(TCDL) - Tháp Bà Ponagar nằm trên đồi Cù Lao, có độ cao 50m so với mặt biển, thuộc phường Vĩnh Phước, phía Bắc thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Tháp còn có tên gọi khác là Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ).

Đây là công trình tiêu biểu về nghệ thuật kiến trúc của dân tộc Chăm, được xây dựng khoảng từ thể kỷ thứ 8 đến thế kỷ 13, thời kỳ đạo Hinđu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh tại Vương quốc Chămpa cổ. Tương truyền, Nữ thần Thiên Y A Na Thánh Mẫu là vị tiên giáng trần, Người đã có công dạy cho dân trồng lúa, nuôi tằm, dệt vải… Là vị Thánh rất linh thiêng luôn che chở, bảo vệ, ban phước lành cho muôn dân. Công đức của Thánh Mẫu được người dân khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên tôn kính, ghi ơn.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, tổng thể kiến trúc của Tháp Bà Ponagar có 3 tầng, đi từ dưới lên trên. Ở tầng thấp, ngang mặt đất là ngôi tháp cổng nay không còn nữa; tầng giữa (nhà khách, nhà tĩnh tâm) dành cho khách nghỉ ngơi, sửa soạn trang phục, chuẩn bị lễ vật và các nghi thức trước khi hành lễ; tầng trên cùng là nơi 4 ngọn tháp tọa lạc, những ngôi tháp được xây dựng theo kiểu Chăm, gạch xây rất khít mạch, không nhìn thấy chất kết dính.

Lòng tháp rỗng tới đỉnh, cửa tháp quay về hướng Đông; mặt ngoài thân tháp có nhiều gờ, trụ, đấu; trên đỉnh các trụ thường đặt gạch trang trí hoa văn hình vòm tháp, trông như chiếc tháp nhỏ đặt lên một tháp lớn; trên thân tháp còn có nhiều tượng và phù điêu bằng đất nung, trong đó có hình Po Nagar, thần Tenexa, các tiên nữ, các loài thú: nai, ngỗng vàng, sư tử…

Tháp chính cao khoảng 23m, là tháp thờ nữ thần Po Nagar. Tháp có 4 tầng, mỗi tầng đều có cửa, tượng thần và hình thú bằng đá, ở 4 góc có 4 tháp nhỏ. Bên trong là tượng nữ thần cao 2,6m, tạc bằng đá hoa cương màu đen (trước đó là gỗ trầm hương và xa hơn nữa là bằng vàng) ngồi trên bệ đá uy nghiêm hình đài sen, lưng tựa phiến đá lớn hình lá bồ đề. Đây là một kiệt tác về điêu khắc Chămpa, là sự kết hợp hài hòa giữa kỹ thuật tượng tròn và chạm nổi.

Trên đỉnh tháp có tượng thần Shiva cưỡi ngưu thần Nandin, và các tượng linh vật như chim thiên nga, dê, voi… Mặt ngoài tường tháp được trang trí bởi những hình điêu khắc vào đá như những vũ công, người chèo thuyền, xay gạo hay đi săn với cung tên.

Cửa chính ở phía Đông dẫn vào một tiền sảnh, ở hai bên cửa có hai trụ đá được khắc truyền ký, đỡ một phiến đá hình thuẫn có khắc hình nữ thần Durga đang múa giữa hai nhạc công. Cuối tháp có một bệ thờ bằng đá đặt tượng Bà Po Nagar với 10 cánh tay. Hai bàn tay dưới đặt trên hai đầu gối, các bàn tay khác cầm những vật dụng như đoản kiếm, mũi tên, chùy, cây lao ở bên phải và chuông, đĩa, cung, tù và ở bên trái.

Ba tháp còn lại thờ thần Siva (một trong ba vị thần tối cao của Ấn Độ), thần Sanhaka, thần Ganeca (theo truyền thuyết là con trai thần Siva). Ngoài ra, trong quần thể kiến trúc còn giữ lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm, ghi lại những lời ca ngợi Thánh Mẫu, liệt kê những cống phẩm để xây dựng tháp cùng với việc dâng cúng ruộng đất…

Tháp Bà Ponagar là một quần thể kiến trúc độc đáo và đặc sắc của người Chăm. Lễ hội tháp Bà Ponagar là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia và được xếp hạng là một trong 16 lễ hội cấp quốc gia.

Theo Văn Thành Châu (Tạp Chí Du Lịch)

Du lịch, GO!

Hồn Chăm ở Tháp Bà Ponagar