(NĐT) - Ngoạn cảnh, dạo chợ, sống vui với đồng bào miền cao… trải nghiệm thú vị ấy là cơ hội cho tôi khám phá thêm những nét đẹp theo mùa, theo phong tục khác lạ, có được nơi những ngày rong chơi chợ phiên ở Lũng Phìn, ở Niêm Sơn, cả trong đám cưới người Xuồng bên dòng Nho Quế.

Đi qua những cung đèo đẹp như mơ giữa trùng điệp núi đá, đắm theo những làn sương bảng lảng, mơ mơ thực thực tưởng chỉ thấy trên phim, nhưng lại hiện hữu gần như thường ngày trên hành trình tìm về nơi địa đầu Tổ quốc. Ở đó, có những cung đường uốn lượn, mượt như dải lụa. Dòng Nho Quế mộng mơ với chiều sâu không ai ngờ tới, cộng thêm màu xanh ngọc lục bảo điểm tô cho cảnh sắc Hà Giang thêm phần siêu thực.

Ở mùa tháng Tư này, hoa gạo bung sắc đỏ, cây dũng mãnh oai nghiêm vươn hoang trên triền núi, đẹp huyền ảo. Những ngôi nhà người H’mông nhỏ xinh, với lớp tường rào đá xếp bao quanh, đan xen cùng muôn hoa khoe sắc… Cảnh đẹp như miền tiên giới ấy mở ra, để bao người phải ngây ngất, phải lòng. Cũng miền non cao xa xôi ấy, còn tàng ẩn một vẻ đẹp khác ở mỗi ngày chợ phiên.

Đi thuyền trên sông Nho Quế.

Ngày vui chợ phiên

Một trong những điều yêu thích nhất khi lên chơi miền cao, ấy là đợi ngày chợ phiên để được hòa mình vào sắc màu cuộc sống, từ vẻ đẹp của váy áo, của những thực phẩm, sản vật, cả kỳ hoa dị thảo… mà đồng bào từ khắp núi rừng mang về chợ trao đổi, mua bán. Chợ phiên Lũng Phìn là một ví dụ. Chỉ cách Mèo Vạc chừng đôi chục cây số, đường đi mùa này hơi khó vì đang có vài điểm phá núi mở đường, chợ này cứ sáu ngày họp một lần, đa phần là đồng bào dân tộc H’mông, Tày, Dao, Giáy, Hoa Hán… từ khắp Đồng Văn, Mèo Vạc, cả vùng lân cận tụ về.

Rau củ là mặt hàng quen thuộc ở mỗi chợ phiền miền cao.

Ngày chợ phiên, cả không gian bừng sáng, náo nhiệt, cánh đàn ông lăng xăng qua lại, phong sương trong bộ quần áo lanh nhuộm chàm, đầu mũ nồi, tay đút túi nghênh ngang, mặt hồng đỏ, ánh mắt mơ màng cứ như vừa tợp xong vài ngụm rượu. Mà kỳ thực, cánh đàn ông đến chợ thì việc khó cưỡng của họ là làm vài chén rượu ngô.

Cũng giống các khu chợ miền cao khác, Lũng Phìn có khu buôn bán gia súc, với đủ loại lợn, bò, trâu, dê, chó… inh ỏi một góc trời. Phía khác thì các bà tay ôm con vịt, con gà, vài chú bồ câu… khách mua sờ nắn trong vài giây, ngã giá, rồi bê về, mọi việc mua bán diễn ra nhanh gọn để sau đó cả người mua và người bán thong dong chơi chợ, thưởng thức món ăn thường ngày họ không có cơ hội và điều kiện nếm trải. 

Chỉ với đôi chim câu cũng là cái cớ để người miền cao xuống chợ.

Chợ phiên Lũng Phìn nổi tiếng với các loại rau củ hái từ rừng, các loại bà con trồng cũng rất đặc biệt bởi vùng khí hậu trong lành, nên từ măng tươi, bí ngô, các loại đậu, sắn, mía… thứ gì nhìn cũng muốn mua mang về. Chợ cũng đủ loại bánh rán, bánh áp chảo, xôi bọc lá chuối… với nhịp sinh hoạt rộn ràng, chỉ đến tầm 10 giờ sáng là đã vãn.  

Cũng ở miền cao này, chợ phiên Niêm Sơn lại có những nét đẹp khác. Đây là chợ phiên họp mỗi 5 ngày một lần, không nhộn nhịp, rộn ràng và sầm uất như các phiên chợ khác, nhờ vậy còn giữ được nét nguyên sơ, cảm giác như ngược thời gian về miền cao từ vài mươi năm trước. Hình ảnh những người phụ nữ Tày mặc áo hoa, váy đụp, đội khăn mỏ quạ, dịu dàng bán những thức rau theo mùa thu hái từ vườn nhà, khi vài quả bí non, ít măng rừng.

Một góc chợ phiên Niêm Sơn.

Những món bánh ở chợ phiên Niêm Sơn, rẻ lắm, một nghìn đồng đã mua được, năm nghìn là đắt nhất. Người Giáy với áo hoa, chân váy ngộ nghĩnh; người H’mông bán các loại hạt khô, đồ cúng; người Dao bán giấy tiền, vàng mã. Mặt hàng xa xỉ và nhanh hết nhất ở chợ là thịt lợn, các quầy bán thịt pha con lợn tại chỗ, treo từng phần lên giá, khách đến tự chọn. 

Đi qua các chợ phiên miền cao này, thấy rõ niềm vui của người đi chợ, cũng phải, bởi cả tuần lao động nặng nhọc trên cao nguyên đá, ngày chợ phiên là dịp để đồng bào thư giãn, đi chơi, đi gặp bạn. Việc mua bán ở chợ chỉ là cái cớ để kết nối người với người. Mỗi chợ phiên, sắc màu đặc trưng, những sản vật khác biệt, nhưng tinh thần tương đồng, chợ phiên luôn là một ngày vui. 

Đám cưới Xuồng

Nhiều lần lên Mèo Vạc, nhìn mãi dòng Nho Quế mộng mơ, nhưng lần này mới có dịp đi thuyền qua hẻm Tu Sản, được đi xen giữa sông núi, thấy rõ từng hàng mộc miên (hoa gạo) mọc thành hàng bên nương ngô, ruộng lúa, nở đỏ rực, thấp thoáng là nhà trình tường của người dân, chợt thấy mình như đang được chu du vào miền cổ tích. Rời bến thuyền, người bạn mới quen dẫn vào bản người Xuồng. Ở xứ non cao này, người Xuồng vẫn còn là dân tộc khá xa lạ, đặc biệt với khách xuôi. 

Dòng Nho Quế huyền ảo.

Nhà người Xuồng vẫn giữ nếp trình tường, thật ngạc nhiên khi đứng trước những ngôi nhà đã qua ba bốn đời, tường đất dày hơn 5 tấc, mái ngói âm dương, cột gỗ đã lên màu thời gian. Nhà nào cũng có gian bếp với thịt treo, bếp củi, cùng gác xép chứa đầy ngũ cốc, thức ăn dự trữ.

Thật may mắn khi đến bản người Xuồng dịp họ tổ chức đám cưới cho thành viên trong họ tộc. Cả bản thật rộn ràng, khoảnh sân nhà có đám cưới đầy khách, chỗ chặt ngan, chặt gà, chỗ hấp món đậu phụ nhồi thịt, chỗ đồ xôi, nấu canh măng hầm chân giò, người thì nấu dạ dày ớt xanh… và điểm dễ nhận ra là phần việc nấu cỗ được phân chia rõ: cánh đàn ông làm, phụ nữ phụ trách phần sắp xếp, dọn dẹp. 

Chuẩn bị món thịt nướng cho đám cưới người Xuồng bên dòng Nho Quế.

Đến giờ khai tiệc, cô dâu chú rể với trang phục truyền thống đón khách đến nhà dự cưới. Tộc người Xuồng tuy ít người, nhưng có thể thấy họ rất quảng giao trong các mối quan hệ. Đám cưới ở bản, nhưng gặp lại nhiều người nơi chợ phiên, là chị người Dáy bán đồ nướng trên đèo Mã Pì Lèng, là bác người Dao bán tiền vàng mã ở chợ Đồng Văn, những cô gái H’mông xúng xính váy áo hoa, rồi cả người Nùng, người Tày… tạo cho không khí của buổi hôn lễ thật đẹp, giản dị và đầy thân tình.

Cỗ cưới thân tình trong không gian nhà ở của người Xuồng.

Mâm cỗ ngập tràn món ngon, từ gà luộc, đậu nhồi, măng, xôi lá cẩm đỏ, canh măng, thịt lợn nướng, trứng luộc, trong số ấy trọng điểm là khâu nhục - món bắt buộc trong các đám cưới người Xuồng. Khi dọn món khâu nhục, cách trang trí là dùng hai bát úp vào nhau, tạo độ vồng lên, miếng thịt lợn được tẩm ướp, ninh nhừ với cải khô, cùng đủ loại gia vị. Các món ngan, gà luộc không chỉ của riêng gia chủ, mà còn do những người đến dự cưới góp vào nên đã qua sàng lọc, lựa chọn, đều là những thứ ngon nhất của nhà để mang tặng cho gia đình tổ chức tiệc cưới thay vì mừng tiền như người miền xuôi. 

Một đám cưới giản dị thôi, người ăn cỗ cũng rất nhanh, phần thừa trên mâm thì chia nhau mang về cho người ở nhà. Đám cưới Xuồng dân dã, mộc mạc, chân tình, hòa với khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên, mang lại nhiều xúc cảm, là kỷ niệm nhớ mãi ở mùa chơi trên non cao Hà Giang. 

Theo Việt Anh (Người Đô Thị)

Du lịch, GO!