(BLC) - Rời Tả Củ Tỷ mang theo câu chuyện với những con người trẻ tuổi, tràn đầy khát vọng ở Tả Củ Tỷ từ Phó Chủ tịch UBND xã Thào Seo Lử đến giám đốc HTX Lý Văn Minh và cả trưởng thôn Lù Seo Thành cho tôi thêm niềm tin rằng mảnh đất Tả Củ Tỷ sẽ sáng bừng.

Tả Củ Tỷ với tôi có những kỷ niệm không lấy gì làm vui, bởi lần nào lên đây cũng gặp mưa, có lần mưa làm sạt đường phải nhờ người dân, cán bộ xã khiêng xe máy qua đống bùn lầy mới về nhà an toàn, lần mưa lớn nước suối thổi bay cây cầu tạm bằng gỗ nên phải ở lại thôn. Để tránh “gặp nạn” như những lần trước, lần này, tôi quyết định đi trước khi cơn bão số 1 đổ vào đất liền.

Không hẳn quen thuộc nhưng mỗi lần từ ngã ba, một đường đi về trụ sở xã Bản Già cũ, một đường rẽ vào trung tâm xã Tả Củ Tỷ, tôi lại có cảm giác như trở về một nơi mình đã ở đó lâu rồi. Trung tâm xã ở dưới một thung lũng nếu trời quang có thể nhìn thấy rõ mái ngói đỏ của trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã. Bão chưa đến nhưng ảnh hưởng đã thấy rõ, cơn gió lành lạnh thổi tới, những đám mây xám che kín bầu trời, phảng phất đã có hạt mưa rơi.

Gần đến trung tâm xã là biển ghi công trường đang thi công, đây là dự án đường nối từ trung tâm xã ra đến ngã ba Bản Già mà tôi vừa đi qua, có lẽ đơn vị thi công mới tập kết nhân lực, phương tiện nên thi công chưa được nhiều. Thật trùng hợp, cách đây hơn 10 năm, khi lần đầu tiên tôi đến đây thì tuyến đường được khánh thành, lần này trở lại thì nó được cải tạo, nâng cấp. Một số cán bộ xã Tả Củ Tỷ khi ấy làm ở bộ phận giúp việc thì nay đã trở thành cán bộ chủ chốt ở một số xã trong huyện.

Đón chúng tôi tại trụ sở, anh Thào Seo Lử, Phó Chủ tịch UBND xã trao cho tôi cái nắm tay thật chặt. Lần trước lên đây, tôi đi theo đoàn của anh Huy Trung, Hiệp hội Du lịch Bắc Hà lên trao địu tre cho bà con và tư vấn làm nông nghiệp kết hợp với du lịch. Anh Lử bảo, xã cũng muốn xây dựng lộ trình phát triển du lịch theo hướng ấy nhưng mà phải chờ thông đường đã. Ở Bắc Hà có xã Hoàng Thu Phố được xếp vào top 10 xã nghèo nhất tỉnh, nếu có danh sách 11 xã thì có lẽ xã ấy chính là Tả Củ Tỷ.

Đến Tả Củ Tỷ nhiều lần và đi hầu hết các thôn, tôi cảm nhận được sự nghèo ở Tả Củ Tỷ không phải do bà con không có chí hướng nỗ lực vươn lên mà bởi ở đây hầu như không có thế mạnh gì nổi trội.

Vậy nhưng điều đó đang dần thay đổi khi chúng tôi gặp Lý Văn Minh, 25 tuổi, chàng thanh niên dân tộc Dao sau khi tốt nghiệp đại học đã trở lại quê hương gây dựng thương hiệu chè cổ thụ Tả Củ Tỷ. Minh là người nhiều lần lên Tả Củ Tỷ, tôi muốn tìm gặp mà chưa có duyên, một người trong mường tượng của tôi là có thể truyền cảm hứng làm giàu cho thanh niên ở mảnh đất nghèo khó này. Lý Văn Minh cho biết: Sau gần 2 năm hoạt động, đến nay Hợp tác xã nông nghiệp Tả Củ Tỷ đã liên kết với hơn 400 hộ trên địa bàn. Các sản phẩm của Hợp tác xã cũng đang dần gây dựng được chỗ đứng trên thị trường.

Câu chuyện với giám đốc Hợp tác xã trẻ thôi thúc chúng tôi trở lại Sông Lẫm, thôn khó khăn nhất xã, cũng là thủ phủ của chè cổ thụ. Trục đường từ trung tâm xã lên Sông Lẫm đi qua hầu hết các thôn của xã Tả Củ Tỷ cũ, từ Sả Mào Phố, Sảng Mào Phố cắt qua đường Sín Chải - Ngải Thầu. Bởi vậy mà chỉ đi một lượt qua tuyến đường này gần như có thể hình dung được bức tranh toàn cảnh đời sống của người dân Tả Củ Tỷ.

Trước sự mong mỏi của người dân, cuối năm 2021, huyện Bắc Hà đã ưu tiên nguồn vốn đầu tư tuyến đường từ trung tâm xã Tả Củ Tỷ lên thôn Sông Lẫm và một tuyến đường kết nối từ trục đường này nối với đường Tả Củ Tỷ - Bản Liền, sau được điều chỉnh thành tuyến nối từ trung tâm xã Tả Củ Tỷ ra ngã ba Bản Già.

Sau gần 1 năm thi công, tuyến đường đã hiện hữu vắt ngang triền núi. Đoạn đường hơn 6 cây số nhưng địa hình, địa chất quá phức tạp khiến tổng kinh phí đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng. Đây cũng là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến xe bán tải lên được thôn này. Ông Lù Xuân Quang, cán bộ lão thành xã Tả Củ Tỷ, năm nay 75 tuổi bảo, thôn mới được cấp điện lưới quốc gia, nay lại có đường ô tô đến tận nơi, ai cũng mừng.

Trưởng thôn Lù Seo Thành, cũng trạc tuổi Lý Văn Minh đón chúng tôi từ đầu thôn, Thành nói đùa: Giờ đường nội thôn đổ bê tông hết rồi, nhiều ngõ ngách lắm, sợ anh bị lạc!

Thành đi nghĩa vụ quân sự, từng đóng quân ở Đồn Biên phòng Si Ma Cai, nay trở về quê lại làm trưởng thôn với bao dự định và khát vọng làm đổi thay mảnh đất này. Thành bảo, Sông Lẫm là thủ phủ của chè cổ thụ, đầu nguồn thác Sông Lẫm, diện tích rừng tự nhiên lớn, thảo quả cũng nhiều, bao đời nay người dân nơi đây vẫn chăm chỉ làm lụng, nhưng con đường đau khổ kia là lực cản quá lớn, nay đường lớn mở rồi, nút thắt đã được tháo.

Đúng chất trưởng thôn trẻ, anh không ngại ngần chia sẻ với chúng tôi dự định tận dụng lợi thế về thắng cảnh và văn hóa của đồng bào Nùng nơi đây để phát triển du lịch cộng đồng. Thành khoe mình đã đi tham quan Sa Pa, Hà Giang, Mộc Châu, bản làng Sông Lẫm hội tụ đủ điều kiện để phát triển một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn. Bà con chỉ cần được Nhà nước hỗ trợ một chút để cải tạo nhà cửa, còn lại những việc như giữ gìn vệ sinh môi trường, phát huy giá trị văn hóa thì chỉ cần tất cả đồng lòng sẽ làm được.

Chiều muộn, cơn bão số 1 đã vào đất liền, mưa bắt đầu nặng hạt, thật lạ kỳ vậy là lần này lên Tả Củ Tỷ, chúng tôi vẫn không tránh được mưa. Nhưng khác với những lần trước, nhờ con đường to đẹp và cây cầu lớn bắc qua suối, tôi không còn lo lắng cho chặng đường trước mắt. Rời Tả Củ Tỷ mang theo câu chuyện với những con người trẻ tuổi, tràn đầy khát vọng ở Tả Củ Tỷ từ Phó Chủ tịch UBND xã Thào Seo Lử đến giám đốc HTX Lý Văn Minh hoặc trưởng thôn Lù Seo Thành cho tôi thêm niềm tin rằng mảnh đất Tả Củ Tỷ sẽ sáng bừng lên sau cơn mưa.

Theo Mạnh Dũng (Báo Lào Cai)

Du lịch, GO!