(BQN) - Qua những trang thơ xưa cho thấy, tại đảo Lý Sơn cũng có ngũ hành sơn với nhiều cảnh đẹp hiếm có. Địa danh Ngũ Hành Sơn không chỉ có ở Đà Nẵng mà còn xuất hiện tại Lý Sơn.

Toàn cảnh đảo Lý Sơn.

Đảo Lý Sơn được hình thành từ hoạt động của núi lửa cách đây khoảng 25-30 triệu năm. Sự phun trào và quá trình nguội tắt của núi lửa cùng những tác động của thiên nhiên hàng triệu năm ấy đã tạo nên nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú trên đảo. Lý Sơn có đảo Lớn, còn gọi Cù Lao Ré, do trước đây có nhiều cây ré mọc hoang thành rừng; đảo Bé nằm về phía tây bắc, còn gọi là Cù lao Bờ Bãi; và hòn Mù Cu về phía đông nam, là bãi đá chỉ có cây mù cu.

Vị trí 5 ngọn núi và các địa danh khác.

Đảo Lớn có 5 miệng núi lửa: Núi Thới Lới, núi Giếng Tiền, Hòn Tai, Hòn Sỏi, Hòn Vung. Mỗi ngọn núi tượng trưng cho một hành. Theo truyền thuyết, trên núi Hòn Tai thường xuất hiện một con ngựa vàng lúc ẩn lúc hiện, nên núi tượng trưng cho hành Kim.

Miệng núi lửa Thới Lới có hồ nước trên đỉnh núi.

Đại diện cho hành Mộc là núi Hòn Sỏi, bởi quanh năm núi có màu xanh tươi tốt của các cây cổ thụ. Thuộc hành Thổ là núi Hòn Vung vì đất núi có màu đỏ thẫm và xốp. Núi có nguồn nước ngọt chảy quanh năm tượng trưng hành Thủy là núi Thới Lới. Núi Giếng Tiền thuộc hành Hỏa vì đất núi màu đỏ. Bởi vậy, 5 ngọn núi cổ này được dân gian mệnh danh Ngũ hành sơn.

Toàn cảnh núi Giếng Tiền cao 86 m, phía sau ben trái là Hòn Sỏi

Người dân Lý Sơn thường truyền nhau câu ca: “Lý Sơn có Ngũ hành sơn/ Nằm day ra biển trùng dương đời đời/ Hòn Vung/ Hòn Sỏi/  Hòn Tai/ Giếng Tiền, Thới Lới ai ai đặt bày”. Trong tác phẩm Địa dư Lý Sơn của tác giả Phạm Châu, địa danh Ngũ hành sơn gắn với dáng hình và những truyền thuyết liên quan: “Đảo ta có một sơn hà/ Xưa kia Lao Ré nay là Lý Sơn.../  Cách một đỗi lên thì núi Sỏi/ Núi Giếng Tiền kế dõi Hòn Tai/ Núi Vung nhỏ nhất đứng ngoài/ Đất phơi thân thể cây cài áo khăn/ Nhìn phong cảnh băn khoăn nhớ cảnh/ Nghĩ giang san mà chạnh lòng riêng/ Núi Giếng Tiền có bàn cờ tiên/ Tiên đi đâu mất, Giếng Tiền tiền đâu?”.

Từ xa xưa, vẻ đẹp của 5 ngọn núi ấy, cùng vẻ đẹp của đất đảo vang danh, vượt ra khỏi xứ Quảng, khiến bao tao nhân mặc khách tìm về thưởng ngoạn, trong đó có nữ sĩ xứ Lam Hồng. Bà chính là nhà thơ Cao Ngọc Anh, quê làng Thịnh Mỹ, tổng Cao Xá, phủ Diễn Châu (nay là xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An), con gái của Thượng thư Đông các Đại học sĩ Cao Xuân Dục, một học giả lớn của Việt Nam vào Triều Nguyễn. Năm Đinh Sửu (1877), ông Cao Xuân Dục nhận chức Hậu bổ ở Quảng Ngãi, rồi kinh qua các chức Tri huyện Bình Sơn, Tri huyện Mộ Đức rồi Hàn Lâm viện Biên tu. Từ thuở bé thơ, nữ sĩ Lam Hồng đã được nghe cụ Cao Xuân Dục kể về vùng đất của những hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, về vẻ đẹp “nước chen mây, cây chen đá” của đất đảo Lý Sơn. 

Hòn Ngưu bên bờ hồ Thới Lới

Dẫu từ vùng đất “phụ tử đồng khoa” xa vạn dặm, nữ sĩ Cao Ngọc Anh đã vượt sóng, vượt gió đến du ngoạn chốn này. Trước khung cảnh nên thơ, lòng dâng trào xúc cảm, bà vịnh nên bài thơ thất ngôn "Vịnh cảnh Ngũ Hành Sơn Quảng Ngãi", được in trong hai tập sách Khuê Sầu thi thảo và Anh Thư nước Việt mang nỗi buồn man mác như chính cuộc đời bà: “Nghe nói Hành sơn cảnh tuyệt vời/ Thanh nhàn dạo bước thử xem chơi/ Năm hòn chót vót cây chen đá/ Bốn mặt mênh mông nước lộng trời/ Bãi cát trắng phau cơn gió thổi/ Chòm rêu xanh ngắt bóng trăng soi/ Ngự thi nét bút còn như cũ/ Dâu bể bao phen đã đổi dời”.

Theo Tạ Hà (Báo Quảng Ngãi)

Du lịch, GO!