(BHG) - Xã biên giới Xín Cái (Mèo Vạc) cuối Thu như khoác lên mình chiếc áo lãng mạn, bình yên và tươi đẹp. Từng vạt hoa rừng bung nở dọc theo cung đường tuần tra, những thửa ruộng bậc thang chín vàng vào mùa thu hoạch, tạo nên khung cảnh vừa hùng vĩ, vừa thơ mộng giữa đất trời biên cương.

Xín Cái là một trong ba xã biên giới của huyện Mèo Vạc, cách trung tâm huyện khoảng 32 km; phía Đông giáp Trung Quốc và xã Sơn Vĩ; phía Tây giáp xã Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Pải Lủng; phía Nam giáp xã Cán Chu Phìn và Giàng Chu Phìn; phía Bắc giáp xã Thượng Phùng. Toàn xã có 19 thôn, với 1.030 hộ, gần 6.000 nhân khẩu, trong đó 6 thôn biên giới; dân tộc Mông chiếm hơn 70% dân số, còn lại là dân tộc Dao, Giáy, Nùng, Lô Lô...

Đây là xã đặc biệt khó khăn, hội tụ đủ những yếu tố bất lợi về thổ nhưỡng, khí hậu; tuy diện tích tự nhiên của Xín Cái lớn tới 3.590,51ha, song chủ yếu là núi đá, có độ dốc lớn, địa hình chia cắt mạnh bởi núi cao, vực sâu. Trong năm khí hậu khắc nghiệt, vào mùa Hè mưa nhiều gây sói mòn, sạt lở đất đá, lũ quét; mùa Đông thì nhiều tháng chìm trong sương mù, nhiệt độ xuống thấp tạo nên hiện tượng băng giá (có thời điểm âm 2 độ C) gây ra thiệt hại về giao thông, cây trồng, vật nuôi... Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Xín Cái gặp nhiều trở ngại, tỷ lệ hộ nghèo vẫn ở mức cao.

Là xã giáp ranh với nước bạn Trung Quốc, Xín Cái có tuyến đường biên giới dài khoảng 8,1 km, có 21 mốc chính và 10 mốc phụ, bắt đầu từ Mốc 469 đến Mốc 490. Đến Xín Cái, ngoài thưởng ngoạn khung cảnh núi rừng thì chinh phục cột mốc biên giới cũng là một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua với những ai đam mê khám phá. Các mốc được làm từ đá hoa cương, trên mặt có chữ tiếng Việt thể hiện phần lãnh thổ của Việt Nam, chữ tiếng Trung thể hiện phần lãnh thổ của Trung Quốc. Mỗi cột mốc nơi biên giới đều mang ý nghĩa thiêng liêng, đánh dấu chủ quyền biên giới, lãnh thổ của quốc gia. Gắn với những cột mốc ấy là những câu chuyện thấm đẫm tình yêu biên cương, niềm tự hào về dải đất hình chữ S đầy kiêu hãnh.

Nhiệt độ ở Xín Cái thấp gần như quanh năm nên khi đến đây cảm nhận được sự mát lành, dễ chịu, điều này góp phần tạo nên những biển mây trắng tuyệt đẹp vào mỗi ban mai. Xín Cái mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng, mang đậm dấu ấn của vùng đất biên cương hùng tráng, diễm lệ. Vào mùa Xuân, nơi đây trở nên thơ mộng bởi sắc hồng của hoa đào, sắc trắng của hoa mận.

Mùa Thu, Xín Cái có sức hấp dẫn đến kỳ lạ, nhất là khi đứng trên đỉnh núi vào những buổi bình minh hay chiều tà, ngắm nhìn các bản làng, dòng sông Nho Quế nước trong xanh, cảm nhận miền biên cương của Tổ quốc thật yên bình. Thời điểm cuối Thu, những thửa ruộng bậc thang ở Xín Cái trải dài trên các sườn đồi vàng ươm như rót mật, tập trung ở các thôn Xín Chải, Cờ Tảng, Bản Trang và Mè Nắng... Mùi của lúa mới, của khói bếp, rơm rạ bay theo gió phảng phất gợi những xúc cảm thân thương đầy ắp kỷ niệm.

Xín Cái mùa Thu, ngoài phong cảnh nên thơ mộc mạc, còn có sắc đỏ nổi bật giữa núi rừng đó là mùa quả táo gai chín. Đây là loại cây mọc tự nhiên, thân bụi, có gai, hoa nở thành từng chùm màu trắng, hương thơm dìu dịu đầy mê đắm. Vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, dọc 2 bên đường vào các thôn và trên cung đường tuần tra, từng chùm táo chín đỏ rực trên cành hấp dẫn mời gọi du khách đến với miền Cao nguyên đá. Thời điểm này cũng là lúc các loài hoa rừng đua nhau nở rộ, khoe sắc rực rỡ, càng tuyệt vời hơn khi được đứng giữa đất trời vùng biên cảm nhận vẻ đẹp của những đồi lau phủ trắng trên các sườn đồi. Ngoài ra, khi ghé thăm các bản làng, du khách còn được chiêm ngưỡng những ngôi nhà trình tường độc đáo, nghe tiếng nói cười của trẻ em trên đường tới trường; tìm hiểu nét văn hóa, hòa mình vào nếp sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Rời Xín Cái trong chiều cuối Thu, chợt nhớ đến bài thơ “Chiều biên giới” của cố nhà thơ Lò Ngân Sủn được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc: Chiều biên giới em ơi/Có nơi nào đẹp hơn/Khi mùa hoa đào nở/Khi mùa sở ra cây/Lúa lượn bậc thang mây/Mùa tỏa ngát hương bay. Với bức tranh thiên nhiên mộc mạc của những ngọn núi hùng vĩ, những con đường quanh co đầy thử thách và màu của hoa rừng, vàng của lúa chín, cùng sắc màu của váy áo thổ cẩm đã tô điểm cho cuộc sống nơi biên cương Xín Cái thêm rực rỡ.

Theo Thanh Thủy (báo Hà Giang)

Du lịch, GO!

Xín Cái - mùa đông năm ấy

Qua Dốc Xín Cái - Hà Giang