(Điền Gia Dũng) - Gần 5h sáng rời nhà vượt cầu Phú Mỹ, bọn nình hướng về bến phà Cát Lái.
Không chỉ là chuyến đi chợ, ăn sáng hay hóng gió thường ngày mà lần này có mục tiêu đàng hoàng: Đích đến sẽ là Địa Đạo Nhơn Trạch, Đền thờ Liệt Sĩ và nếu có thể sẽ thêm Công viên nghĩa trang liệt sĩ Nhơn Trạch - Cả 3 chỗ nằm kề cận nhau, đi và về cộng với chạy linh tinh chắc tầm 70 cây số.
Bữa sáng đây: Hủ tiếu Nam Vang tại một quán ven đường xã Phước An. Giá 35k, rất ngon (hay do bụng đói?) - Lúc này đã là 7h sáng rồi. |
Trước đó đã ghé chợ Hòa Bình mua thịt, nấm rơm... hiện đang treo xe. Giờ ta trực chỉ nơi cần đến. |
Địa đạo Nhơn Trạch tọa lạc tại ấp 5, xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, còn được gọi là địa đạo Phước An vì khi xưa di tích thuộc xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Biên Hòa.
7h26 phút, ta ghé vào di tích Địa Đạo Nhơn Trạch (vị trí >). |
Địa đạo Nhơn Trạch được hình thành là do trí tuệ, mồ hôi, công sức và cả xương máu của quân dân Nhơn Trạch. Đây là căn cứ huyện ủy Nhơn Trạch làm việc và chỉ đạo tấn công địch trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây nói lên tinh thần chiến đấu và ý chí quyết thắng của quân và dân Nhơn Trạch trong những năm tháng kháng chiến hào hùng.
Trong lúc bà xã ngồi ghế đá... lặt nấm thì mình đi tham quan. |
Vắng hoe, chắc chỉ có lễ tết thì đông người. |
Trải qua thời gian, các yếu tố gốc như rừng Lòng Chảo nguyên sinh, hệ thống giao thông hào, hầm chông, hàng rào kẽm gai, ụ chiến đấu, các cơ sở làm việc của Huyện ủy đã bị hủy hoại bởi thời gian và bị bom đạn cày xới, san ủi trong thời kỳ chiến tranh. Song những mất mát hy sinh, những chiến công vang dội mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân Nhơn Trạch.
Dĩ nhiên đây là người ta phục dựng lại thôi. |
Được biết, trước đây từ giữa năm 1963 cho đến cuối năm 1964, hệ thống địa đạo được đào 1.500m đường địa đạo với nhiều ngõ ngách, hầm bí mật. Hệ thống địa đạo liên hoàn khép kín được thiết kế có dạng gần giống chữ chi (Z). Đường xương sống địa đạo được 200m thì được trổ ngách sang hai bên để tạo thành phòng chức năng cho các đơn vị. Tại điểm chính giữa ở mỗi đoạn xương sống địa đạo (100m) được bố trí hai lỗ thông hơi hình phễu úp.
Tĩnh lặng, chỉ có tiếng chim hót, tiếng côn trùng rả rích... |
Nhiều đoạn địa đạo thiết kế với nhiều đường thẳng gấp khúc, chiều dài mỗi đoạn khoảng 100m. Kích thước của địa đạo tính từ vòm tới đáy dao động: cao 1,8m đến 2m, ngang 1m đến 1,2m. Nóc địa đạo có cấu trúc hình vòm. Ngăn cách giữa các đoạn với nhau bằng một ngăn bí mật có nắp đậy kín, độ dày của ngăn là 1m được khoét một lỗ tròn có đường kính vừa thân người. Miệng chính của địa đạo được bố trí tại trung tâm căn cứ có kích thước dài 2m ngang 1m50, sâu 7m dẫn vào xương sống địa đạo. Độ sâu 7m tính từ mặt đất tới đáy địa đạo được đào theo hình rích rắc tạo thành những bậc thang.
Phía trên địa đạo là căn cứ Huyện ủy được bố trí như một tam giác đều, mỗi cạnh dài 70m với ba mặt là giao thông hào sâu 2m, rộng 1m20 tạo thành hệ thống giao thông khép kín. Cách bố trí này được gọi bố trí theo kiểu “kiềng ba chân”, cả ba mặt giao thông hào được xây dựng 7 ụ chiến đấu, mỗi ụ có kích thước ngang 2m, dài 3m, sâu 1m20; phía trên lắp cây, đắp đất dày 1m, ba mặt bố trí ba lỗ châu mai.
Bên ngoài hệ thống giao thông hào được bố trí hai hàng chông sắt lớn nhỏ và tầm vông vạt nhọn xen kẽ. Cuối cùng là ba lớp hàng rào kẽm gia. Dẫn vào căn cứ duy nhất có một con đường mòn nằm về phía tây bắc của rừng Lòng Chảo.
Nửa tiếng sau, bọn mình qua phía đối diện: Đây là Đền thờ Liệt Sĩ Nhơn Trạch. |
Tại căn cứ này, quân dân Nhơn Trạch đã làm nên những chiến thắng vang dội trong những năm 1965 - 1970. Từ năm 1972, địa đạo Nhơn Trạch trở thành nơi bám trụ dài ngày của 500 cán bộ chiến sĩ Đoàn 10 Rừng Sác, là nơi xuất phát đánh địch ở các hướng sông Lòng Tàu, kho bom Thành Tuy Hạ… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề.
Với những giá trị to lớn đó, Địa đạo Nhơn Trạch đã được Bộ Văn hóa và Thông tin (Nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 19/01/2001.
Ngày nay Địa đạo Nhơn Trạch được phục dựng, là địa điểm về nguồn để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Giới trẻ đến để tham quan, tưởng nhớ công lao to lớn của cha ông xưa từ đó tu dưỡng đạo đức, nhân cách... rồi cố gắng phấn đấu, cống hiến để xứng đáng với sự hy sinh to lớn của thế hệ đi trước.
Còn đối diện nơi đây là Công trình Đền thờ Liệt Sĩ huyện Nhơn Trạch được xây dựng để ghi ơn, tưởng nhớ hương hồn các anh hùng Liệt Sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng đã nằm xuống trên mảnh đất Nhơn Trạch. Công trình được khởi công xây dựng vào ngày 10/11/1998 và khánh thành vào ngày 01/9/1999.
Tượng đài chiến sĩ đặc công Rừng Sác. |
Trên tổng diện tích 20.000 m2, toàn bộ công trình được thiết kế với cấu trúc quần thể hoành tráng kết hợp tính hiện đại và tính dân tộc truyền thống. Cổng tam quan cổ kính, nhà văn bia ca ngợi công đức của những người khai phá vùng đất Nhơn Trạch và các liệt sĩ đã hy sinh; Hoa viên cây cảnh bố trí hài hoà. Trên mặt hồ nước rộng 825 m2 tượng trưng cho vùng sông nước Rừng Sác là tượng đài chiến sĩ Đặc Công Rừng Sác mạnh mẽ trong tư thế ra trận. Đi thêm vài bước, du khách sẽ nhìn thấy Đền thượng, tiến vào bên trong Chánh điện có tượng Hồ Chí Minh, hai bên là các bảng đá hoa cương khắc tên tuổi của hơn 2.000 Liệt Sĩ và Mẹ Việt Nam anh hùng đã hy sinh xương máu, thân mình cho độc lập dân tộc.
Cũng kề cận đó là Nghĩa Trang Liệt Sĩ huyện Nhơn Trạch, khánh thành vào ngày 25/4/2015. Đây là nơi an nghỉ của gần 200 liệt sỹ, Mẹ Việt Nam anh hùng, đây cũng là nơi chôn cất Anh hùng lực lượng vũ trang, Đại tá Lê Bá Ứơc - Nguyên Đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công Rừng Sác, Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ở mặt trận phía Đông.
Bên này còn rộng hơn bên kia, rất mát mẻ. Ảnh là cây cổ thụ lớn tuyệt đẹp. |
Chú sâu đang thưởng thức cánh hoa dâm bụt màu lạ. |
Kiến trúc công trình thể hiện sự tôn vinh, tưởng nhớ đối với các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc. Công trình được xây dựng theo nguyện vọng của các cán bộ lão thành cách mạng và nhân dân trong huyện, các đồng chí đồng đội Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 4, Sư đoàn 5 cùng Đại đội C240. Với kinh phí xây dựng hơn 10 tỷ đồng, bia trên mỗi phần mộ đều làm từ đá hoa cương đen, khuôn viên rộng rãi, trồng nhiều cây xanh và hồ sen hai bên đã tạo nên một khung cảnh yên bình, thanh tịnh.
Toàn cảnh phía trước Địa Đạo Nhơn Trạch (nhấn ảnh để xem lớn hơn). |
Ngoài Khu di tích Giồng Sắn, Nghĩa trang Liệt Sĩ Long Thành mà bọn mình hay ghé nghỉ chân... thì nay, lần đầu tiên đến nơi này. Rợp bóng cây xanh, mát mẻ và rất vắng vẻ khiến tâm hồn ta nhẹ nhàng thanh thản. Một cuốc đi ngắn nhưng đáng nhớ... và chắc chắc ta sẽ trở lại nhiều lần nữa.
Điền Gia Dũng
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.