(TCDL) - Giữa phố thị Cần Thơ sầm uất, náo nhiệt, đến với Cồn Sơn du khách thực sự có thể hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp, trải nghiệm cuộc sống dân dã, giản dị mà đầy chất thơ mộng của người dân nơi đây.

Đã lâu rồi tôi không qua Cồn Sơn, dù từ chỗ tôi qua bên ấy chỉ cách một lần đò, kéo dài khoảng mười phút là đến. Sau đại dịch COVID-19, Cồn Sơn mở cửa và phục hồi du lịch sinh thái cộng đồng, được sự quan tâm ủng hộ của du khách gần xa, trong nước lẫn quốc tế. Khoảnh khắc ngồi đò qua sông Hậu, tôi cảm nhận được sự mát lành của ngọn gió thổi vào khoang đò mang theo mùi sông nước Cửu Long thơm nồng, mùi phù sa quyện trong từng lớp sóng trùng trùng điệp điệp.

Miền Tây đang vào mùa trái ngọt. Thật ra thì mùa trái chín đã bắt đầu từ độ cuối tháng ba, đầu tháng tư, khi những cơn mưa đầu mùa bắt đầu rơi xuống mảnh đất dọc hai bên dòng sông Hậu, sông Tiền; nhưng khoảng tháng sáu, tháng bảy mới là lúc trái chín rộ. Mùa trái cây miền Tây được đánh dấu bằng những trái sầu riêng gai góc đủ loại, thơm nức mũi, chất chồng lên nhau trên chiếc bao tải trải ra bên lề đường, trong tiếng rao mời xởi lởi của người bán hàng. Rồi đến dâu Hạ Châu miệt Phong Điền, Cái Răng sắc ngọt; măng cụt tím thẫm trong cần xé; chôm chôm, nhãn tiêu, nhãn da bò… sai trái tiếp nối mùa màng. Tất cả đã làm nên bức tranh miền Tây mùa về xôn xao âm thanh, lung linh màu sắc.

Buổi trưa tháng Bảy, phương Nam vẫn còn đang trong đợt nóng hâm hấp nhất năm, lang thang trên con đường nhỏ uốn lượn trên mảnh đất Cồn Sơn, dưới màu xanh của tre trúc và những vườn tược xum xuê mới thấy hết được sự trong lành, bình yên, thư thái. Cồn Sơn thuộc địa phận quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ, cũng là nơi địa thế hiểm trở nhất của quận bởi Cồn Sơn nổi lên giữa sông Hậu - một trong hai nhánh chính của sông mẹ Mekong khi chảy vào Tây Nam Bộ, Việt Nam. Nhưng đổi lại, Cồn Sơn được sông Hậu ưu ái ban tặng cho một lượng phù sa đáng kể, đất đai mỡ màu, vì thế mà những vườn trái cây quanh năm xanh tốt, đến mùa trái nặng quằn sai.

Men theo con đường đất đi về hướng tay trái, tôi rẽ vào một nhà vườn trồng nhiều nhãn, chôm chôm, mít. Băng qua vuông sân của căn nhà được cất theo dạng nhà Nam Bộ truyền thống, tôi được cô chủ vườn giới thiệu sơ lược và chỉ lối cho tôi đi. Cúi rạp người đi dưới những tán nhãn đang độ chín ngọt, hái ngẫu nhiên một quả, nhãn ở đây vỏ mỏng, cơm dày, hạt nhỏ, và tất nhiên là vị ngọt thanh tao.

Cạnh vườn nhãn là chôm chôm cũng đương độ đỏ vỏ, cơm ngọt và mọng nước, cắn một miếng mà ngỡ như thu hết vào trong thứ quả bình dị, dân dã ấy hương đồng gió nội của miền Tây quê mình. Tôi đã được dịp thưởng thức trái cây của nhiều vùng miền trên đất nước ta, riêng nhãn thì Hưng Yên cũng trồng rất nhiều, trở thành đặc sản. Thế nhưng, bên trong lớp vỏ tưởng giống nhau ấy là những dư vị vô cùng khác, trái cây miền Tây vì thế mà không lẫn vào đâu được.

Các nhà vườn ở đây thường thu vé vào vườn, tính trên đầu người, cũng không đắt lắm, du khách thoải mái hái ăn, mua về thì tính tiền theo giá ấn định. Việc du khách tự do hái ăn bao nhiêu trong vườn cũng được không phải là hiếm hoi khi đến tham quan miệt vườn quê tôi. Tôi nghĩ, có lẽ vì tính cách của người miền Tây rất phóng khoáng, nồng hậu nên luôn tạo tâm thế thoải mái, vui vẻ cho khách đến trải nghiệm sinh thái vùng đồng bằng sông nước.

Ngoài chôm chôm, nhãn thì bưởi da xanh, ổi nữ hoàng, mận hay mít nghệ, mít tố nữ… cũng là đặc sản của Cồn Sơn. Từ bến đò đi về phía về tay phải là con đường uốn lượn bên bờ những ao đầm không ngớt tiếng cá quẫy nước, là những vườn ổi, vườn mận trổ ra từ trục đường chính dẫn vào đến giáp mép Cồn. Mấy lần trước tôi có dẫn vài người bạn từ xa đến thăm nhà vườn Tín Hoà, nơi có biểu diễn “cá lóc bay” rất thú vị.

Cách gọi có vẻ như hoang đường, thần thánh ấy thực chất bắt nguồn từ tập tính ăn uống theo giờ giấc rõ ràng của bầy cá lóc do chủ vườn huấn luyện từ nhỏ. Khi chủ vườn phát ra tín hiệu âm thanh và vãi thức ăn, đàn cá phóng lên khỏi mặt nước đớp mồi, khiến mặt nước xao động và trên bờ vang lên tiếng vỗ tay tán thưởng của khách du lịch. Nhà vườn này còn khéo léo tạo ra những tiểu cảnh như chòi lá, cầu khỉ, cầu tre… phục dựng lại cảnh sắc của miền Tây xa xưa, trong tưởng tượng của bao người chưa một lần đặt chân đến.

Ngày nay, trước thực trạng đô thị hóa, tự nhiên ít nhiều bị tác động bạo liệt bởi con người, việc ứng dụng và phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng được đặt lên hàng đầu. Người Cồn Sơn - với tình yêu thiên nhiên, yêu vườn tược, cây cối, yêu những thứ dân dã bình dị, yêu miền Tây trong dáng dấp truyền thống - đã làm rất tốt hoạt động du lịch sinh thái, cộng đồng. Du khách tới đây có những trải nghiệm chân thật nhất về cuộc sống ở vùng sông nước Tây Nam Bộ, được tự tay hái trái cây trên cành, hái cọng rau, câu con cá, làm món bánh dân gian và thưởng thức trong chính không gian sinh thành ra chúng. Cồn Sơn trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến với Cần Thơ - đô thị miền sông nước.

Tôi lang thang hết một buổi trưa, đến chiều chập choạng buông trên Cồn Sơn với hình ảnh ráng trời đỏ rực phía Tây và nước lớn xô những đám lục bình tấp vào bờ xanh mơn mởn. Đò cập bến, tôi trở về trong trạng thái sảng khoái của tâm hồn và một tình yêu miền Tây được gọi thức…

Theo Hoàng Khánh Duy (DLTPHCM)

Du lịch, GO!