tới quê hương mình, biến nơi đây thành một trong các điểm du lịch hút khách của địa phương. 

Theo Quốc Việt (Dân Trí)

Du lịch, GO!