(BAG) - Với độ cao trên 710m so mực nước biển, núi Cấm (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) là một trong những ngọn núi cao nhất ở miền Tây. Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu mát mẻ, khiến “Đà Lạt 2” trở thành nơi phát triển của nhiều loại rau rừng quý hiếm…

Theo người dân sinh sống ở núi Cấm, rau hoang dã ở đây được chắt lọc từ tinh túy của đất trời, nên mang vị ngọt lành và tính dược thanh khiết. Điều này, không chỉ tạo nên hương vị độc đáo cho các món ăn, mà còn có lợi cho sức khỏe của con người.

Khác với những loại rau thường thấy ở nơi khác, những loại rau ở núi Cấm có màu sắc đa dạng và phong phú, với hơn 30 loại rau khác nhau, tạo nên hương vị độc đáo mà không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Trong đó, rau tía tô rừng, với màu đỏ tươi xen tím, có vị chua đặc trưng, được xem là một loại rau được yêu thích. Bên cạnh đó, rau hoàng ngọc lại là thực phẩm bổ trợ cho người bị xương khớp, còn rau ái nhĩ lan thì rất tốt cho sức khỏe phụ nữ; đọt sung giúp giảm đau bao tử, cùng nhiều loại rau khác, như: Đọt dâu, bơ, kim thất, sao nhái, cát lồi... đều có công dụng và vị riêng.

Đọt bứa rừng cũng là loại rau đặc sản trên núi Cấm. Bứa rừng thân thẳng đứng, da nhám, cành to, thuộc hàng dễ leo. Trong khi đọt sung và vĩnh muốn hái phải kỳ công hơn. Sung rừng cây cao lêu nghêu, còn cây vĩnh thân da cám, trơn tuột, đòi hỏi lúc lên cây phải bám chặt cả chân và tay.

Trong hơn 30 loại rau rừng trên đỉnh Thiên Cấm Sơn, bứa được xếp vào loại đặc sản khi ăn kèm với bánh xèo. Bứa vị chua giúp bánh xèo đỡ ngán, thực khách rất ưa chuộng, trở thành hương vị độc đáo so với bánh xèo dưới miền xuôi. Người hái rau rừng đều thủ ít nhất ba khu vực hái rau quen thuộc và nắm rõ đặc tính sinh trưởng của từng loại, bao lâu sẽ ra đọt mới, thời điểm nào hái thích hợp do rau rừng có loại hái buổi sáng vị chua ngọt, lúc trưa vị lại chát. Phải nắm kỹ mới phối trộn được các loại rau ngon, đủ vị, nhìn hấp dẫn.

Được thiên nhiên ban tặng nhiều loại rau rừng, nên nghề hái rau rừng ở núi Cấm được xem là công việc thường nhật và là nguồn sống của nhiều hộ gia đình ở địa phương. Chị Dạ Thảo (40 tuổi, ngụ ấp Thiên Tuế) cho biết, mỗi ngày chị và gia đình phải thức dậy sớm để chuẩn bị cho chuyến đi hái rau. Dân "săn" rau băng rừng vượt núi để tìm kiếm các loại rau tươi ngon, trong đó, nhiều loại rau chỉ có thể hái được bằng cách leo lên cây cao.

Một ngày băng rừng, lội suối, chị Thảo có thể hái được từ 35 đến 40kg rau rừng. Sau khi hái xong, chị Thảo cùng người trong gia đình mang rau về cắt tỉa, rửa sạch, rồi đem đi bán cho các quán bánh xèo ở núi Cấm, với giá 20.000 đồng/kg hoặc bán cho khách du lịch, với giá từ 30.000 đến 40.000 đồng/kg.

"Những người hái rau rừng phải có kinh nghiệm, biết cách tìm và nhận biết các loại rau, cây, để tránh nhầm lẫn với những loại độc hại. Đồng thời, cũng phải biết “để dành”, nhằm góp phần bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên vùng Bảy Núi..." - chị Thảo nói.

Theo Việt Anh (Báo An Giang)

Du lịch, GO!