(NDO) - “Hỡi bà con các buôn làng hãy nổi chiêng lên. Đánh những chiêng âm thanh to nhất, những tiếng chiêng kêu trầm nhất. Đánh cho tiếng chiêng vang xa khắp xứ…”, giọng già làng Điểu K’Lót sang sảng. Miền đất anh hùng Đồng Nai Thượng vào mùa hội “mừng lúa mới”, mùa những cư dân người Mạ, S’Tiêng trên dải Bù Sa Lu Xiên “nở” rộng vòng xoang, cùng hát, cùng múa trong hương rượu cần mênh mang mừng mùa no đủ.

Đồng bào dân tộc Mạ và các dân tộc anh em trên vùng đất nam Tây Nguyên cùng vui ngày hội.

Đặt chân lên đỉnh Đồi Mây đã nghe thoảng mùi hương thân thuộc. Hôm nay, đường chân trời dường như thấp hơn, mây la đà phiêu lãng giữa đại ngàn. Ngoái nhìn lại, cung đường nhựa ước mơ của người dân xã Đồng Nai Thượng, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, như dải lụa vắt ngang những triền núi.

Chúng tôi may mắn đến xứ thượng vào mùa hội, được xoay cần rượu thơm nồng cùng các già làng, cựu du kích người Mạ, S’Tiêng kiên cường, anh dũng bên bếp lửa nhà dài và nghe kể chuyện khan. Chiều buông màu lam tím. Những ngôi nhà dài đã được cất lên cùng những cây nêu, biểu tượng ngàn đời trong những mùa hội buôn làng. Người già, người trẻ ở các buôn Đạ Cọ, Bù Sa, Bê Đê, Bi Nao, Bù Gia Rá, đã kết nối vòng xoang ở khu vực trung tâm xã.

Những già làng người Mạ ở Đồng Nai Thượng trong đêm hội “mừng lúa mới”.

“Tạ ơn thần lúa đã cho dân làng thu hoạch được mùa… Ơ Yàng!”. Thủ tục xin phép thần linh của già làng Điểu K’Lót vừa dứt, những câu yal yau, ndrĩ nring đã rộn ràng mùa hội; tiếng cồng, tiếng chiêng tấu lên thổn thức. Khung cảnh trở nên huyền bí trong ánh lửa bập bùng. Già Điểu K’Lót bảo: “Cây lúa xưa nay nuôi sống bà con buôn làng và là biểu tượng trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc bản địa nam Tây Nguyên. Các nghi lễ truyền thống đều theo chu kỳ cây lúa. Đây cũng là dịp để cùng vui, cùng hát, đoàn kết xây dựng quê hương”.

Đồng bào dân tộc Mạ, S’Tiêng ở Đồng Nai Thượng cùng vui ngày hội buôn làng.

Ngọn lửa thiêng đã cháy đượm. Mùi thịt nướng quyện hương rượu cần thơm lừng, những chàng trai, cô gái tuổi cập kê buông lời đơs long (hát giao duyên) tình tự. Trước ngôi nhà dài buôn Bi Nao, già làng Điểu K’Brờn đang cất câu ví ndrĩ nring bằng tiếng Mạ, đại ý: “Trên chỏm núi đừng nhắc đến nước/ Ở làng Mạ đừng nói chuyện xưa…”. Ngừng lời, già vỗ vai tôi, bảo: “Lời hát vậy thôi, chớ người Mạ, S’Tiêng ở xứ này luôn nhắc nhớ con cháu chuyện xưa, chuyện những năm tháng cầm súng bảo vệ buôn làng, chuyện những dũng sĩ diệt Mỹ Tư Lôi, K’Lút, Năm Lôi... Cả chuyện cái điện, cái đường, cái chữ… ở xứ này nữa”.

Không nhắc nhớ sao được, bởi cách đây chừng 15 năm, cái tên Đồng Nai Thượng nếu ai đã từng đến đều nghĩ về xa ngái và đói nghèo. Xa, đến độ phải vật vã băng rừng đo bằng chiều dài nỗi nhớ mới ra được đến trung tâm huyện lỵ cách chừng 35 cây số. Nghèo, đến ám ảnh của khô khốc ống nứa giã rau nhíp và đọt mây. Ấy vậy mà xứ thượng lọt thỏm giữa “rừng non” (Bù Sa, người Mạ cắt nghĩa là “rừng non”) nay đã già, đã trở thành xã nông thôn mới lúc nào chẳng hay.

Đêm. Đồng Nai Thượng giờ hiếm nghe tiếng tắc kè xoáy vào nỗi buồn, nỗi nhớ. Thay vào đó là những câu yal yau về hành trình xây dựng buôn làng no ấm, văn minh.

Sáng. Hẹn người bạn ở trung tâm huyện Cát Tiên lên Đồng Nai Thượng uống cà-phê, ăn sáng. Bạn thảng thốt nhận lời, bởi chợt giật mình, chẳng nghĩ xứ này giờ lại gần đến vậy, chẳng nghĩ xứ này giờ đã có “dịch vụ” ăn sáng… Cũng phải, cách đây chừng chục năm, để lên được Đồng Nai Thượng, nghĩ thôi cũng đã chới với rồi. Giờ cung đường nhựa đã vắt qua điệp trùng núi, ô-tô bon bon đến tận những buôn làng.

Khu vực trung tâm xã Đồng Nai Thượng hôm nay.

Gió thượng nguồn lồng lộng, ly cà-phê đã cạn. Chúng tôi thung thăng trên vùng đất Bù Sa Lu Xiên, qua những buôn làng để được ngắm những ngôi nhà trong mơ, những vườn điều xanh tơ rễ cắm chặt xuống mùa khô khát, những vườn mít, mãng cầu, sầu riêng mùa đơm trái... Được vốc ngụm nước từ suối Đạ Roòng, Đạ Tơi, Đạ La mát lành.

“Ở làng Mạ đừng nói chuyện xưa”, lời già làng là vậy. Nhưng trước sự đổi thay hôm nay, dòng ký ức tự nhiên trỗi dậy. Cách đây chừng 15 năm, ai vượt được Đồi Mây lên “cổng trời” Đồng Nai Thượng, đều trở thành những vị khách “cực quý” của buôn làng. Ngày đó, Đồng Nai Thượng ẩn mình như một ốc đảo hoang vu giữa đại ngàn. Đây là xã xa nhất, sâu nhất tỉnh Lâm Đồng. Vào mùa mưa, để đến được đây, phải “quá giang” trên những chiếc xe máy bánh cuốn xích đặc chủng của người dân xứ này. Hơn mười cây số trườn từ chân dốc, lội vực, lên đến Bù Sa Lu Xiên đã đầm đìa mồ hôi vì hồi hộp. Bởi thế, mới có chuyện một ký muối, bột ngọt… được “gùi” lên phía thượng nguồn, có giá cao gấp bốn, năm lần dưới xuôi.

Học sinh Trường tiểu học và THCS Đồng Nai Thượng trong giờ học giáo dục thể chất.

Trong kháng chiến chống Mỹ, miền đất này là vùng căn cứ quan trọng thuộc Chiến khu D. Sau ngày đất nước thống nhất, một lần nữa nhân dân xã Năm (tên cũ xã Đồng Nai Thượng) lại bắt đầu cuộc chiến chống lại đói nghèo. Và mãi đến năm 1991, trường học đầu tiên được mở, bà con trong xã nô nức đi học “xóa mù”, đời sống văn hóa tinh thần dần được nâng lên, nhưng đói nghèo còn đeo đẳng mãi. “Hồi chưa có đường nhựa, nguyên vật liệu, sách vở vận chuyển lên đây được tính tiền theo ký. Giờ nghĩ lại cứ ngỡ giấc mơ”, thầy giáo Mai Thế Tùng, Trường tiểu học và trung học cơ sở Đồng Nai Thượng chia sẻ.

Học sinh mầm non ở Đồng Nai Thượng được các cô giáo giới thiệu trực quan về văn hóa truyền thống người Mạ.

Tôi đã từng đến Đồng Nai Thượng từ thuở đó. Nói là “thuở”, nhưng khoảng chừng 15 năm thôi, nào cô Oanh, cô Mỳ, cô Loan, thầy Quốc, thầy Hiên… họ đã hiến một phần đời đẹp nhất cho sự nghiệp “cõng chữ lên non”. Nay trường mới đã khang trang, 18 phòng học kiên cố; 33 cán bộ, giáo viên đã nở nụ cười khi hơn 370 học sinh phần lớn dân tộc Mạ đã biết yêu trường, yêu lớp, không phải đi gõ cửa từng nhà vận động. Hôm nay, ngồi uống chén trà cùng thầy Tùng trong căn phòng chừng 25m2, nơi tôi từng ghép bàn chợp mắt qua đêm cùng 8 thầy hơn 15 năm trước… bỗng thấy bồi hồi.

Cung đường về thôn Bù Gia Rá, xã Đồng Nai Thượng.

Lần nào cũng thế, có dịp về miền đất rừng núi nghĩa tình thời bom đạn giữa Chiến khu D, tôi đều ghé thăm “ma nữ” Điểu Thị Năm Lôi, biệt danh kẻ địch gắn cho người đàn bà có vóc dáng nhỏ bé, nhưng rắn rỏi này. “Xưa, đá nó sợ chân bà con mình… Giờ đường lên Đồng Nai Thượng đã trải nhựa. Đây là con đường của cuộc cách mạng đổi thay”, Dũng sĩ diệt Mỹ Điểu Thị Năm Lôi, đại biểu Quốc hội khóa VI, đón chúng tôi bằng câu chuyện về cung đường. Nói đoạn, bà Năm Lôi cười sảng khoái. Bà bảo, chính căn nhà xây thuộc hạng to ở xứ thượng này của bà, cũng bị “đội giá” vì con đường.

Phát triển cây ăn quả mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân xã Đồng Nai Thượng.

Khói chiều bắt đầu vương vấn trên những nếp nhà. Và câu chuyện xưa ở xứ này vẫn được kể mãi. Giữa tĩnh lặng đại ngàn, nhấp ngụm nước suối Đạ Roòng mát lạnh cùng già làng, cựu chiến binh Điểu K’Lộc, ông bảo: “Ồ, chuyện xưa không kể hết đâu. Giờ bà con đang tự hào về sự đổi thay trên vùng quê cách mạng. Đảng, Nhà nước đã đưa cái chữ, ánh điện, y tế lên Đồng Nai Thượng rồi, xứ này không còn “cô đơn” nữa, đời sống đã khá lên nhiều, bà con mình vui lắm”. Đôi mắt sáng lên, già cười mãn nguyện.

Bao thế hệ đi qua, trên vùng đất quanh năm “ủ trong mây” này, bà con người Mạ, S’Tiêng đã lang thang hết núi này đến cánh rừng khác, rồi dừng chân bên những sườn đồi để làm cho “lúa mẹ trổ bông”. Xã Đồng Nai Thượng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới năm 2019; hơn 430 hộ, phần lớn là đồng bào Mạ, S’Tiêng đã sống quần tụ tại năm thôn, chạy dọc theo tuyến đường nhựa đã “cõng” sự gần gũi đến với xứ này. Bí thư Đảng ủy xã Điểu K’Giắc ví von, giờ đây, những người Mạ, S’Tiêng đã nghĩ về những ngày hội. Và sẽ có những huyền thoại được tiếp nối trên miền đất anh hùng này.

Đỉnh thác Đạ Rông - nơi du khách có thể cắm trại, trước khi hoà vào dòng chảy cao hàng chục mét đổ xuống sông Đồng Nai

Hôm nay, Điểu Thị Trang ở thôn Bù Gia Rá chuẩn bị xuất chuồng lứa heo bản địa. Khuôn mặt chị rạng ngời, khi từ sáu con heo giống được xã hỗ trợ, giờ tổng đàn lên đến 30 con; cùng hơn 2ha điều, sầu riêng được mua bằng tiền tích góp, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm. Chị nói vui: “Mình thuộc “lứa” thoát nghèo nhanh của xã cách đây 5 năm. Cũng nhờ nghị lực của vợ chồng và sự hỗ trợ của Nhà nước, hai năm sau thoát nghèo mình đã xây được nhà và có chút tích lũy để nuôi hai con ăn học”. Trong danh sách 34 hộ đăng ký thoát nghèo từ năm 2022, nào K’Rơ, Ka Quyết, Điểu K’Cơ, Điểu K’Ren… giờ cuộc sống đã cơ bản no đủ, nhiều hộ tham gia phát triển nông nghiệp bền vững theo chương trình của xã. “Ở đây giờ chẳng khác dưới xuôi là mấy. Nhờ xã hỗ trợ sinh kế, giờ mình yên tâm sản xuất nông nghiệp, nuôi hai đứa con học đại học”, chị Điểu K’Mười chia sẻ.

Cơn mưa rừng bất chợt làm dịu mát xứ hanh hao. Cùng với tôi nhâm nhi ly cà-phê ở quán ven đường, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Nai Thượng Điểu Thị Prợt “chất vấn”: Nhà báo thấy xứ này hôm nay thế nào? Tôi nén chặt hai chữ: Kỳ tích! Từ vùng được ví là “ốc đảo” thâm u giữa đại ngàn, xứ chơi vơi và dễ tổn thương đến tột cùng, giờ đang tính chuyện xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2025. “Hiện thu nhập bình quân đầu người hơn 51 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,5%, 5 thôn đều đạt thôn văn hóa cấp huyện; cây công nghiệp, cây ăn trái giá trị cao gần 2 nghìn ha; tổng đàn vật nuôi gần 5 nghìn con; một sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh…”, bà Điểu Thị Prợt nhớ như in những con số được xem là sự đổi thay ngoạn mục.

Chia tay miền đất phía thượng nguồn dòng Đồng Nai trong chiều trôi rất khẽ. Mùi hương cây trái quyện trong làn gió mới ngọt lành. Vượt đỉnh Đồi Mây về xuôi, chợt ngoái nhìn, cung đường xuyên mây lên Bù Sa Lu Xiên đã không còn diệu vợi.

Theo Mai Văn Bảo (Nhân Dân)

Du lịch, GO!