(QBĐT) - Mùa thu này, tròn 10 năm, mảnh đất Vũng Chùa (xã Quảng Đông, Quảng Trạch) đón người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam-Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về an nghỉ ngàn thu. 10 năm qua, mảnh đất vốn linh thiêng này như được tiếp thêm linh khí, trở thành địa chỉ thiêng liêng, gần gũi, thân quen với hàng triệu người con đất Việt, là nơi mọi tấm lòng thành kính hướng về.

Đất lạ hóa quen

Nằm dưới chân dãy Hoành Sơn, cách đèo Ngang khoảng 10km về hướng đông nam, Vũng Chùa-Đảo Yến là một trong những thắng cảnh đẹp nằm trong vịnh Hòn La. Tên gọi Vũng Chùa xuất phát bởi vùng biển nơi đây yên bình như vũng và từ hàng trăm năm trước, tại đây có một ngôi chùa rất linh thiêng, nhưng qua bao bể dâu nay chỉ còn lại nền móng.

Theo “Đại Nam dư địa chí ước biên”, Vũng Chùa là vùng đất có vị trí đắc địa, hướng nhìn ra biển Đông thoáng đãng nhưng kín gió. Nơi đây được bao bọc bởi những ngọn núi vững chãi như bức tường thành với thế “rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp lan ra tận biển” bằng đỉnh mũi Rồng che chắn phía tây bắc.

Có địa thế cong hình cánh quạt, Vũng Chùa được bao bọc bởi các đảo: Hòn La, Hòn Gió, Hòn Nồm (còn có tên là đảo Yến vì trên đảo có nhiều chim yến về làm tổ). Đảo Yến rộng khoảng 10ha, cách bờ 1km, vẻ đẹp hoang sơ như bức bình phong nổi lên giữa biển, giữ Vũng Chùa tránh bão to, gió lớn nên tàu, thuyền thường vào đây neo đậu tránh trú.

Vùng đất này còn được người dân nơi đây coi là linh thiêng bởi tương truyền năm xưa, vua Lê Thánh Tông xuất thủy quân đánh Chiêm Thành đã dừng lại nơi đây lập đàn cầu thần linh phù hộ. Khi chiến thắng trở về, nhà vua về đây lập đàn tế tạ ơn đất trời. Ngoài ra, theo các bậc cao niên ở đây, vùng đất còn có mộ phần của 2 vị tướng từng lập công lớn trong việc giúp người dân khai canh lập làng. Đó là anh em Trần Đạt và Trần Khai của triều nhà Trần.

Với vị thế đắc địa, khung cảnh non nước hữu tình, bình yên khoáng đạt và nhiều điển tích lịch sử linh thiêng, nhưng hơn 10 năm về trước mảnh đất này vẫn rất hoang vu, xa lạ. Chỉ đến khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn nơi đây làm nơi yên nghỉ vĩnh hằng, mảnh đất thiêng này đã trở thành một “điểm đến” thu hút hàng triệu con tim đất Việt.

Cho đến trước thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, sức hút ấy vẫn không hề suy giảm. Hễ là người dân Việt Nam, mỗi lần đến và đi qua mảnh đất Quảng Bình, họ đều rất mong muốn được đến Vũng Chùa để viếng thăm Đại tướng, để một lần được ngắm biển trời mây nước mênh mông…

Một chiều mùa thu năm 2023, tôi gặp gia đình anh Nguyễn Xuân Tuấn (Hà Nội) đang dạo chơi ở bãi biển Vũng Chùa. Anh cho biết, đây là lần thứ 3 anh đưa gia đình đến Vũng Chùa. Vì lý do khách quan, gia đình anh không vào thắp hương trước linh mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp được. Tuy vậy, cả gia đình sau khi vái vọng Đại tướng, đã dành thêm một chút thời gian khám phá phong cảnh nên thơ của Vũng Chùa và rất ngỡ ngàng bởi chỉ cách một dãy cây xanh là bãi biển thanh bình với bãi cát vàng mịn màng êm ái.

“Phong cảnh nơi đây đẹp như một bức tranh thủy mặc. Đến nơi này, tưởng nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, được đi bộ ngắm cảnh bên bờ biển Vũng Chùa, tôi thấy tâm hồn mình như được thư thái ra, bao muộn phiền, lo toan, ồn ào náo nhiệt của cuộc sống như biến mất”, anh Tuấn chia sẻ.

Rừng cây tri ân

Nhiều lần trò chuyện với ông Võ Đại Hàm (cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng ông), chúng tôi được ông kể, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người yêu cây, yêu rừng đến kỳ lạ. Mỗi lần về thăm quê hương, ngoài việc tự tay trồng cây ở vườn nhà và các di tích, danh thắng của quê hương, Đại tướng thường chọn những người trồng cây, trồng rừng giỏi để đến thăm, như: Mẹ Nghèng (ở xã Quang Phú, TP. Đồng Hới), ông Ngô Văn Lý (ở xã Cự Nẫm, Bố Trạch)…

Có lẽ, biết Đại tướng yêu cây, yêu rừng nên từ ngày Đại tướng về an nghỉ ở Vũng Chùa, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên cả nước đã về đây cung tiến, trồng thêm nhiều loại cây xanh để tri ân. Núi Thọ (nơi đặt linh mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp) trước đây chỉ có các loài cây bản địa và một ít cây thông thưa thớt thì nay đã trở thành một khu rừng với rất nhiều loài cây, loài hoa xanh tươi, tạo nên cảnh sắc thiên nhiên vô cùng ấn tượng.

Khoảng đất trống dưới chân mộ Đại tướng bây giờ là vườn mai vàng gồm 103 cây (tương đương tuổi thọ Đại tướng), mỗi mùa xuân về lại khoe sắc vàng rực rỡ. Vườn mai là sáng kiến của tuổi trẻ huyện Quảng Trạch thể hiện sự kính trọng và lòng biết ơn sâu sắc đối với vị tướng huyền thoại của nhân dân.

Cũng thể hiện sự tri ân với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đầu năm 2015, trong khuôn khổ chương trình “Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam” do Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) phối hợp cũng đã tổ chức phát động trồng hơn 13.000 cây xanh (trong đó 13.000 cây thông mã vĩ, 16 cây dừa dâu Thanh Hóa cao 4,5m) tại khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đặc biệt, mỗi khi mùa xuân về, nhiều người ngạc nhiên khi chứng kiến những nụ hoa ban trắng hồng khoe sắc bên linh mộ Đại tướng. Đó là những cây hoa ban được tỉnh Điện Biên trực tiếp mang từ Điện Biên vào trồng xung quanh khu mộ của Đại tướng để thể hiện lòng tưởng nhớ và tri ân của cán bộ, nhân dân Điện Biên và Tây Bắc đối với Đại tướng…

“Người về đem lại đổi thay Vũng Chùa”

Mùa thu này, tròn 10 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp về an nghỉ ngàn thu nơi Vũng Chùa. Cũng từ ngày đó, vùng đất linh thiêng này chưa lúc nào ngớt dòng người hành hương về thăm. Quảng Đông, từ một vùng quê nghèo dưới chân đèo Ngang, giờ được cả thế giới biết đến như một địa chỉ linh thiêng của Việt Nam.

Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết, cùng với sự hình thành Khu Kinh tế Hòn La, việc Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn Vũng Chùa làm nơi an nghỉ vĩnh hằng đã mở ra nhiều cơ hội, động lực giúp cho vùng đất Quảng Đông đổi thay, giúp người dân vươn lên nâng cao cuộc sống…

Theo ông Hiền, nền kinh tế của xã Quảng Đông vốn chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt hải sản trên biển nhưng những năm gần đây đã chuyển dịch mạnh mẽ sang phát triển du lịch, dịch vụ, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn người dân. Hiện, trên địa bàn xã có gần 100 nhà hàng, khách sạn đủ sức phục vụ một lượng lớn khách du lịch khi đến với Quảng Đông.

Bà Tưởng Thị Huyền, chủ nhà hàng Đảo Yến (xã Quảng Đông) bày tỏ: “Cảm ơn Đại tướng lắm! Từ khi Đại tướng về an nghỉ nơi đây, khách du lịch tìm về ngày một đông. Nếu như không có đại dịch Covid-19, thì chắc chắn lượng khách sẽ còn nhiều hơn nữa…”.

Theo Phan Phương (Báo Quảng Bình)

Du lịch, GO!