(DTO) - Nằm dưới chân núi Bàn Than, 2 chiếc giếng cổ được người dân xã đảo Tam Hải (huyện Núi Thành, Quảng Nam) xem như báu vật, vì dù hạn hán khốc liệt thế nào, giếng cũng chưa bao giờ cạn.

Báu vật của đảo

Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về làng chài Thuận An (xã Tam Hải, huyện Núi Thành) để tận mắt chứng kiến giếng cổ trăm năm, dù hạn hán thế nào cũng chưa bao giờ cạn nước.

Theo quan sát, giếng được thiết kế theo hình tròn, rộng chừng 2m, có độ sâu khoảng 10m. Lòng giếng được xây dựng bằng đá tổ ong tỉa tót vuông vức, được xếp chồng lên nhau rất vững chắc.

Chiếc giếng cổ thứ nhất nằm sâu trong con hẻm và có phần cũ kỹ hơn.

Đáy giếng có rất nhiều đá đen. Bên ngoài giếng được bao bọc một lớp xi măng, bên trên miệng giếng có nắp đậy bằng kim loại và có khóa.

Hàng ngày đều sử dụng nước từ giếng này, ông Huỳnh Điền (66 tuổi, trú thôn Thuận An) cho biết, không ai ở đây thật sự biết nguồn gốc của 2 chiếc giếng này. Những người trong làng cứ truyền tai nhau về giai thoại của giếng, làm cho giếng nước càng trở nên kỳ bí.

Chiếc giếng cổ thứ hai ở đảo

"Tôi nghe các cụ kể lại từ khi thành lập làng đã có giếng này, giếng được người Chiêm Thành (Chăm) đào, và đến nay giếng đã có "tuổi thọ" ít nhất trên 600 năm", ông Điền nói.

Giếng được thiết kế theo hình tròn, rộng chừng 2m, có độ sâu khoảng 10m.

Ông Điền cho biết thêm, cứ vào mùa khô thì nhiều giếng đào, giếng khoan trên đảo cạn trơ đáy. Nhưng riêng giếng cổ vẫn ăm ắp nước và chưa bao giờ cạn. Cũng vì vậy người dân ở đây xem giếng như báu vật, "mạch sống" của đảo Tam Hải.

Nước lấy từ giếng cổ có thể uống trực tiếp

Thấy chúng tôi chưa tin về chiếc giếng chưa bao giờ cạn, ông Điền chỉ vào lòng giếng và giải thích, khi trời hạn giếng cạn nước và sẽ để lộ ra một hang động ở dưới đáy.

"Muốn lấy được nước lúc trời hạn thì phải ném chiếc gàu vào sâu trong hang, cho đến khi có âm thanh gàu chạm vào mặt nước. Giống như có nguồn nước dự trữ sẵn trong đó vậy", ông Điền nói.

Lòng giếng xây dựng bằng đá tổ ong được xếp chồng lên nhau.

Bà Nguyễn Thị Liên (67 tuổi, trú thôn Thuận An) hàng ngày cũng dùng nước giếng cho biết thêm, nước giếng cổ rất ngọt và mát, nước được người dân dùng trực tiếp chứ không qua một bộ phận lọc nào cả.

Vì giếng được ví như báu vật nên mọi người ở đây ai cũng có ý thức trong việc bảo vệ, chăm sóc giếng. Đặc biệt, nước lấy về chỉ được dùng nấu ăn, đun nước uống chứ không được tắm giặt, vì như thế sẽ làm nguồn nước thiêng bị quấy đục, có tội với người xưa.

"Nước này được rỉ ra từ ngọn núi Bàn Than linh thiêng nên rất quý, các gia đình có tàu ra khơi đều chuẩn bị cho mình ít nước giếng để dành uống. Nhiều lúc con cháu ở xa vẫn bảo tôi gửi nước lên để uống cho đỡ nhớ quê hương", bà Liên chia sẻ.

Từ năm 1934 đến nay, giếng cổ đã được trùng tu 4 lần.

Bí ẩn về nguồn gốc

Nguồn nước giếng của người Chăm cổ trước nay vẫn là bí ẩn đối với người dân đảo Tam Hải. Để bảo quản và sử dụng nước từ giếng cổ này, từ năm 1934 đến nay, giếng đã được dân làng Thuận An trùng tu 4 lần.

"Lúc trước có tấm bia đá khắc những dòng chữ cổ nhưng vì tác động của thời tiết, giờ không còn nữa. Nhiều người ở đây phỏng đoán đây là nội dung ghi lại dấu ấn lịch sử của lớp tiền nhân đi khai phá vùng đất này. Nhưng cũng chỉ đoán như vậy thôi chứ giờ giếng vẫn là một bí ẩn", ông Điền nói.

Theo người dân địa phương, giếng đã có tuổi thọ ít nhất trên 600 năm.

Ông Nguyễn Tấn Hùng, Phó Chủ tịch xã Tam Hải, cho biết, theo dịch bia thì 2 chiếc giếng này của các thương điền người Hoa, sau khi đi vào buôn bán ở bến cảng Hội An thì có vào đảo Tam Hải để đào. Hiện nay 2 chiếc giếng cổ này nằm trong điểm du lịch mà huyện Núi Thành phê duyệt trong đề án phát triển du lịch vừa qua.

Đặc biệt, nước lấy về chỉ được dùng nấu ăn, đun nước uống chứ không được tắm giặt.

Để quản lý tốt tài sản vô giá này, người dân xã đảo Tam Hải tự thỏa thuận và cắt cử nhau coi sóc giếng, phân phối nguồn nước.

Những hộ dân quanh khu vực giếng được dùng miễn phí, người ở xa tới thì đóng góp 1.000 đồng cho mỗi lần lấy nước. Số tiền góp được sẽ dùng để tu bổ, sửa sang lại giếng theo từng năm.

Mỗi ngày có hàng trăm người đến đây để lấy nước sinh hoạt.

Toàn xã đảo Tam Hải có 2.500 hộ dân với khoảng 8.000 người. Tam Hải không còn là làng biển đơn thuần mà càng ngày có thêm nhiều khách du lịch lui tới để khám phá giếng cổ, các thắng cảnh như Bàn Than, rừng dừa tự nhiên…

Đến đây du khách thích thú nhất là các ngôi làng nằm san sát nhau với từng lối đi nhỏ dẫn vào từng khu dân cư, sinh hoạt của người dân vẫn giữ được sự mộc mạc, bình yên.

Theo Hoài Sơn (Dân Trí), Thái Bá Dũng (Tuổi Trẻ)

Du lịch, GO!