(ZING) - Từ 23 tháng chạp, đưa Ông Táo về trời là dân Ông Tạ thay thảy xuống đất: đoạn đường từ ngã ba Ông Tạ đến cầu Ông Tạ hạn chế xe cộ qua lại, sạp hàng Tết bày la liệt.

Người đi bộ đi hai bên. Khu bán lá dong, lạt buộc để gói bánh thì nằm bên ngoài ngã ba, trước trường Thánh Tâm (nay vẫn còn). Thịt heo lên ngôi, thịt chó “ra dìa”. Tết ai mà ăn thịt chó.

Hàng hóa các nơi tràn về. Hàng hóa tại chỗ như giò chả, kẹo lạc (kẹo đậu phộng), “thèo lèo cứt chuột”… chỉ làm dịp Tết bên Nghĩa Hòa, Nam Thái… đổ ra. Trẻ con hay đổ đến mấy lò kẹo này vừa xem thợ làm đông vui vừa… chực ăn: khi cắt kẹo, bác Hòa gái lò kẹo Hòa Thành luôn vui vẻ “chia phần” cho đám trẻ con rìa kẹo.

Giò chả thì khỏi nói. Các nhà làm giò chả chia nhau làm; người này làm người kia nghỉ. Đèn thắp sáng đêm. Thợ giã giò hai tay hai chày, cứ gọi là giã liên tu bất tận; quăng chày xuống là lăn ra ngủ, thợ khác vào thay. Anh nào cơ bắp cũng cuồn cuộn, chả cần gym ghiếc như bây giờ. Chuồng heo các nhà trong vùng nuôi đều không còn con nào; kể cả trại heo của ông tổng Vi nhà cuối đường Thăng Long chỉ 28, 29 Tết là đã dọn rửa chuồng. Nhưng như vậy vẫn không đủ cho dân Ông Tạ ăn và làm giò chả; bỏ mối khắp Sài Gòn - Gia Định cơ mà. Thế là heo Hố Nai, Gia Kiệm, Gò Vấp… cũng lần lượt lên xe về công xi heo (lò heo) Tân Sơn Hòa trong ngõ Cổng Bom; hoạt động hầu như suốt ngày đêm.

Các gian hàng, sạp Tết bán cả ngày lẫn đêm, suốt đêm. Những ngày giáp Tết Ông Tạ ấy rất náo nhiệt. Nhà nhà mua sắm. Không ai ở nhà nổi. Đám trẻ con chúng tôi dù chẳng có tiền thì đứa nào cũng lò mò ra chợ Tết chơi, nhất là về đêm để ngắm kẹo bánh, coi hoa, nghe trả giá… và lượm mấy thân lá dong người ta bỏ về kết làm súng, làm gươm chọc phá nhau, quả là vui như Tết.

Từ 23 tháng Chạp trở đi, dân mình đã gọi là Tết: 23 Tết. Ngay cả những năm sau 1975, khó khăn đến tận cùng, người Ông Tạ vẫn gói bánh, vẫn nổ pháo rền vang. “Chẳng phong lưu cũng ba ngày Tết”.

Thời ấy, thịt thà thiếu thốn, năm bảy nhà, cả chục nhà trong các khu Nghĩa Hòa, Nam Hòa, Tân Chí Linh… đã mở những đường dây “hụi heo” để cuối năm mổ heo chia nhau. Trong hẻm Gà và cả chợ Phạm Văn Hai, những phần thịt đông vẫn như thuở nào. Chỉ khác là xưa các nhà tự nấu, giờ ra chợ, có người nấu sẵn rồi. Cạnh trụ sở Công an Phường 3, có năm, mấy nồi bánh chưng đỏ lửa suốt ngày đêm. Nấu và bán tại chỗ… Nhiều nhà thờ đã ra mẻ bánh chưng thứ hai cả trăm cặp cho bà con nghèo…

Ông Tạ nhìn bên ngoài nhà cửa xây mới nhiều, có vẻ không như xưa - đâu chả vậy chứ riêng gì Ông Tạ. Ngày xưa ấy, tối lửa tắt đèn có nhau; nhà nào có chuyện gì cả xóm biết, cả xóm chung tay. Nhưng nếp nhà, nếp Ông Tạ gần bảy mươi năm dễ gì phai nhạt.

Những ngày này, từ sáng sớm đến gần nửa đêm, dọc đường Phạm Văn Hai, hai bên đường Cách Mạng Tháng Tám, dài dài mấy trăm mét hai bên ngã ba, cả một trời xuân, mùa Tết Ông Tạ vẫn ê hề lá dong, bánh chưng, dưa hành, kẹo lạc… từ sáng tới tối, tấp nập hơn nhiều chợ khác. Nhiều nhà thờ, nhà chùa trưng bày lộng lẫy, Tết lắm. Khuôn viên sân nhà thờ Tân Sa Châu những ngày này, qua cổng như bước vào một làng quê ngày Tết.

Như ngày nào ông bà chúng ta, cha mẹ họ mới lần đầu bước chân đến đây, mái tranh - vách ván - nền đất nện, lập “làng Ông Tạ”…

Ai từng sống những ngày ấy, trải qua những buổi chợ Tết Ông Tạ sôi động, ầm ĩ ngày nào làm sao quên được nhỉ?! Một trời Ông Tạ thương nhớ…

Theo Zing News

Du lịch, GO!