(BQN) - Những thập niên cuối của thế kỷ trước, nghề vẽ bảng hiệu bằng tay rất được ưa chuộng. Về sau, công nghệ in ấn và vật liệu làm bảng quảng cáo phát triển mạnh khiến nghề vẽ bảng hiệu bằng tay dần mai một. Nhưng đâu đó, trên những nẻo đường phố thị, những tấm bảng vẽ tay vẫn đang tồn tại, gợi nên những hoài niệm cũ.

Ngày trước, chủ cửa hàng thường thuê người vẽ bảng quảng cáo tên thương hiệu của mình để thu hút sự chú ý của mọi người khi cửa hàng mới khai trương hay làm nổi bật thương hiệu của quán. Bảng quảng cáo vẽ tay có độ bền cao, có thể chịu được mưa nắng và trụ vững với thời gian, nên trước kia được nhiều người lựa chọn.

Ông Dương Văn Học (87 tuổi), ở xã Nghĩa Điền (Tư Nghĩa) là thầy thuốc đông y. Sau giải phóng, ông hành nghề tại một cửa hàng nhỏ với tên gọi Nhơn Hòa Đường trên đường Nguyễn Thụy, TX.Quảng Nghĩa (nay là TP.Quảng Ngãi). Cửa hiệu tuy nhỏ nhưng có bảng hiệu vẽ tay rất đẹp và nổi bật. "Cửa hiệu là kế sinh nhai cả đời của gia đình tôi, nên việc làm bảng hiệu rất quan trọng. Tôi cân nhắc rất kỹ trước khi đặt vẽ một tấm bảng hiệu treo trước cửa. Hồi đó, tôi phải đi dạo hỏi mấy thợ vẽ bảng hiệu mới tìm được người vẽ ưng ý", ông Học kể. Mãi đến năm 1992, tấm bảng hiệu cũ bị hư hỏng nên ông tìm người vẽ lại tấm bảng mới và treo trước số nhà 157 Nguyễn Thụy đã hơn 30 năm.

Chuyện các cửa tiệm chọn và thuê hoạ sĩ vẽ bảng hiệu đã có từ rất sớm, trước thời kỳ Phục Hưng. Nghề vẽ bảng hiệu bắt nguồn từ Châu Âu và Mỹ, nở rộ vào cuối thế kỷ XIX với nhu cầu thiết kế thương hiệu ngày càng cao của các nhãn hàng. Rất lâu trước khi máy tính và ngành quảng cáo ra đời, nghề vẽ bảng hiệu luôn được ưa chuộng. Theo các tài liệu về lịch sử thiết kế Việt Nam, các tác phẩm của những nghệ nhân vẽ bảng hiệu Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều từ những người thợ sơn nhà cửa của Pháp, rồi dần thay đổi, sáng tạo thêm nhiều kiểu chữ mang đậm dấu ấn Việt Nam.

Ông Diệp Thanh (68 tuổi), ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) từng một thời vẽ nhiều bảng hiệu cho các cửa hàng buôn bán trên địa bàn TP.Quảng Ngãi cho biết, ngày còn trẻ tôi có năng khiếu viết chữ đẹp nên nhiều người đến nhờ vẽ bảng hiệu. Dù có công việc chính, nhưng tôi làm thêm nghề vẽ bảng hiệu để thỏa đam mê. Tôi học hỏi các kiểu chữ như chữ phăng, chữ hoa mỹ... từ những đàn anh làm nghề vẽ bảng hiệu và sáng tạo thêm để tạo nên nét riêng cho bảng hiệu mà mình vẽ ra. Công việc làm bảng hiệu thủ công đòi hỏi người thợ phải có nhiều kỹ năng, vừa là nhà thiết kế, vừa là họa sĩ, kiêm cả thi công. Vì vậy, mỗi bảng hiệu như là một tác phẩm nghệ thuật, mang đậm dấu ấn, phong cách của vùng đất nơi những người vẽ nên chúng đang sinh sống.

Không hộp thiếc cầu kỳ, không đèn màu chớp tắt, hay những con chữ được cắt nổi bằng mica... những tấm bảng hiệu treo ở các cửa hàng trong thập niên 80, 90 của thế kỷ trước chỉ là tấm tôn được gia cố bởi khung sắt. Trên đó là tên thương hiệu to, rõ, kiểu chữ đa dạng nhưng không rối rắm. Màu sắc nổi bật. Nội dung đơn giản với tên cửa hàng, ngành nghề buôn bán, địa chỉ cùng vài hình ảnh bắt mắt. Những tấm bảng hiệu được nắn nót bởi bàn tay người vẽ đã làm nên những nét rất riêng cho từng cửa hàng. “Lâu lâu đi ngang qua cửa hàng vẫn còn treo bảng hiệu do mình vẽ tôi vẫn cảm thấy rất vui, nhớ về một thời vàng son của những tấm bảng hiệu vẽ tay...”, ông Thanh bày tỏ.

Ngày nay, dẫu công nghệ hiện đại, đi cùng với tư duy kinh doanh “nhanh, gọn, rẻ” của phần lớn doanh nghiệp, vẫn có nhiều người mong muốn tìm lại những bảng hiệu vẽ tay. “Tôi vẫn thích tấm bảng hiệu cũ được vẽ cách đây hơn 25 năm, nên dù tấm bảng đã phai màu theo năm tháng nhưng tôi vẫn không thay mới. Mấy lần, tôi cũng tìm người để vẽ lại tấm bảng hiệu mới, nhưng giờ người thợ vẽ ngày xưa đã chuyển nghề từ lâu rồi...”, chị Lâm Thị Xuân Búp, chủ nhà may Nguyệt Ánh trên đường Quang Trung (TP.Quảng Ngãi) nói. 

Hiện nay, trên địa bàn TP.Quảng Ngãi vẫn còn một số ít bảng hiệu, như tấm bảng trước tiệm của ông Học, chị Búp vẫn tồn tại, mộc mạc và bình dị bên những biển quảng cáo hiện đại, nổi bật hơn...

Theo Thiên Di (Báo Quảng Ngãi)

Du lịch, GO!