(DTO) - Ở vùng biển Cái Cùng (Bạc Liêu) có Lăng Ông Duyên Hải đang lưu giữ một bộ xương (ngọc cốt) cá Ông dài 16m, được cho là dài nhất, nhì miền Tây. Ngư dân địa phương rất tín ngưỡng và thờ cúng.

Lăng cá Ông Vĩnh Thịnh (hay còn gọi là Lăng Ông Duyên Hải) tọa lạc tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu), cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 30km. Nơi đây hiện có một bộ xương (ngọc cốt) cá Ông dài hơn 16m, được cho là hiếm có và dài nhất, nhì miền Tây Nam Bộ.

Người dân vùng biển rất tín ngưỡng cá Ông nên đã làm nơi trưng bày bộ xương để mỗi khi ra biển đánh bắt thủy sản đều cúng vái. Du khách đến đây chiêm ngưỡng cũng bày tỏ lòng thành kính đối với loài cá mà ngư dân thờ tự. 

Cách đây 13 năm, vào ngày 21/2/2010 (nhằm mùng 8 tháng Giêng năm Canh Dần), ngư dân phát hiện một con cá Ông lụy, trôi lênh đênh trên biển, cách cửa biển Cái Cùng (xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình) khoảng 26 hải lý. Do cá Ông khá lớn nên ngư dân đã bố trí gần chục chiếc tàu nối đuôi nhau để đưa Ông vào đất liền.

Sau một ngày đêm trục vớt, khoảng 9h sáng 22/2/2010 (mùng 9 tháng Giêng năm Canh Dần), ngư dân tổ chức trống, kèn, cờ hoa đưa xác cá Ông vào bờ. Cá Ông dài 16m, cao 3m, vòng bụng 10m, ước nặng 15 tấn.

Sau khi đưa vào bờ, cán bộ ngành y tế tổ chức phun xịt hóa chất để khử mùi hôi cho Ông. Chính quyền địa phương và người dân phải dùng 2 cần cẩu lớn nâng xác cá Ông đưa vào mộ lộ thiên có lồng kính để lưu giữ bước đầu. Sau một thời gian, ngành chức năng lấy bộ xương cốt trưng bày thờ cúng như ngày nay, còn phần nội tạng, da, thịt thì chôn cất. 

Phần mộ chôn cất thịt, da, nội tạng cá Ông trong khuôn viên Lăng Ông Duyên Hải đã tồn tại hơn chục năm qua.

Rất nhiều hình ảnh về cá Ông lụy hơn 13 năm trước đã được chụp lại và treo trong nhà bảo tồn ngọc cốt ngư ông hiện nay. Người dân, du khách đến viếng đều có thể xem được thời khắc lúc đó như thế nào.

Ông Trần Văn Ven (81 tuổi) là người coi giữ Lăng Ông Duyên Hải hơn 13 năm qua. Theo ông Ven, cá Ông rất hiền, ngư dân rất tín ngưỡng. Mỗi chuyến đánh bắt thủy hải sản đều thờ cúng Ông cho chuyến ra khơi được thuận buồn xuôi gió.

Hơn 13 năm trước, khi hay tin Ông lụy, người dân từ khắp nơi đã đến cúng viếng. Có chủ tàu cá còn để tang cho Ông.

Hiện nay, cứ qua Tết Nguyên đán, từ mùng 8 đến mùng 10 tháng Giêng là chính quyền địa phương và ngư dân tổ chức lễ hội Nghinh Ông rất trang trọng để cầu mong một năm mới đi biển bình an, được mùa bội thu tôm cá.

Theo Huỳnh Hải (Dân Trí)

Du lịch, GO!