(TQO) - Không nằm trong Tứ đại đỉnh đèo nhưng cung đường Khau Cốc Chà vẫn thách thức những ai yêu thích chinh phục cung đường phía Đông Bắc Việt Nam.

Đất nước, con người Việt Nam luôn chất chứa biết bao điều, luôn chờ đợi chúng ta khám phá. Đôi khi chỉ là một món ăn, một con đường vốn đã đi lại biết bao lần nhưng những điều xung quanh nó thì hẳn còn khiến con người ta bàn luận dài dài. 

Đơn cử như câu chuyện về một con đèo mà dường như bất cứ ai từng chinh phục cung đường núi phía Bắc đều một lần đi qua. Vậy mà, những ngày vừa rồi, nó bỗng nhiên thu hút sự chú ý trở lại, chỉ bởi một bức hình được chia sẻ trên mạng xã hội. Có lẽ nó được bàn luận nhiều, một phần là bởi lượng người đổ về vùng núi cao, tận hưởng cảnh sắc mùa xuân ngày càng đông đảo. 

Nhiều người nhầm lẫn về tên gọi Mẻ Pia?

Trong một bài viết đang được lan truyền chóng mặt trên các trang mạng, người đăng gọi tên “đèo Mẻ Pia”. Thế nhưng, nhiều người đã nhận ra, hình ảnh đính kèm lại là đèo Khau Cốc Chà hay đèo 15 tầng. 

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng chứng kiến sự nhầm lẫn này. Bởi, hai con đèo Khau Cốc Chà và Mẻ Pia là câu chuyện của quá trình phát triển, mở rộng đường đèo ở nơi đây. 

Được biết, cách đây hơn 1 thập kỷ, người dân xã Xuân Trường nếu muốn đi xuống trung tâm huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), nếu không muốn đi bộ thì chỉ có một phương tiện là ngựa. Và Mẻ Pia là tên gọi của một đường mòn trên núi đã có từ thời Pháp thuộc. Sau đó, đến khoảng những năm 2009, 2011 thì cung đường đã được kéo dài và mở rộng. 

Và sau quá trình nâng cấp, mở rộng thành 14 khúc cua, tạo nên 15 đoạn đường dựng đứng, nối tiếp nhau, dựa vào vách đá thì người ta đã tìm một cái tên chính thức cho nó. Bởi vì phía trên đỉnh đèo là bản Cốc Chà, còn trong tiếng dân tộc Tày, “Khau” có nghĩa là đèo nên từ đó, con đèo mang tên chính thức là Khau Cốc Chà. Ngoài ra, Cốc Chà cũng chính là tên gọi của một loài cây mọc rất nhiều trên đỉnh đèo. 

Một thông tin chưa chính thức khác đến từ những người dân bản địa thì thật ra vẫn có một con đèo Mẻ Pia, vẫn thuộc cung đường này nhưng cách đèo Khau Cốc Chà một đoạn, thuộc bản Diềm, xã Khánh Xuân, huyện Bảo Lạc, Cao Bằng.

Con đèo dựng đứng độc đáo, thách thức cả người leo lẫn các phương tiện

Không được xếp vào trong danh sách Tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam cùng với Mã Pí Lèng, Ô Quy Hồ, Khau Phạ hay Pha Đin nhưng con đèo nằm tại Quốc Lộ 4A, thuộc địa phận Bảo Lạc, Cao Bằng lại gây ấn tượng bởi độ dốc đứng đặc biệt. Tính theo khoảng cách quãng đường, từ chân đèo lên tới đỉnh chỉ dài chừng 2,5km nhưng để chinh phục được thì dù có đi xe máy hay ô tô, ta cũng phải mất chừng hơn 1 tiếng mới có thể vượt qua. Thế nhưng, nếu tính về độ bằng phẳng và chất lượng đường đi thì hướng qua đèo Khau Cốc Chà vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của “dân phượt”. 

Thông thường, người ta thường di chuyển theo hướng QL4C - QL3 - QL4A,  cung đường Mèo Vạc - Hà Giang về tới Bảo Lạc, Cao Bằng sẽ qua đèo Khau Cốc Chà. Từ đó, dễ dàng tìm đến các địa điểm như suối Lê Nin, hang Pác Pó, Hà Quảng rồi đi hồ Thang Hen, thác Bản Giốc và xuôi về thành phố Cao Bằng.

Còn nếu muốn ngắm được trọn vẹn 14 tầng của đèo Khau Cốc Chà thì phải lựa chọn phương án trekking xuyên rừng để lên đỉnh Pác Thốc - phía đối diện con đèo. Hãy men theo sườn núi, đi theo một dấu sơn đỏ chỉ đường, bạn sẽ tốn khoảng 40 phút đến 1 tiếng để chinh phục. Theo nhận xét của nhiều người, một nửa quãng đường đầu tiên, không quá dốc và tương đối dễ đi. Song, một nửa đường còn lại thì địa hình toàn là những dốc đá cao và rất trơn. 

Vậy nhưng, khi đã vượt qua hành trình ấy, đứng trên đỉnh, nhìn ngắm con đèo uốn lượn, vắt qua sườn núi, như một dải lụa giữa muôn trùng mây núi thì mọi mệt mỏi đều được xua tan. Khung cảnh hoang sơ kỳ vĩ của núi rừng và một phần thung lũng Xuân Trường khiến lòng người rạo rực không thôi. Chẳng thế mà, nhiều người còn ví Khau Cốc Chà là "đường lên đỉnh trời".

Theo Dương Dương (Tổ Quốc)

Du lịch, GO!