(BĐN) - Được đánh giá là một trong những hang động độc đáo, mang nhiều yếu tố tâm linh tại quần thể di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) nhưng động Huyền Vi ít người biết đến bởi nằm tách biệt bên sườn phía bắc của ngọn Hỏa Sơn.

Tài liệu ghi lại, động Huyền Vi được phát hiện vào thời Lê Cảnh Hưng. Đến năm 1825, vua Minh Mạng cho người khắc lên đá 3 chữ “Động Huyền Vi” nhưng mãi đến năm 1960, các vị chư tăng ở đây mới cho khai mở một đường hầm dài thông vào lòng hang. Cửa hang rộng khoảng 3m, dẫn vào lòng hang có diện tích khoảng 20m2.

Động Huyền Vi nằm cách miệng hang hơn 10m, đường đi vào khá tối, quanh co, chật hẹp, nhiều tầng bậc và có nhiều tượng phật lớn, nhỏ, vốn là thạch nhũ được nghệ nhân làng đá mỹ nghệ Non Nước gia công thêm. Các bức tượng được đặt ngay ngắn giữa lòng hang, hoặc đặt sát các vách đá, thuận tiện cho người dân vào thắp hương các ngày rằm, mồng 1.

Bên trong động Huyền Vi có nhiều ngách nhỏ, nhiều hình tượng độc đáo được hình thành bởi thạch nhũ, nước và gió xâm thực. Giữa lòng hang có chiếc giếng thiên nhiên được người dân đặt tên Tuyền Cầm, mỗi khi có luồng gió lùa qua, hòa quyện cùng nước, tường đá tạo nên âm thanh réo rắt như tiếng nhạc. 

Đi sâu vào cuối hang động, du khách sẽ gặp một tảng đá lớn khá độc đáo, có thể phát ra âm thanh trầm đục như tiếng trống nếu dùng vật cứng gõ vào. Ngoài ra, trong hang động còn có hồ nước nhỏ với hình ông già ngồi câu cá, gọi là hồ Ông Lữ.

Với không gian đậm chất tâm linh, trầm buồn và không gian có phần tách biệt, động Huyền Vi trở thành nơi lui tới tu tập của nhiều phật tử sinh sống quanh ngọn Hỏa Sơn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại cũng như thu hút khách tham quan, năm 2021, Ban Quản lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn nâng cấp hệ thống điện và sửa chữa tại khu vực động Huyền Vi, đồng thời làm tốt công tác quản lý, bảo vệ di tích này trước những tác động của thời tiết.

Theo Huỳnh Lê (Đà Nẵng online)

Du lịch, GO!