(DVO) - Nằm ở cửa ngõ phía Nam chân đèo Hải Vân, làng chài cổ Nam Ô không chỉ lưu dấu những di tích cổ xưa mà còn là một địa chỉ khám phá thú vị về du lịch, ẩm thực mà ít "nơi mô" có được.

Trên con đường "thiên lý" Bắc - Nam, chúng tôi rất ấn tượng khi dừng chân ghé thăm làng chài cổ Nam Ô (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng) bởi nơi đây có nhiều món đặc sản trứ danh như nước mắm Nam Ô, gỏi cá Nam Ô, cá rô Xuân Thiều mà từ lâu đã nức tiếng gần xa qua những câu ca quen thuộc "Nước mắm Nam Ô, cá rô Xuân Thiều".

Đậm đà nước mắm Nam Ô

Các bậc cao niên trú tại làng Nam Ô cho hay, làng nghề nước mắm Nam Ô đã được hình thành từ đầu thế kỷ XX. Cùng với thời gian, làng nước mắm Nam Ô đã trải qua nhiều thăng trầm. Có giai đoạn người dân giàu lên nhờ mắm nhưng cũng có những lúc tưởng chừng nghề đã bị mai một hẳn. Những năm gần đây, người dân đã khôi phục lại nghề truyền thống, lấy lại thương hiệu nhằm đưa nước mắm Nam Ô trở lại thời hoàng kim rộn ràng "trên bến dưới thuyền".

Nước mắm Nam Ô có một mùi vị khác hẳn nước mắm ở các nơi khác là do nguyên liệu độc đáo - con cá cơm than được đánh bắt vào tháng Ba đến tháng Tám (Âm lịch) trên vùng biển Đà Nẵng. Để chế biến ra loại nước mắm nổi tiếng thơm ngon, người dân Nam Ô chuẩn bị công phu từ muối đến hũ, rồi cá.

Dụng cụ làm muối là hũ, vại, chum với nhiều kích cỡ khác nhau, mỗi chum có thể chứa được 200-300 kg cá ướp muối. Khi nào lớp vỉ chèn xuất hiện lớp men màu trắng thì tháo vỉ, vớt lớp men ấy ra. Cá muối vào tháng Ba, gần Tết cổ truyền là bắt đầu lọc mắm.

Người ta gọi là nước mắm "nhĩ" là bởi vì phải lọc hết sức công phu, bằng những cái "phểu đan" bằng tre có hình nón, bên trong phễu là lớp vải để nước mắm nhĩ "nhĩ" ra từng giọt, từng giọt mắm thơm nồng. Theo những gia đình có truyền thống chế nước mắm Nam Ô thì việc chế biến phải có bí quyết và đòi hỏi công phu, tỉ mẩn, chỉ sơ ý là nước mắm hư hoặc mất ngon.

Người dân Đà Nẵng và các vùng phụ cận nay vẫn lưu truyền câu ca: "Nước mắm Nam Ô/ Cá rô Xuân Thiều". Theo các cụ ngày xưa diễn giải rằng, cá rô sinh sống ở bàu Tràm (Xuân Thiều) mẩy hình, thơm thịt, xương mềm mà nướng sém sém trên lửa than, dầm với nước mắm Nam Ô pha ớt, gừng thì chỉ có hai từ diễn tả, đó là "tuyệt vời".

Cá rô Xuân Thiều

Cá rô Xuân Thiều bao đời sinh sống ở bàu Tràm, là một cái bàu lớn của làng Xuân Thiều xưa (Q.Liên Chiểu) Ngày trước, ngoài nuôi trồng thủy sản, cư dân ven bờ còn làm nghề đánh bắt cá thiên nhiên ở trong bàu. Hồ bàu Tràm nổi tiếng với giống cá rô rất ngon, ăn béo ngậy và thơm bùi.

Thời điểm sau mưa, cá rô bàu Tràm bắt đầu béo vàng, xương vây đều rất mềm. Bắt được cá về, người ta dùng xiên tre xâu thành từng xâu đem nướng trên bếp than hồng. Con cá chín vàng ươm, bóng nhẫy tỏa mùi thơm lừng khiến người lịch lãm nhất cũng không thể giấu nổi sự thèm thuồng đến cồn cào cả gan ruột. Sau một ngày lao động vất vả, tối về xúm xít quanh bếp lửa hồng ấm áp, thưởng thức hương vị món rô đồng nướng chấm nước mắm nhĩ Nam Ô pha với gừng, tỏi, ớt để "đưa cay" hay ăn với cơm nóng thì trên cả tuyệt vời.

Các món ăn được chế biến từ cá rô Xuân Thiều nhiều vô kể và đều rất ngon như cá rô: kho rim, kho lá nghệ, kho tộ; cá rô nấu canh cải, canh mướp đắng, canh bầu, canh rau; cá rô om chuối, cá rô nướng chấm nước mắm gừng, cá rô chiên xù… Sau đây là một số món ăn đặc trưng từ cá rô Xuân Thiều:

Cá rô kho lá nghệ: Cá rô sau khi cắt vây, đánh vảy rồi cẩn thận xếp cá vào nồi đất đã được lót sẵn lớp lá nghệ đã xắt vào kho cùng. Nếu dùng lá non quá khi kho cá thì sẽ không có thơm đượm, còn lá già quá thì ăn sẽ bị dai, xơ. Chỉ có lá nghệ bánh tẻ khi kho với cá rô ăn mới có mùi thơm đặc trưng, vị bùi bùi.

Cá rô chiên: Cá rô câu về là sạch để ráo nước, thấm khô hoàn toàn để khi chiên không bị văng dầu. Bắt chảo lên bếp, đun lửa vừa cho chảo nóng đều, rồi mới cho dầu ăn vào đun tiếp. Chia cá thành từng mẻ dàn đều ra, giữ nguyên một mặt cho tới khi vàng giòn mới lật trở, chiên mặt còn lại. Khi cá chín thơm, giòn thì vớt ra bày lên đĩa thưởng thức. Từng con cá rô chiên vàng ươm, giòn rụm, chấm nước mắm nhĩ Nam Ô, ăn kèm rau luộc, cơm trắng đã trở thành nỗi nhớ của không ít người xa quê.

Cá rô nấu canh với rau cải: Cá rô sau khi làm sạch thì cho vào luộc chín tới cùng với chút gừng, hành đập dập cho thơm. Vớt cá ra, ngâm vào âu nước cho nguội rồi nhẹ nhàng gỡ xương vây bụng, xương lưng, vây bên rồi lẩy lấy thịt cá ướp với chút mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu rồi xào sơ cho thơm. Phần xương và đầu cá đem ninh tiếp cho ngọt nước, lọc lấy nước đun sôi. Cho rau cải xanh vào đun chín, nêm nếm lại cho vừa vị rồi múc ra thưởng thức nóng.

Cá rô nướng dầm nước mắm Nam Ô: Cá rô làm sạch ruột, rửa sạch nhớt. Sau đó, lấy que tre xiên thành từng trụi rồi nướng bằng lửa than khoảng mươi phút, những con cá rô chín vàng da cháy sém tỏa mùi thơm đầy quyến rũ là thưởng thức được.

Không có gì thú vị bằng bữa cơm chiều, cả gia đình háo hức chờ đợi món cá rô nướng mộc "lên mâm" với cá rô thịt ngọt, dai, da và xương giòn, mềm bùi, đậm đà quyện hòa cùng vị béo tạo thành hương vị món ăn lôi cuốn, hấp dẫn. Bí quyết mang đến sức hấp dẫn của món "cá rô dầm nước mắm Nam Ô", đó là nước mắm nhĩ Nam Ô. Nước mắm được cư dân ủ từ cá cơm than tươi, ăn đến đâu thì lắng lọc đến đó nên mùi thơm nồng pha thêm với tỏi, ớt, gừng để chấm cá rô nướng thì trên cả tuyệt vời.

Những năm gần đây, quê hương Nam Ô đã chuyển dần lên phố thị và cá rô Xuân Thiều ngày càng vắng bóng trong các bữa cơm gia đình của cư dân khu vực làng chài cổ. Song, về làng chài cổ Nam Ô, du khách có thể nghe những câu ca "gan ruột" của cư dân "ngâm" về 2 món đặc sản trứ danh này đã gắn bó, thủy chung, duyên nợ với nhau:

"Nỗi niềm, nước mắm Nam Ô

Trở màu vì nhớ cá rô Xuân Thiều

Bàu Tràm, núi Cấm tịch liêu

Còn đâu thấy nữa những chiều câu rô

Giờ đây em ở nơi mô

Có thương "mắm nhĩ, cá rô Xuân Thiều"

Đồng quê, phố mọc lên nhiều.

Diếc, rô... bỏ xứ, dắt dìu đi đâu?

Cơm chiều, ngơ ngẩn... đĩa rau.

Vắng rô, mắm cũng ngả màu tương tư…"

Theo Tiên Sa (Dân Việt)

Du lịch, GO!