(CLO) - Mặc dù giữa thời đại 4.0 nhưng vẫn có hơn 1.000 người dân sống cảnh không điện, không đường và không sóng điện thoại giữa chốn thâm sơn. Kỳ lạ hơn hàng trăm hộ dân này đều mang khẩu ở tỉnh Quảng Nam nhưng lại sinh sống trên vùng đất Kon Tum.

Chuyện buồn ở ngôi làng giáp ranh

Để có thể đến vùng đất xa xôi hẻo lánh này, chúng tôi đã mất nhiều giờ đồng hồ vượt qua hàng trăm cây số với những cung đường ngoằn ngoèo, bên vực bên núi. Nhìn từ xa ngôi làng như một lòng chảo, bao quanh bốn bề đều là rừng núi trùng điệp.

Ở chốn thâm sơn này vẫn có hơn 1.000 nhân khẩu với 238 hộ dân thuộc thôn 3, xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) sinh sống, canh tác từ nhiều năm nay. Dù mang khẩu Quảng Nam thế nhưng oái ăm thay họ lại sống trên vùng đất thuộc địa giới hành chính của xã Đăk Nên, huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum). Đa phần đều là người đồng bào dân tộc thiểu số Ca Dong và Xơ Đăng.

Con đường vào với người Ca Dong ở thôn 3 gian nan và đầy nguy hiểm.

Ngôi làng này cách trung tâm thành phố Kon Tum khoảng 300km. Và cũng vì cách xa khu dân cư nên đến nay làng vẫn còn là vùng trũng, chưa có sự đầu tư về hạ tầng. Đặc biệt, nhiều đời nay hơn 1.000 người dân ở đây đều sống chung cảnh không điện, không đường và không sóng điện thoại.

Người dân còn rất nhiều khó khăn khi không có điện, đường, trường, trạm, chợ và sóng viễn thông.

Nhiều năm qua, làng biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn, cách biệt với thế giới bên ngoài, những nóc nhà cứ thế mọc lên san sát nhau. Để có ánh sáng, bà con dùng máy phát điện nhờ sức nước hoặc năng lượng mặt trời. Khi cần gọi điện thoại, người dân phải chạy lên đỉnh núi cao mới bắt được sóng, dù vậy vẫn chập chờn lúc được lúc mất

Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn song người dân vẫn mong muốn được ở lại bởi họ đã gắn bó nhiều năm với vùng đất này

Bên bếp lửa trong căn nhà sàn, ông Hồ Văn Linh (trú ở thôn 3, xã Đăk Nên) chia sẻ: “Gia đình tôi đã sinh sống ở đây từ những năm 1975. Nhiều năm nay gia đình vẫn sống cảnh không điện, không sóng điện thoại, nếu muốn liên lạc phải lên đồi núi cao. Những năm trước, chiếc đèn dầu trở thành vật dụng không thể thiếu trong mỗi gia đình đến nay khá hơn chút bà con đã dùng máy phát điện nhờ sức nước để thắp sáng. Nhà có 3 người con nhưng vì cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên 2 đứa thất học, đứa còn lại vượt núi đi tìm chữ. Dù cuộc sống đầy rẫy những khó khăn, thiếu thốn nhưng tôi và bà con trong làng đều không muốn di dời đi chỗ khác vì đã gắn bó với nơi này hàng chục năm qua. Chỉ mong muốn chính quyền sớm kéo điện, làm đường để bà con thuận tiện trong việc đi lại và sinh hoạt”.

Không có đất đai canh tác nên phần lớn những người đàn ông trong làng phải xuống tỉnh Quảng Nam bốc vác mì thuê trang trải cuộc sống, phụ nữ ở làng chăm sóc con cái

Tương tự, chị Hồ Thị Ly cũng sinh ra, lớn lên và lập gia đình ở vùng đất này. “Bố mẹ mình sinh sống ở đây lâu lắm rồi, mình cũng sinh ra và lớn lên ở vùng đất này. Ở đây cuộc sống khó khăn lắm nếu bà con muốn đi chợ phải xuống Quảng Nam, tuy nhiên đường sá cũng xa xôi gập ghềnh, trắc trở lắm. Vì nhà không có đất sản xuất nên để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày, chồng mình phải đi bốc mì xuyên đêm, suốt sáng hoặc đi làm công…”, chị Ly trải lòng.

Cuộc sống khó khăn, chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng cùng với việc thiếu đất canh tác nên cái nghèo cứ bủa vây hàng trăm hộ dân

Giấc mơ “an cư, lạc nghiệp”

Cũng chính vì người tỉnh này ở trên đất tỉnh khác đã khiến ngôi làng càng trở nên heo hút và nghèo khó. Cái nghèo cứ thế dai dẳng đeo bám lên những người con ở làng như không còn lối thoát.

Vì sống trong cảnh nhiều không nên lâu dần nên người dân nơi đây chỉ biết trỉa lúa trên các sườn núi hoặc trồng bắp và mì theo lối tự cung tự cấp. Mặc dù cuộc sống khó khăn, thiếu thốn là vậy song các hộ dân nơi đây đều không muốn di dời đi chỗ khác. Người dân mong muốn chính quyền địa phương có thể tạo điều kiện để người dân được cấp sổ đỏ, hướng dẫn bà con vay vốn, phát triển kinh tế.

Trường mẫu giáo được dựng tạm bợ trên sườn đồi

Ở làng nhiều không này có một phòng học dành cho cấp bậc mầm non được xây dựng tạm bợ, cạnh đó là 2 phòng học lớp 1 và lớp 2. Các giáo viên dạy học ở thôn 3, xã Đăk Nên này đều được điều động từ xã Trà Vinh lên đứng lớp. Từ lớp 3 trở lên, các học sinh trong làng phải vượt hơn 10km đường rừng đến xã Trà Vinh để học. Mỗi khi ốm đau, bệnh tật nặng, người dân phải dùng xe máy chở người bệnh xuống Trạm y tế xã Trà Vinh để chữa trị.

Buổi làm việc giữa chính quyền hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam vừa qua nhằm tìm hướng giải quyết vướng mắc nhưng vẫn chưa ngã ngũ.

Ông Phạm Thanh Nam - Chủ tịch UBND xã Đăk Nên cho biết: “Hiện có 238 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu thuộc xã Trà Vinh đang sinh sống, canh tác trên địa bàn xã Đăk Nên. Việc này gây khó khăn cho cả 2 tỉnh trong việc quản lý dân cư, đầu tư phát triển hạ tầng, phục vụ dân sinh. Thời gian qua, 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam đã tổ chức nhiều cuộc họp để có phương án hỗ trợ, tháo gỡ những vướng mắc ở khu vực dân cư này”.

Không có đường ôtô nên giao lưu với bên ngoài của người dân thôn 3 là điều hết sức khó khăn.

Về phía UBND huyện Kon Plông cũng đã có báo cáo gửi Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum, theo đó quan điểm của huyện là giữ nguyên hiện trạng đường địa giới hành chính giữa xã Đăk Nên, huyện Kon Plông và xã Trà Vinh, huyện Nam Trà My theo đúng hồ sơ đã được xác lập tại Chỉ thị số 364-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đồng thời, huyện Kon Plông cũng đang lên kế hoạch làm việc và họp dân lấy ý kiến để đầu tư cơ sở hạ tầng; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho bà con yên tâm phát triển kinh tế.

Theo Trần Hiền (Công Luận)

Du lịch, GO!