(SGTT) - Sông Gianh là một con sông chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017m thuộc núi Giăng Màn của hệ núi Trường Sơn. Sông Gianh chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn rồi đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.

Sông Gianh đoạn qua Quảng Hòa, thị xã Ba Đồn đẹp tựa tranh

Sông Gianh có dòng dòng chảy ở thượng nguồn theo hình chữ V với hướng chủ đạo là Tây Nam - Đông Bắc. Từ điểm giáp ranh ba xã Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa bắt đầu chảy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Tới ranh giới hai xã Kim Hóa và Lê Hóa (huyện Tuyên Hóa), sông tiếp nhận thêm nước từ một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn, chảy về từ phía Tây. Sông có một chi lưu khác từ xã Ngư Hóa, giáp Hà Tĩnh về, tạo ra nguồn nước bổ sung mới.

Phía dưới thị xã Ba Đồn khoảng 3km, sông Gianh tiếp nhận thêm nước từ chi lưu phía hữu ngạn, chảy ra từ khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi đó người ta gọi là nguồn sông Son.

Sông Gianh bên dưới đỉnh Cô Pi, huyện Minh Hóa

Sông Gianh dài khoảng 160km, cắt qua Quốc lộ 1 ở Tây Bắc Cửa Gianh 5km. Diện tích lưu vực 4.680km², độ cao trung bình 360m, độ dốc trung bình 19,2%. Tàu thuyền có thể qua lại đoạn sông ở hạ lưu, từ Cửa Gianh đến Ba Đồn 6km, đến thị trấn Đồng Lê huyện Tuyên Hóa là 47km.

Đi qua huyện Minh Hóa, sông Gianh len lỏi dưới những rặng núi đá vôi hùng vĩ

Đoạn thượng lưu từ Khe Nét trở về nguồn dài khoảng 70–80km, lòng sông nhiều thác ghềnh. Khoảng 20km đầu nguồn đá đổ ngổn ngang trong lòng sông. Tới Đồng Tâm, lòng sông rộng khoảng 80 – 90m, lớn nhất 110–115m. Đoạn từ các xã Phù Hóa, Quảng Tiên tới thị xã Ba Đồn, lòng sông có nhiều cồn, đảo nhỏ trên sông, trong đó đảo dài nhất khoảng 3,8km rộng nhất khoảng 0,8km. Ngay tại Ba Đồn, lòng sông rộng tới 1km.

Về Tuyên Hóa, sông tạo những cảnh quan hiền hậu

Châu thổ sông Gianh có núi, có ruộng đồng, làng mạc tạo thành sự quần cư của nhiều cộng đồng dân cư. Mỗi cộng đồng dân cư đều có sắc thái sinh hoạt khác nhau. Xa nhất, cao nhất có anh em Mày sinh sống ở hai xã Dân Hóa, Trọng Hóa (huyện Minh Hóa).

Châu thổ sông Gianh

Vùng đồng bằng, với châu thổ rộng lớn, người dân sống cuộc sống đôn hậu, hiền hòa, siêng năng, sáng tạo. Mỗi thế hệ sinh ra, đều được tắm mát nước sông Gianh để lớn khôn, góp phần xây dựng quê hương.

Khi nói về sông Gianh, trong hồi ký Trọn một con đường, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên cảm xúc: "Người đời thường nói quê hương là đỉnh núi, dòng sông, là cây đa, bến nước, sân đình… Với tôi điều đó thật thiêng liêng, hàm súc. Quê hương và tuổi thơ tôi có nhiều điều gợi thương gợi nhớ, nhưng sâu đậm nhất vẫn là sông Gianh”.

Sông Gianh bình yên

Ở huyện Tuyên Hóa, lưu vực sông Gianh chảy qua sinh ra 8 vị tướng. Trong đó nổi tiếng nhất là tướng Hoàng Sâm. Thiếu tướng Hoàng Sâm là một trong 10 vị tướng đầu tiên của quân đội được Bác Hồ ký sắc lệnh thụ phong.

Gia phả họ Trần ở xã Văn Hóa còn ghi rõ: "Thiếu tướng Hoàng Sâm tên thật là Trần Văn Kỳ sinh năm 1915, 12 tuổi theo bố mẹ sang Nakhon, Chiang Mai (Thái Lan) sinh sống. Ở đây cậu thiếu niên Trần Văn Kỳ được kết nạp vào Đội Thiếu niên tiền phong Việt kiều và khi Thầu Chính (Bác Hồ) đến hoạt động, cậu Kỳ được chọn làm liên lạc. Ông có nhiều thành tích lớn trong hoạt động cách mạng và vang danh với chiến thuật thu phục thổ phỉ”.

Sông Gianh với nhiều núi non

Các xã lưu vực sông Gianh qua huyện Bố Trạch cũng đóng góp 4 vị tướng, gồm: Trung tướng Lê Văn Tri - Anh hùng LLVTND, Thiếu tướng Lưu Bá Xảo, Thiếu tướng Lưu Dương, Thiếu tướng Phan Văn Minh.

Hàng vạn đời đã được lưu vực dòng sông nuôi nấng

Huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn nơi con sông chảy qua đã cống hiến cho đất nước 18 vị tướng lĩnh thuộc các quân binh chủng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đấy là con số hiếm có. Nhiều nhất có lẽ là xã Quảng Trung, có 4 vị tướng, trong đó, gia đình Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đóng góp cho quê hương 3 vị tướng.

Dọc sông Gianh có cả trăm miếu thờ cổ xưa

Thầy giáo dạy sử Võ Minh Khiêu (Ba Đồn) từng nói: “Dọc sông Gianh, tinh thần yêu nước, thương nòi như bao vùng quê khác ở Việt Nam. Xưa thì có chống giặc Minh, giặc Thanh, chống ngàn năm đô hộ phương Bắc. Gần hơn trước khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 nổ ra, ngọn lửa của phong trào Cần Vương đã hun đúc vào ý chí của bao thế hệ dọc sông Gianh”.

Thiết chế đình làng dọc hai bên sông Gianh cũng phong phú đa dạng

Thật vậy, thế hệ phong trào Cần Vương vẫn còn rõ dấu tích những lãnh binh như đề đốc Lê Trực, Lê Mô Khởi, Mai Lượng… đã xây dựng phong trào mạnh mẽ, đánh nhiều trận dọc sông Gianh gây tiếng vang lưu truyền hậu thế. Lăng mộ, đền thờ của những bậc tiền nhân ấy được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia bên bờ Gianh huyền thoại. Người ta nói sông Gianh anh hùng là vậy.

Theo Minh Phong (Sàigòn Tiếp Thị)

Du lịch, GO!