(SHTT) - Sau khi được xây dựng, cây cầu này đã chính thức giúp toàn bộ tuyến quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau được nối liền mà không còn bến phà nào.

Suốt dọc chiều dài đất nước Việt Nam, có rất nhiều cây cầu sở hữu những kiến trúc đặc biệt cũng như những kỷ lục riêng. Một trong số những cây cầu đang giữ kỷ lục ở Việt Nam là cầu Cần Thơ. Đây là cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất Đông Nam Á (550m). Cây cầu này là cây cầu tĩnh không thông thuyền, có chiều dài toàn cầu là 15 km, rộng 23,1 m. Cầu có 4 làn xe, mỗi làn rộng 3,5m và hai lề bộ hành, mỗi lề 2,75 m. Cây cầu có thể đảm bảo cho tàu có trọng tải 10.000 DWT qua lại.

Câu cầu được khởi công ngày 25/9/2004 và được hoàn thành năm 2010, bắc qua  sông Hậu, nối thành phố Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long. Cầu Cần Thơ có điểm khởi đầu tại Km 2061 trên Quốc lộ 1 thuộc huyện Bình Minh tỉnh Vĩnh Long, nối trở lại Quốc lộ 1 tại Km 2077 thuộc quận Cái Răng, Cần Thơ.

Công trình này cũng là 1 dự án trọng điểm cấp nhà nước và tại thời điểm xây dựng đây là công trình cầu lớn nhất và có kỹ thuật phức tạp nhất thời điểm xây cầu tại Việt Nam.

Giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) - ông Masayyuki Karasawa đã nhận xét về quy mộ cầu Cần Thơ như sau: “Cây cầu này có thể tương đương 1 trong 5 cầu lớn nhất Nhật Bản và 1 trong 10 cầu lớn nhất thế giới, cũng là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất trong khu vực Đông Nam Á với 550m.”

Sau khi được thông xe, đây là cây cầu sau cầu Mỹ Thuận nối phần còn lại vựa lúa ĐBSCL với cả nước, tạo điều kiện phát triển cho 7 tỉnh vùng Tây sông Hậu.

Cầu Cần Thơ được khánh thành vào dịp kỷ niệm 35 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Cây cầu này đã mang lại niềm vui cho nhân dân cả khu vực khi chính thức giã từ 100 năm phà Hậu Giang. Người dân ở đây đã có tuyến giao thông mới, có nhiều cơ hội phát triển kinh tế hơn. Thiết kế hai trụ tháp chính của cây cầu do các kỹ sư người Nhật xây dựng cũng mang ý nguyện giống như cái chắp tay đầy chất thiền.

Vì vậy đây là công trình không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có giá trị về chính trị, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng đối với miền Tây Nam bộ. Cầu Cần Thơ cũng được xem là biểu tượng sinh động, thiết thực trong công trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Cây cầu đánh dấu mốc thời gian toàn bộ tuyến đường bộ quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau được nối liền mà không còn bến phà nào.

Theo Sở Hữu Trí Tuệ

Du lịch, GO!