(TLK) - Lâm Đồng là xứ sở ngàn thông – Những cánh rừng thông bạt ngàn xen giữa núi rừng hùng vĩ là nơi để bất kì ai khi tới với thành phố trong sương có thể tận hưởng không khí tinh sạch và bầu không gian trầm lắng của thiên nhiên. Bỏ qua những ồn ào của phố thị, hay thử một lần đi bộ ở Đa Mân – xuyên rừng thông lớn nhất Việt Nam.

Hiking Đa Mân được ví như một cung đường nối liền Tây Nguyên hoang dã và ký ức người mở đường. Đây còn được gọi là con đường Yersin – chuyến đi sẽ đi theo dấu chân mà nhà thám hiểm huyền thoại Yersin đã từng đi để khám phá ra Đà Lạt. Điểm xuất phát từ Hang Cọp (Xuân Thọ, Đà Lạt) và đích đến là đập Đơn Dương (huyện Đơn Dương) – hành trình này tựa như một chặng nối dài của cung đường Đa Nhim – Hang Cọp đối với những ai đã từng đi. Nơi đây có mặt 10 trong số 11 loài thông được ghi nhận tại Việt Nam.

Để vào được rừng thông Đa Mân, bạn cần đến được ngã 3 Đơn Dương. Từ những bước chân đầu tiên vào rừng, bạn có thể nhìn ngắm toàn bộ thị trấn Đơn Dương yên bình từ trên cao.

Hoặc có một con đường khác thú vị hơn, bạn chỉ cần đi bộ trong rừng thông và đến bãi cắm trại bằng thuyền máy. Đi thuyền máy trên dòng Đơn Dương khá thú vị, dòng nước trong xanh mát lạnh và khu rừng xanh trải dài hai bên đường sẽ khiến tâm hồn bạn dịu mát.

Điều thú vị là chen lẫn trong những loài thông hiện đại lại còn những loài thông cổ tích như thông 2 lá dẹt (Ducampopinus Krempfii), thông năm lá (Pinus dalatensis) mà trên thế giới đã bị tuyệt chủng từ hàng triệu năm trước. Đi giữa đại ngàn thông reo vi vút, bạn cũng sẽ có cơ hội nhìn thấy thông hai lá dẹt – được mệnh danh là “sứ giả” của thời tiền sử, nó có mặt ở Yộ Đa Myút (huyện Lạc Dương) và Bidoup (huyện Đơn Dương) trong rừng già thường xanh với độ cao trên 2000 m. Các cây non chỉ mọc được trong rừng tối và đến hàng chục năm sau mới vươn lên tầng cao nhất của rừng, vì vậy khi quan sát từ xa, rất dễ nhận ra thông hai lá dẹt vươn cao trong khu rừng nguyên sinh với tán lá xòe ra như hình rẽ quạt. Một cây thông hai lá dẹt có thể cao đến 40m với đường kính 4m và đoạn thân gỗ lên đến 20m trước khi phân cành.

Những con đường mòn xuyên rừng thông lớn nhất Việt Nam trải dài hút mắt, những tán thông cao vời vợi vươn lên tận bầu trời. Có hàng loạt các nghiên cứu khác nhau cho thấy khi càng có nhiều hoạt động “hoà mình vào thiên nhiên”, thư thả để sống chậm, dành nhiều thời gian để trải nghiệm ngoài trời sẽ có thể giúp chúng ta cân bằng trạng thái tinh thần, xoa dịu những mối lo âu và căng thẳng nơi thành thị. Và việc đi giữa những hàng thông reo, trong không khí vừa se lạnh lại thêm chút ấm áp của ánh nắng mặt trời đầu ngày sẽ khiến tinh thần chúng ta trở nên thư thái hơn.

Bạn hẳn sẽ rất thích cái cảm giác nằm bệt giữa một gốc thông nào đó, ngẩng mặt lên trời và nhìn những tán thông đu đưa trong gió, âm thanh rì rào êm ái của rừng cây xào xạc thoảng nhẹ bên tai, làn gió mát lạnh mang theo mùi nhựa thông ngai ngái xộc thẳng vào mũi. Mùi của rừng đó, mùi của cây cối, của không gian tinh khiết!

Chuyến đi bộ trong rừng thông sẽ thêm phần thú vị khi bạn đi đến cây cầu treo vắt ngang dòng La Bá. Cây cầu độc mộc dài hun hút như lơ lửng giữa trời, phía sâu dưới là dòng nước cuồn cuộn đục ngầu như thách thức lòng can đảm của những kẻ vượt núi tìm rừng. Thật chậm rãi và cẩn trọng, chúng tôi từng bước chinh phục cầu treo để đến bờ bên kia an toàn.

Nếu không theo con đường mòn dẫn đến cầu La Bá, bạn cũng có thể chọn cho mình chặng đường ngắn hơn bằng cách đi xuồng trên đập Đơn Dương để đến được bãi cắm trại.

Xuyên qua những vòm câytạo thành hình thù như cổng hang lớn, chúng tôi đã tới bãi cắm trại, một bãi cỏ rộng bằng phẳng ngay con suối Đa Mân (Đa Mân trong tiếng K’Ho có nghĩa là dòng suối lạnh). Nếu đến Đa Mân vào thời điểm nước lên (từ khoảng tháng 10 đến tháng 5 năm sau), bạn cũng sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị hơn nữa khi được chèo sup thong thả trên dòng Đa Mân và ngắm nhìn khung cảnh bình yên của núi rừng nơi đây.

Dòng Đa Mân lúc này sẽ trở thành một nơi “sống ảo” tuyệt đẹp khi hai bên bờ lá bắt đầu chuyển vàng và đỏ vào mỗi độ thu về hay lá non đủ sắc khi xuân đến. Và ở bất cứ vị trí nào dọc theo dòng suối Đa Mân, bạn cũng có thể chụp được những bức ảnh rực rỡ.

Khi nước ở đập và suối dâng cao (vào khoảng cuối tháng 9 đến tháng 5 năm sau, hoặc tuỳ thời tiết mỗi năm) bạn sẽ có thêm trải nghiệm thú vị khi được chèo sup trên dòng Đa Mân để thong thả ngắm khung cảnh bình yên nơi đây, và đi cùng hội bạn sẽ giúp có chuyến đi của bạn thêm phần vui vẻ.

Có một điều mà trong bất cứ chuyến đi nào, hay bất cứ câu chuyện kể nào, chính là không khí ấm áp tuyệt vời của những bữa cơm trong rừng. Khoác vội chiếc áo gió khi trời tối hẳn, chúng ta bày biện mâm cơm nóng hổi và ngồi quây quần lại bên nhau. Như thường lệ, trưởng đoàn hoặc một người anh lớn sẽ mời mọi người một ly rượu, sau đó sẽ chuyền tay nhau cùng uống ly rượu ấm. Mùi cháo gà thêm chút hành lá thơm nức, thịt xiên nướng trên bếp vàng ươm, món salad thiệt xanh tươi, như vậy đã đủ cho một bữa ăn ngon để mọi người ngồi trò chuyện cùng nhau.

Sáng ngày hôm sau, sương vẫn còn nặng trĩu trên từng lá cỏ. Mặt trời chiếu những tia nắt yếu ớt xuyên qua đám mây mù, quyện cùng làn khói trắng của bếp lửa buổi sớm. Mây trời lãng đãng, sương giăng nhàn nhạt, nắng mỏng chiếu nghiêng thảm cỏ ngậm sương khiến chúng trở nên lấp lánh. Chúng tôi cùng dậy thật sớm để tận hưởng không khí sớm tinh sương bên dòng Đa Mân.

Theo Đỗ Ngọc Hoài Thu (Traveloka) + + Vinh Gấu (ảnh)

Du lịch, GO!