(BBP) - Địa danh Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) từ lâu đã trở nên nổi tiếng, gần gũi, thân thương đối với du khách bởi vẻ đẹp tự nhiên hùng vĩ, hoang sơ, nét văn hóa truyền thống nguyên sơ, dân dã. Đặc biệt, chợ phiên Y Tý được mở vào thứ 7 hằng tuần đã trở thành điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm hình ảnh thu nhỏ của đời sống, sản xuất, sinh hoạt văn hóa-tinh thần, vẻ đẹp đất và người vùng cao Y Tý.

Theo tiếng sáo Mông gọi bạn, bước chân cô gái Hà Nhì trong trang phục rực rỡ sắc màu, chúng tôi đến với phiên chợ vùng cao, vùng biên giới Bát Xát, Lào Cai.

Chợ Y Tý nằm ngay trung tâm xã. Chợ thường được họp vào ngày thứ 7 hằng tuần. Vào mùa hè, thời tiết mát mẻ thì chợ họp sớm, từ 6 giờ đến 7 giờ sáng đã rất đông người, nhưng vào các mùa khác trong năm thì thường sau 8 giờ sáng, mọi người mới ra chợ. Đa số các du khách bị thu hút bởi không gian bán hàng nông sản của các chị, các cô, các bà Hà Nhì với những mặt hàng tương đối phong phú, từ những mớ rau, hạt đỗ, quả ớt, củ gừng đều được người dân bày bán theo phong cách truyền thống.

Bà Ly Lò Bớ - một người dân thôn Lao Chải, xã Y Tý cho hay: “Vì mỗi tuần chợ chỉ họp một lần nên các loại đồ khô như: lạc, đỗ, gừng, ớt... đều được bà chuẩn bị từ chiều hôm trước, còn các loại rau xanh thì phải dậy từ 5 giờ sáng để hái và mang ra chợ”. Đa số lượng rau xanh của bà Bớ và những người khác đều được bán hết vì khách mua hàng đều rất thích các loại rau sạch được bày bán tại chợ.

Người dân vùng cao Bát Xát đi chợ không chỉ mua và bán, mà còn để đi chơi. Chợ là nơi để gặp gỡ những người bạn, để hỏi thăm, trao đổi, chia sẻ tình cảm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày; cũng có thể chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất, nên các nam thanh, nữ tú đến từ Mường Hum, Dền Thàng, Dền Sáng... đều chọn những bộ trang phục đẹp nhất, mới nhất để đi “chơi chợ”.

Chị Lê Kim Anh đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ với chúng tôi: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Y Tý và được đi chợ phiên cùng với bà con dân bản. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho bầu không khí trong lành, làm cho con người cảm thấy thư thái, gần gũi với thiên nhiên.

Trái ngược với cuộc sống hối hả, vội vã chốn thành thị, ở đây, thời gian dường như trôi chậm hơn, mọi người như xích lại gần nhau hơn, thân thiện hơn. Đặc biệt là chợ phiên ở đây vẫn còn giữ được những nét bản sắc rất riêng mà không nơi nào có được. Tôi và những người bạn đồng hành đều rất thích thú với những sản vật của địa phương. Nói thật, lên đến đây, chỉ cần được “hít hà” b

Trước đây, do đường giao thông còn khó khăn, chợ phiên Y Tý chủ yếu chỉ bày bán những mặt hàng nông sản của địa phương và một số mặt hàng tiêu dùng cần thiết. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các tuyến đường nối từ trung tâm huyện Bát Xát đến xã Y Tý đã được mở rộng, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho Y Tý phát triển du lịch. Đi cùng với đó là các mặt hàng xuất hiện tại chợ phiên Y Tý ngày một phong phú hơn, đa dạng, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn. Điều đó cũng có nghĩa là không gian chợ dành cho người bản địa sẽ ít nhiều bị thu hẹp lại, khó tránh khỏi việc bị mai một bản sắc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Văn Thanh, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Bát Xát cho biết: “Chúng tôi đã sớm có quy hoạch khu vực trung tâm xã Y Tý. Trong quy hoạch, chợ Y Tý sẽ được nâng cấp và mở rộng để đồng thời đảm bảo hai nhiệm vụ, vừa là nơi giao thương hàng hóa, thúc đẩy kinh tế phát triển, vừa tạo không gian lưu giữ nét văn hóa của chợ truyền thống, nhất là bản sắc của người Hà Nhì, để chợ Y Tý là nơi lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Hà Nhì Y Tý và đồng bào các dân tộc của địa phương”.

Tạm biệt Y Tý, tạm biệt chợ phiên vùng cao với những nét văn hóa đặc sắc, độc đáo, gần gũi, mộc mạc, chúng tôi tin tưởng rằng, với cách làm mới đúng đắn, phù hợp, gắn bảo tồn văn hóa chợ với du lịch, chợ phiên Y Tý sẽ lưu giữ được những giá trị văn hóa tốt đẹp nhất của đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao, biên cương Bát Xát, thực sự trở thành điểm đến của du khách gần xa.

Theo Phạm Thúy (Báo Biên Phòng)

Du lịch, GO!