(VNE) - Lần đầu tiên trong đời được đến Đà Lạt vào năm 2008, tôi háo hức đến nỗi tim như muốn nhảy ra ngoài. Khi đến nơi, tôi cảm giác vui sướng như đang đứng giữa thành Rome vậy.

Đà Lạt xưa...

Sau đó, trong suốt khoảng 10 năm ở Sài Gòn, tôi đi Đà Lạt đều đặn, một năm ít nhất từ một đến hai lần. Nói thế để biết tôi yêu thành phố này đến mức nào. Một điểm chung trong các lần đến, đó là tôi thường đến thiền viện Trúc Lâm vào buổi trưa. Khi đó vắng khách du lịch, cảm nhận rõ sự thanh tịnh ở nơi tu học của các tăng sĩ.

Mang theo một cuốn sách yêu thích, một ổ bánh mì, ngồi ở bậc cao trong rừng, thông reo vi vu, đọc đến đoạn hay thì dừng lại, phóng tầm mắt ra xa, nơi có hồ Tuyền Lâm thoáng đãng, nước trong xanh, rừng thông ngút ngàn, nghiền ngẫm đoạn trích hay ý tưởng vừa đọc được... Tôi cảm giác cuộc đời chỉ cần có thế này thôi. Một điểm chung nữa, à không! Là điểm khác. Đó là cảm nhận thành phố này mỗi ngày một đổi khác.

"Đứng trên triền dốc nhìn xuống đồi thông" (Đà Lạt hoàng hôn), nếu nhạc sĩ Minh Kỳ có sống lại chắc cũng phải "khóc thét" vì bây giờ đứng trên triền dốc không còn nhìn thấy đồi thông nữa, thay vào đó là vườn nylon, nhà kính, các nhà ống bê tông san sát, nhiều lúc nhầm tưởng như đang ở Sài Gòn. Tôi chỉ thấy khu vực hồ Tuyền Lâm là một điểm gần trung tâm nhưng còn giữ được nét tuyệt diệu của thiên nhiên, có hồ nước, có đồi, có rừng.

Đà Lạt xưa và nay...

Đợt lên Đà Lạt chơi vừa qua, tôi gặp mấy em xinh gái và đi cùng các em ấy đến hồ Tuyền Lâm không bằng cách thông thường, là gửi xe ở thiền viện, đi xuyên qua rừng rồi đi xuống hồ. Các em ấy hét lên: "Trời ơi đẹp quá vậy".

Hôm rồi, tôi nghe tin một đề xuất "đâm vào lòng người", làm cho những ai yêu Đà Lạt đều thấy nhói đau. Họ dự định "chuyển đổi" 5,3 ha rừng thông ở khu vực hồ Tuyền Lâm để làm khu nghỉ dưỡng. Điều đáng nói, khu vực này là rừng phòng hộ. Nếu đề xuất được thông qua, thì khi đứng trên đồi nhìn xuống, sẽ không thấy màu xanh ngút ngàn của rừng thông nữa, mà là hàng biệt thự. Ôi! Đà Lạt nay còn đâu?

Cao nguyên miền Trung nói chung và Đà Lạt nói riêng là lá phổi xanh, là viên ngọc quý với thổ nhưỡng và khí hậu tuyệt vời. Nơi cho sinh trưởng tốt các loài cây quen trồng ở vùng quê Âu châu.

Chả thế mà người Pháp đã mang nhiều loại sang trồng ở đây và có nhiều nhà khoa học của phương Tây đã dành cả đời để nghiên cứu và sống chết với vùng đất này. Nhưng với tốc độ tàn phá thiên nhiên như hiện tại, sẽ chẳng tìm đâu ra "Đôi mắt Pleiku" hay "Đường quanh co quyện gốc thông già" nữa. Một Đà Lạt xanh, mát, yên bình là ước mong của nhiều người, trong đó có tôi.

Theo Nguyễn Duy (Vnexpress)

Du lịch, GO!