(TBV) - Quảng Ngãi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Nam Trung Bộ, nơi đây không chỉ được biết đến là mảnh đất giàu văn hóa, với những cảnh đẹp thiên nhiên nên thơ, con người bình dị mà Quảng Ngãi mà còn nổi tiếng với các làng nghề truyền thống.

+ Đan lưới, Đan rổ lồng ở Thuận Phước

Thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận nằm ở phía đông của huyện Bình Sơn, cách trung tâm huyện lỵ 15km về phía đông bắc. Thuận Phước có 2 khu dân cư, 5 đội sản xuất với diện tích tự nhiên 240 ha, 203 hộ, 755 nhân khẩu, 2/3 số dân làm nghề nông, 1/3 dân số còn lại làm nghề biển.

Đan lưới đan rổ lồng (hay rổ rỗi) là những nghề truyền thống Ở Thuận Phước, trực tiếp phục vụ nghề đánh bất cá của bà con. Gọi là rổ lồng vì hình thù của nó giống cái lồng khi được chồng lên nhiều cái. Còn rổ rỗi là theo từ “bạn rỗi” -nghề phụ trong thời gian rỗi của những cư dân vùng biển, những người không trực tiếp đánh bất mà chỉ có nhiệm vụ chuyển tải hải sản cung cấp khắp miền xuôi, miền ngược. Rỗ rỗi được dùng để hấp cá, mực thông dụng và thuận lợi nhất cho bạn rỗi.

Tre, nguyên liệu dùng để đan loại rổ rỗi phải là tre không non, nhưng cũng không già. Tre non thì mau hỏng, dễ mọt ăn, tre già thì giòn, mau gãy, tre bánh tẻ đủ độ bền. Sau khi được cắt ra từng đoạn cỡ 60 – 80cm, tre được vót ra từng nẹp. Với khoảng 28 nan và 2 cật tre (dùng làm nẹp rổ) là người thợ có thể đan thành một rổ lồng (rổ rỗi) chỉ trong vòng 30 phút. Đan rổ lồng xuất phát từ nhu cầu thực tế của nghề biển được cư dân ưu ái và giữ gìn.

Thuận Phước còn có một nghề truyền thống thứ hai, đó là nghề đan lưới. Xưa kia ông bà ta tự tìm nguyên vật liệu để quay xa, đan lưới thủ công. Ngày nay mọi thứ đều có sẵn để đan, từ lưới vây, lưới mực, lưới tôm, lưới ghẹ, lưới chuồn, … và tùy theo loại lưới muốn đan, thì kích cỡ (cự) và cỡ lưới (sợi lưới nhỏ) cũng khác nhau. Ví dụ: lưới ghẹ, lưới mực (cự 12cm) cước 25mm, lưới chuồn (cự 1cm) cước 25mm v.v… Muốn đan một tấm lưới thủ công, trước hết người ta gầy theo kích cỡ yêu cầu, theo một đầu dây cước với dụng cụ đan gọi là ghim (bầng tre hoặc bằng gỗ).

Chọn cước và làm cử bằng tre, sau đó là gầy lưới và đan theo số mét đã định. Sau khi đan xong là đến công đoạn rắn (kéo) lưới, người ta treo lưới đã đan và đổ nước sôi 90oC từ trên xuống, sau đó rắn (kéo) 2 đầu cho thẳng, căng. Khoảng 10 phút sau đó, lưới được rãi xen kẽ một đầu phao, một đầu chì. Tiếp theo là lượm (nhặt) lần lượt theo đầu phao, đầu chì để thu gom cả tấm lưới.

Trong quá trình nộm phao và nộm chì, cần phải có kỹ thuật khéo tay và đặc biệt là khoảng cách phải đều nhau để khi thả lưới đánh bắt, gặp dòng nước chảy lưới vẫn không có kẽ hở khiến cá lọt ra ngoài. Nếu gặp mùa nước nổi (tháng 9 – 1 1 âm lịch) thì ganh thêm ống ganh bằng phao hoặc bằng xốp để tăng độ nổi của nước và đánh bắt cá mực Ở tầm trên, gần mặt nước, các tháng còn lại thì đánh cá hố, cá sòng, cá ngân…

Ngoài ra còn tùy theo loại lưới đánh cá gì, thì kỹ thuật đan lưới và kỹ thuật đánh bắt cũng khác nhau. Với bản chất cần cù, chịu khó của người phụ nữ vùng biển, đan lưới là một nghề truyền thống, giải quyết được nhiều lao động khi nhàn rỗi, tăng thu nhập kinh tế gia đình.

Hiện nay, nghề nuôi trồng và đánh bắt hải sản là một trong những mũi nhọn kinh tế của tỉnh ta. Việc bảo tồn và phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống như đan lưới, đan rổ lồng Ở Thuận Phước được đánh giá cao, đặc biệt là đan lưới. Nên chăng Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có đề án vay vốn và thành lập các tổ hợp đan lưới để phục vụ sản xuất quy mô hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn. Chúng tôi được biết các sản phẩm thủ công này không những được tiêu thụ mạnh Ở Bình Sơn, Quảng Ngãi, mà còn đi xa hơn đến các vùng biển Bình Định, Ninh Thuận, Vũng Tàu, Côn Đảo Phú Quốc, Hải Phòng v.v…

+ Nón lá Chợ Đình

Chợ Đình thuộc xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, nổi tiếng là nơi buôn bán khoai sắn và đặc biệt là nón lá. Gọi là nón lá chợ Đình vì những chiếc nón được chằm bởi những người phụ nữ khéo tay khắp các thôn của xã Tịnh Bình và vùng lân cận, đều được đưa về bán tập trung Ở chợ Đình, rồi từ đó chuyển đi các chợ trong và ngoài tỉnh.

Theo những người cao tuổi, nghề chằm nón lá được phổ biến Ở Tịnh Bình vào khoảng cuối thế kỷ 19. Người dạy nghề đầu tiên là cụ Bính, quê Ở làng Hoài Phong, xã Tịnh Hiệp. Cụ Bính thích đi lại giao du, học được nghề từ phương xa, mang về dạy cho người làng.

Nhưng làng Hoài Phong đất rộng, người thưa, thời gian nông nhàn không nhiều, thành ra dân làng không mặn mà lắm với nghề chằm nón. Cụ Bính lại truyền nghề cho quê ngoại là làng Vĩnh Lộc, nay thuộc thôn Bình Nam xã Tịnh Bình. Nghề chằm nón nhanh chóng phát triển Ở Vĩnh Lộc rồi lan ra hầu hết các thôn trong xã cũng như các làng giáp giới Tịnh Bình thuộc 3 xã Tịnh Sơn, Tịnh Thọ, Tịnh Hà.

Khoảng thập niên 30, người thợ chằm nón đẹp nhất làng Vĩnh Lộc là cụ Tuân đã mang sản phẩm đi dự đấu xảo Ở tỉnh thành Quảng Ngãi và được giải nhì. Nón lá chợ Đình nổi tiếng, được người tiêu dùng ưa chuộng, chiếm lĩnh hàng nón các chợ trong tỉnh, đẩy lùi nón Huế, lấn lướt nón chợ Chùa (Quảng Nam), đi vào các tỉnh Ở phía Nam.

Cũng theo các bậc cao niên, trước đây Vĩnh Lộc là một làng nghề với gần như 100% số hộ làm nghề chằm nón. Ở các thôn khác, số hộ làm nghề này chiếm hơn một nửa. Từ những năm 60, chiến tranh tàn phá làng quê người thợ chằm nón tản mát đó đây nhưng vẫn mang theo nghề đi để kiếm cái nuôi sống bản thân và gia đình.

Sau ngày quê hương giải phóng, chợ Đình lại tụ hội đông vui, nghề chằm nón càng thịnh vượng. Chợ Đình không bán nón lẻ, vì dân Tịnh Bình nhà nào cũng có thể tự chằm nón để dùng. Những người buôn nón tụ về trước buổi chợ đông. Các gia đình chằm nón mang sẵn sản phẩm ra bán. Nón được đóng thành “cây” để vận chuyển đến bán Ở các chợ quê, chợ tỉnh.

Công cụ, nguyên liệu và các công đoạn chằm nón chợ Đình cũng giống như nón Nghệ, nón Huế hay nón Quảng Nam. Nguyên liệu là tre để vót tuyến (tức là những khung tròn bên trong nón) và lá cây nón thu hái từ rừng núi phía tây. Công cụ là bộ kèo gồm 20 rẽ, chiếc rựa vót tre, bộ đồ ủi lá và chiếc kim khâu.

Chuẩn bị chằm nón phải vót tuyến, ủi lá. Tiếp đến là đặt tuyến lên kèo, rồi bắt lá, chắp lá. “Chằm” là dùng kim khâu sợi cước cho thật đều để cố định lá trên khung tuyến. Chiếc nón thành hình khi đã được cắt bỏ phần lá thừa, chần hai vành tuyến cuối cùng, gọi là “nức”.

Một chiếc nón đúng tiêu chuẩn phải có 20 tuyến (để rộng vành, khi đội mưa không rớt xuống vai) và chằm ba lớp lá. Hai lớp ngoài lá non vừa, lớp trong lá già hơn. Để nón thật bền, dùng lâu, người thợ phủ mặt ngoài mặt nón nhiều lớp dầu thông; bên trong kiềm bốn đố bằng tre; Ở đỉnh nón khâu ép một chóp sòi.

Nếu như nón Huế thanh mảnh, điệu đàng thì nón chợ Đình nổi bật Ở tính bền, chắc, chịu đựng nắng mưa. Sở dĩ như vậy là vì Ở đây tre vót tuyến là loại “tre đất cát” sớ chắc và dai, khoảng cách mũi kim rất nhặt, lại thêm có bốn đố kiềm giữ bên trong, sòi ép cả ba tuyến đầu chóp nón bằng vảy đá.

Trước năm 1996, mỗi ngày có trên một ngàn chiếc nón chợ Đình được đưa đi bán Ở các nơi. Vài ba năm trở lại nay lượng nón làm ra ít dần, tuy nhu cầu sử dụng sản phẩm này không hề sụt giảm. Nguyên nhân chính là do thu nhập thấp (một công chằm nón thu lợi bình quân trên dưới 12.000 đồng – thời điểm 2001), người thợ bỏ đi nơi xa, nhất là phía nam và Tây Nguyên làm nghề khác.

Còn giừ nghề chằm nón chợ Đình hiện giờ chủ yếu là người cao tuổi và các em đang tuổi đi học. Nghề chằm nón vốn ít, chỉ dựa vào sự khéo tay, tranh thủ được thời gian nhàn rỗi của các thành viên trong gia đình. Tịnh Bình là vùng “đất cát, đồng gieo”, mùa mưa nước phong tỏa bốn bề, cả nhà xúm xít vào nghề chằm nón để “tích công làm lợi”, kiếm thêm thu nhập, đắp đổi áo cơm.

Ngày trước, đến Tịnh Bình vào ban ngày, thấy nhà nào cũng phơi nón đầy sân. Ban đêm, các cô thiếu nữ mang khung nón đến sân nhà ai đó rộng rãi để vừa thoăn thoắt mũi chỉ đường kim, vừa hò hát với trai làng.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển nghề chằm nón là tìm cách lo cái mặc cái ăn cho người thợ, để họ giữ nghề, mà cũng là tìm lại cái khung cảnh nên thơ ấy của làng quê

+ Nghề dệt chiếu cói

Thu Xà (xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa) và Cổ Lũy (xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh) là những làng nghề dệt chiếu cói nổi tiếng ở Quảng Ngãi.

Các làng trên đều nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, tiếp giáp với cửa Đại, cửa Lở, có nhiều đầm lầy nước lợ, chua phèn, thích hợp với cây cói (một loài thảo mộc thân thảo, mềm, xốp, khi thu hoạch cao khoảng 1 mét), là nguyên liệu chính để dệt chiếu.

Một nguyên liệu khác là cây tra hoặc cây đay. Đay cũng được trồng Ở vùng đầm lầy nước lợ; còn tra lại được lấy từ vùng núi. Thợ dệt chiếu Nghĩa Hoà dùng sợi tra. Thợ CỔ Lũy thì dùng đay. Sợi đay và sợi tra dùng để xe thành những sợi dây trân, tức là khung dây chạy dọc để dệt mảnh chiếu.

Công đoạn đầu tiên để dệt chiếu sau khi đã có đủ nguyên liệu là dựng khung dệt. Khung dệt chiếu cấu tạo khá đơn giản, gồm có các bộ phận sau đây:

- Trục: Là hai thanh gỗ (tre) tròn nằm Ở hai đầu, giằng với 4 cột, cắm Ở 4 góc để tạo thành khung dệt chữ nhật. Thường tùy theo khổ của tấm chiếu, kích thước của trục có thể dài hay ngắn.

- Con ngựa: Là bộ phận dùng để nẹp giữ không cho chiếu thay đổi khổ rộng hẹp. BỘ phận này cùng với bộ phận “đồng trang” có chức năng như nhau là thanh gỗ nẹp di chuyển theo chiều dọc của khung.

- Trân: Là các sợi dây kéo dọc theo khung, phủ qua hai trục Ở hai đầu khung, đi qua các khe răng lược của khổ và hai đầu mối được nối với nhau. Khoảng cách giữa các sợi trân cách đều nhau 1 cm, tạo nên một khung sườn cho tấm chiếu đang dệt.

- Khổ: Là thanh gỗ dài, dẹp, to bản. Ở phần rìa được gia công thành lỗ hình răng lược. Các kẽ hở răng lược được tạo thành các khoảng cách đều nhau, độ chênh lệch cao thấp giữa các lỗ tựa hình dích dắc.

Khi dệt người thợ hai tay nâng đưa khổ về phía trước khiến cho giữa hai làn sợi đay tạo thành kẽ hở. Đồng thời có một người ngồi bên đưa sợi chiếu vào và người thợ rập khổ xuống khiến cho các sợi chiếu nằm ngang khít đều với nhau. Người thợ chiếu cứ tiếp tục như vậy cho đến khi hoàn thành tấm chiếu. Trong lúc dệt, người thợ thường xuyên chú ý bẻ viền Ở đầu gáy chiếu để tấm chiếu đẹp, khỏi bị sổ.

Dệt xong tấm chiếu đầu tiên, người thợ chú ý các sợi đay còn dài một đoạn để khi dệt tấm chiếu thứ hai, các sợi đay được nối với đầu mối sợi đay của tấm chiếu đầu, như vậy công việc được tiến hành nhanh chóng.

Chiếu có nhiều sản phẩm đa dạng, gồm các loại chiếu đơn, mỏng, dệt đơn giản. Chiếu nhiều màu, dày, dệt công phu. Tấm chiếu khi nhuộm phải lựa chọn các màu sắc hài hòa. Chiếu nhiều màu thường dày, phải dệt bằng loại “khổ” khác. Chiếu đơn thường có kích thước bề ngang từ 8 tấc đến 1,2m, chiếu đôi từ 1,2m đến 1,6m.

Công đoạn tiếp theo là in hình lên mặt chiếu (đối với chiếu đôi nhiều màu người thợ không in). Khuôn in hình là khuôn đồng chạm thủng mô tả các hình hoa loa kèn, đường viền kỷ hà, trái đào, chữ (hạnh phúc gia đình, trăm năm hạnh phúc), hình (con bướm, trái đào ) năm sản xuất… Khi in, tấm chiếu trắng được đặt lên phản gỗ, người thợ đặt khuôn trên mặt chiếu, lấy chổi sơn quét lên mặt khuôn, các phần kẽ hở sẽ in hình lên mặt chiếu. In xong, người thợ đưa chiếu đến lò hấp Lò hấp cao trung bình 3 cm. Một lượt hấp 30 chiếu. Chiếu đem hấp là nhằm cho chín sơn và bóng hơn…

Đến đây tấm chiếu đã hoàn tất và được đưa ra thị trường. Hiện nay làng Thu Xà đã dệt được các loại chiếu dày, nhiều màu đẹp, tương đương với chiếu Nga sơn (Thanh Hóa), bán đi ở thị trường các tỉnh miền Nam rất được ưa chuộng.

Năm 2003 ở Nghĩa Hòa có đến 100 ha đất trồng cói. Từ cây cói được thu hoạch, tước đôi phơi khô và bán cho thợ dệt, loại cói cao 80cm giá thành 1.500đ/kg, loại cói cao 1,4m giá thành 2.500đ/kg. Tính ra người nông dân thu lợi gấp 3 lần trồng lúa trên cùng một diện tích.

Số hộ dệt chiếu Ở làng Thu Xà (xã Nghĩa Hòa) đã tăng lên đáng kể: Vào thời điểm năm 2000 có 320 hộ trong tổng số 550 hộ.

Nghề trồng cói, dệt chiếu từ lâu đã gắn liền với đời sống người dân vùng ven biển và đi vào lời hát dân gian:

“Chiếu cói làng em nhuộm màu tươi tắn

Công em rày mưa nắng gió sương

Chiếu này gởi khắp tứ phương

Gởi người quân tử trải giường nghỉ ngơi..”

+ Nghề làm bánh tráng ở Phú Châu

Thôn Phú Châu thuộc xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành. Cuối năm 2002 toàn thôn có 215 hộ, 940 nhân khẩu, chủ yếu sinh sống bằng nghề nông, trồng lúa nước kết hợp với một số nghề thủ công như đan lát, chẻ đá, nề, mộc… Khoảng hơn chục năm trở lại đây, làm bánh tráng trở thành nghề phụ đáng chú ý mang lại thu nhập tương đối khá cho nhiều hộ gia đình trong thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân.

Bánh tráng vừa là món ăn, vừa là nguyên liệu, phụ liệu để chế biến món ăn của người Quảng Ngãi, từ bữa cơm bình dân đạm bạc đến các tiệc cưới, giỗ chạp, giao đãi bạn bè; từ các quán nhỏ đến những nhà hàng sang trọng… Dĩa bánh tráng cuốn dành riêng cho mỗi người điểm tâm buổi sáng; kẹp bánh tráng đập (bánh rập, bánh ướt ráo) thì nhiều người cùng ăn vào nửa buổi sáng hoặc xế buổi trưa. Bánh tráng mỏng dùng gói ram bắp bình dân, ram cuốn nhân thịt, nhân tôm trong tiệc cưới, trong ngày giỗ; cuốn thịt cá, rau tươi trong các nhà hàng. Bánh tráng dày, có khi rắc ít mè, nướng phồng xúc ruột hến xào hành, cá thài bai chiên trứng hoặc cho vào tô bún, tô cháo lòng cho thêm ngon miệng. Đem bánh tráng nướng phồng nhúng qua nước lã cho dịu rồi cuốn đọt rau muống chấm với mắm kho hoặc cuốn cá chuồn hấp là món ăn rất khoái khẩu của người bình dân Quảng Ngãi.

Đặc biệt, trong mâm cổ cúng gia tiên Ở khắp mọi miền quê Quảng Ngãi bao giờ cũng có những chiếc bánh tráng tròn trịa, nướng phồng xinh xắn gác lên trên. Khi đem mâm cỗ xuống bàn mời nhau hưởng lộc ông bà, sau ly rượu nhỏ, bao giờ gia chủ cũng bẻ bánh tráng mời khách trước khi dùng các món khác và xem đây là một nghi thức bắt buộc. Người Quảng Ngãi quan niệm rằng bánh tráng được tinh chế từ hạt gạo – hạt ngọc của đất, lại có hình tròn là biểu tượng của trời, nên là một vật phẩm quý giá của nhân gian. âu đó cũng là một triết lý thô sơ, thuần phát của một vùng cư dân nông nghiệp, nhưng mang đậm ý nghĩa nhân văn, thật đáng trân trọng, giữ gìn…

Bánh tráng được làm ra ở Phú Châu cũng chẳng có gì khác so với các vùng khác Ở Quảng Ngãi. Vẫn là một chiếc lò đắp đất hoặc xây bằng gạch; chất đốt thì tận dụng bã trấu. “Bộ đồ nghề” là chiếc nồi đồng bảy, cối xay đá để xay gạo thành bột lỏng, thêm vài chiếc xoong đựng bột, chiếc gáo tráng bột, đôi đũa mỏng vớt bánh tráng và những phên liếp bằng tre đan thưa để phơi bánh tráng ngoài ánh nắng trời. Vốn liếng sắm sanh bấy nhiêu thứ đó theo thời giá hiện nay (2003) chưa quá một triệu đồng.

Gạo để tráng bánh tráng thì có sẵn trong nhà hoặc có thể đong nợ trả “xấp mối” (bán bánh trả nợ cho lần gạo trước, rồi đong gạo nợ cho lần tiếp sau) từ các cô hàng xáo trong làng. Bánh tráng làm ra có thể bán tại lò, bỏ mối cho các quán ăn, nhà hàng; bán một đôi chục cho các cụ bà bán quán nhỏ hoặc đem ra chợ bán. Ngày giỗ, ngày tết hay khi có lễ cưới, tặng quà người thân, sui gia, người ta lại đến tận lò mà “đặt hàng” cho vừa ý. Vì thế, ở Quảng Ngãi, bánh tráng là món hàng thủ công không bao giờ ế. Thậm chí với những người mới tập nghề, những mẻ bánh đầu tiên không đều, không đẹp thì để lại mà dùng trong gia đình, chẳng mất mát đi đâu. Và nghề làm bánh tráng trở thành “nghề xóa đói giảm nghèo” Ở Phú Châu là vì vậy.

Một lò bánh chỉ cần 2 lao động. Người thợ chính ngồi bên lò, chuyển bột (còn đặc) từ xoong lớn sang một chiếc chậu hoặc xoong nhỏ, châm thêm nước lã cho vừa rồi dùng một chiếc gáo nhỏ đưa một ít bột nhuyễn lên mặt vải nồi hơi. Lại dùng trôn chiếc gáo quây đều thành hình tròn chiếc bánh, xong đậy vung lại cho bánh chín. Trong khi đợi bánh chín thì quay sang làm bột, cho thêm chất đốt (trấu) vào lò. Bánh chín, người thợ cất nắp vung, dùng một đôi que tre mỏng lồng phía dưới chiếc bánh ướt, gấp đôi lại, đưa ra liếp rồi lật chiếc bánh trở về hình tròn nguyên vẹn.

Người thợ phụ, có thể là trẻ con, người cao tuổi, dùng tay sửa sang lại chiếc bánh cho thật đều và khi bánh đã trải đầy liếp thì mang ra phơi. Những công việc khác của người thợ phụ là đưa thêm chất đốt vào bên lò, chuẩn bị bột tráng, làm nước chấm và bánh đập cho người đến mua ăn tại lò, hoặc mang về.

Trừ số ít lò có giàn sấy, hầu như các lò bánh tráng chỉ tráng bánh vào những ngày nắng, từ sáng đến quá trưa. Đầu buổi sáng là thời gian xay bột. Buổi chiều người ra lấy bánh từ liếp phơi xếp lại thành từng chồng thường là 50 hoặc 100 chiếc) buộc lại và đưa đi bán. Ngâm gạo thì chỉ cần một ít thời gian vào buổi.

Tính trung bình mỗi lò bánh một ngày sử dụng 30 kg gạo và làm ra khoảng gần 500 chiếc bánh tráng dày. Nếu làm bánh mỏng thì sử dụng khoảng 20 kg gạo và làm ra trên 400 chiếc bánh. Làm bánh tráng mỏng thì số gạo nguyên liệu sẽ ít hơn, nhưng thợ làm bánh tráng mỏng phải là những người rất khéo.

Trừ các khoản chi phí (chủ yếu là gạo), thu nhập từ một lò bánh bình quân là 50.000 Đ – 60.000 Đ/ngày theo thời giá hiện nay. Khoảng thu nhập này tuy không phải là cao nhưng rất đáng kể so với mặt bằng đời sống nông thôn trong tỉnh. Ngoài ra, những gia đình làm bánh tráng còn tận dụng nước lò hơi, cặn bột gạo để chăn nuôi lợn. CÓ thể nói, nếu giữ nghề, có mối bỏ hàng thường xuyên, ổn định, chỉ sau một vài năm làm nghề, đời sống các hộ bánh tráng đều khá lên rõ rệt.

Có thể nói, trong các làng nghề thủ công Ở Quảng Ngãi, trừ những nghề tinh xảo, nhiều bí quyết, khó học nghề như làm mạch nha, đường phèn, đường phổi, rèn nông cụ… làm bánh tráng là nghề thu nhập ổn định nhất. Thế mới biết, Ở một thôn thuần nông, và bình quân ruộng đất đầu người thấp, mức sống chưa cao thì cách lựa chọn nghề làm bánh tráng để cải thiện thu nhập của hơn 30 hộ gia đình Ở thôn Phú Châu là rất hợp lý.

+ Nghề đan võng ở Đức Chánh

Từ rất lâu những chiếc võng được tạo tác từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người Đức Chánh đã nổi tiếng khắp nhiều vùng trong và ngoài tỉnh. Trước đây, nguyên liệu để đan võng là sợi của vỏ cây tra và sản phẩm làm ra gọi là võng sợi tra.

Để có chiếc võng sợi tra, người ta phải tìm và lột vỏ tra đem về, nạo bỏ lớp vỏ xanh, rồi đập dập phơi khô; sau đó phun nước sương vừa đủ ẩm để có độ dẻo, mịn, rồi tước ra từng sợi nhỏ, xe lại và đan thành võng.

Sau một thời gian do khai thác nhiều, cây tra ít dần, người ta lại đi tim nguyên liệu mới để thay thế; và họ phát hiện ra cây thơm tàu (cũng có người gọi là cây dứa, một loài thảo mộc khá phổ biến ở nhiều địa phương trong tỉnh). Bẹ lá của loại cây này có những sợi nhỏ, dai và bền, có thể làm nguyên liệu thay thế cho vỏ sợi tra. Chiếc võng bằng sợi thơm tàu ra đời thay cho chiếc võng sợi tra từ đó.

Muốn có chiếc võng bằng thơm tàu phải trải qua nhiều công đoạn công phu. Người đan võng tìm và cắt lá thơm tàu trên sườn đồi, bãi cát ven sông mang về.

Lá được róc bỏ gai, nạo bỏ lớp vỏ màu xanh bên ngoài rồi đập dập, đem ngâm ở sông suối hoặc ao hồ khoảng 1 đến 2 ngày đêm. Sau đó giũ thật sạch đem trải từng lá lên gò hoặc lên bãi cát để phơi khô.

Khi đã thật sự khô thì cuộn lại mang về, đến khi muốn tước ra thành sợi, người ta đem những tàu thơm ấy nhúng nước rồi đập sơ qua cho tàu thơm mềm lại, xong đem ủ khoảng 5 đến 10 phút để vừa đủ cho tàu thơm ráo mịn, rồi mới tước ra từng sợi để xe dây.

Sợi thơm tàu được xe trên chân, dùng tay bắt mặt, nên khi xe phải đè tay thật mạnh để sợi chà sát vào chân thì sợi mới không bị lơi. Vì vậy, lúc đầu đan võng bằng thơm tàu ai cũng bị đau tay và sần da chân. Về sau, cây thơm tàu ít dần, việc tìm kiếm ngày một khó khăn, nên người dân đành tạm biệt việc đan võng bằng sợi lá thơm tàu, chuyển qua đan võng bằng sợi ni lông.

Muốn đan võng sợi ni lông, người ta quấn chỉ vào một chiếc xa bằng gỗ có tay quay, làm những chiếc ghim đan bằng tre để quấn chỉ vào, dùng một cái cỡ (tùy theo lỗ võng lớn nhỏ mà chọn cỡ) rồi bắt đầu đan. Đan võng bằng sợi ni lông gọn nhẹ, sản phẩm làm ra nhanh hơn so với đan võng bàng sợi của vỏ tra hoặc lá thơm tàu.

Đã là nghề, nên có sức thu hút nhiều người tham gia, vì vậy đã góp phần không nhỏ vào thu nhập chung của từng hộ gia đình. Cho nên, không những có thanh niên, trung niên người cao tuổi mà ngay cả những em bé cũng có thể đan thành thạo.

Một điều đáng nói Ở đây: nghề đan võng không chỉ có ở Đức Chánh mà còn lan ra các xã, huyện lân cận. Nhiều cô gái Đức Chánh đi lấy chồng đã mang theo nghề truyền thống từ “quê mẹ” đến “nhà chàng”.

Với phương châm “Ly nông không ly hương”, ngoài việc Đức Chánh mở rộng một số ngành nghề khác, nghề đan võng cũng được duy trì và phát triển. Đến nay trên địa bàn xã có khoảng 10 đại lý, chủ vựa, với vốn đầu tư gần 300 triệu đồng, họ lo cung cấp nguyên liệu, trả công và thu gom sản phẩm để chuyển đi bán các nơi, toàn xã với gần 2.000 hộ tham gia đan võng mà tập trung nhiều nhất là thôn 6. Ngoài những hộ đan chuyên nghiệp, còn nhiều hộ sử dụng lúc nông nhàn, những em học sinh dành khoảng thời gian rỗi để đan. Vì vậy đã góp phần tăng thu nhập cho gia đình, bản thân, ổn định cuộc sống. Được biết, bình quân của người chuyên đan võng, thu nhập hàng tháng từ 4000.000Đ đến 500.000Đ.

Hiện nay, những chiếc võng Đức Chánh không những có mặt Ở nhiều vùng miền trong cả nước, mà còn được các đại lý, các chủ vựa bán sang một số nước bạn như Lào.

Theo Thảo Nguyên (Làng Nghề VN), ảnh internet

Du lịch, GO!