(SGTT) – Mỗi năm, cứ vào tiết lập Xuân, người dân Phú Yên lại lên đỉnh Cù Mông hái chè Mã Dọ về nấu uống hàng ngày. Một số người còn lấy chè Mã Dọ sấy khô, ngâm rượu bán cho khách thập phương. Cảm nhận của nhiều người khi lần đầu tiên uống chè Mã Dọ, là sắc hương nó giống hồng trà nhưng ngon hơn, có chút vị mặn mòi từ gió biển.

Mã Dọ và những cách giải thích…

Trên đảnh Cù Mông (đỉnh Cù Mông) thuộc thị xã Sông Cầu tỉnh Phú Yên, ranh giới giữa Bình Định – Phú Yên, có một giống chè mà tên gọi có nhiều cách giải thích.

Theo Đại Nam nhất thống chí, trong dãy Cù Mông có núi Mã Vụ, núi rất cao lớn, có sinh sản trà, đương thời gọi là “trà xanh Mã Vụ”. Bản chữ Hán sách này chép chữ “vụ” là sương mù. Các cụ già ở Phú Yên thì gọi là Mã Võ, với lời giải thích xa trông giống như con ngựa múa. Miền Nam đọc võ, miền Bắc đọc vũ. Vũ cũng đọc là vụ. Vậy Mã Võ (Mã Vũ) hay Mã Vụ?

Ngựa múa hay ngựa trong sương mù? Cả hai cách gọi đều nói lên dáng núi, và hiểu theo cả hai cách, có thể tạo ra một hình ảnh đẹp hơn. Con ngựa múa trong sương mù, phải chăng từ buổi sáng ấy, đoàn kỵ binh của Lương công từ Quy Nhơn phi vào đang tung vó ngựa vượt Cù Mông?

Một gia đình mấy đời hái chè dưới chân đảnh Cù Mông giải thích, theo truyền tụng trong làng, khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi chạy qua đây, ông thấy một loại cây có lá hình thù giống lá chè, bèn ra lệnh cho quân lính dừng ngựa lại (mã dọ, tiếng địa phương nghĩa là dừng ngựa lại, giống như dọ bò để nó dừng lại). Hái lá nấu nước uống xong, đoàn quân Nguyễn Ánh thấy khỏe hẳn rồi tiếp tục hành trình “Gia Long tẩu quốc”. Khi lên ngôi, vua Gia Long nhớ lại chuyện cũ bèn lệnh cho quan tuần vũ Sông Cầu khuyên người dân nên uống thứ chè này, vì nó tốt cho sức khỏe.

Anh Võ Anh Dũng, một người dân Sông Cầu chia sẻ, những năm 80-90 thế kỷ trước, anh và bạn bè thường đi săn thú ở đèo Cù Mông, lúc nghỉ ngơi, được các cụ già sống dưới chân phía Nam đèo Cù Mông (địa phận Phú Yên), kể lại vua Gia Long đã để lại dấu ấn cho vùng Cù Mông hai sản vật: Một là đồi chè vua Gia Long trên sườn núi cao đảnh Cù Mông, gọi là “chè đảnh”. Hai là “tiêu đảnh”, giống hồ tiêu đọt tím Phú Quốc, cây bò lên những phiến đá to như tòa nhà, không trồng theo nọc. Đặc biệt, giống tiêu này chỉ trồng được ở phía Nam đèo Cù Mông.

Anh Dũng từng được thưởng thức cả hai loại sản vật tuyệt vời đó. Chỉ tiếc, giờ “tiêu đảnh” đã không còn, “chè đảnh” cũng chỉ còn một vài cây sót lại giữa rừng.

Cách giải thích thứ hai, cũng theo người dân địa phương, nó là chè mỏ vọ, vì khi phơi lá chè cong lại như mỏ con chim cú vọ. Nhưng dân Phú Yên đọc mỏ vọ rất khó nên quen gọi mỏ dọ (giống như vợ là dợ, vũ là dũ…). Riết rồi đọc chệch thành mã dọ!

Cách giải thích theo hình thức bảo quản chè. Ban đầu, loại chè này có tên là bó rọ. Vì chè sau khi được hái về, người dân bó thành từng bó, như bó rọ, buộc bằng dây chuối rồi treo lên gác bếp để bảo quản và uống dần. Một cách giải thích nữa, thực chất nó là giống chè đen, khi các quan Pháp làm việc tại Sông Cầu, tỉnh lỵ Phú Yên một thời, họ đem giống trà đen này qua trồng để sử dụng hàng ngày. Gặp khí hậu mát lạnh trên đảnh Cù Mông và thổ nhưỡng núi giáp biển nên đã tạo nên hương vị đặc biệt của loại chè này…

Cũng cần lưu ý cách phát âm của người Phú Yên: Các cụ già còn gọi là hòn Bó Vọ, rồi Bó Vọ là Bó Dọ, Mã Võ là Mã Dõ, rồi Mã Dọ… do đó có truyền khẩu một cách sai lệch, khiến một số nhà sưu tầm nghiên cứu đã hiểu theo cách sai lệch ấy, phổ biến trên báo chí.

Đến bảo tồn một giống chè quý

Cảm nhận của nhiều người khi lần đầu tiên uống chè Mã Dọ là sắc hương nó giống hồng trà nhưng ngon hơn, có chút vị mặn mòi bởi những cội trà đêm ngày “nghênh diện thu phong trận trận hàn” cùng gió biển.

Nhận thấy được giá trị của giống trà đặc hữu này, năm 2020, tỉnh Phú Yên đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu ứng dụng và phát triển cây chè Mã Dọ tại Sông Cầu” và giao cho Trung tâm Khoa học nông nghiệp, sinh học La Hiêng phối hợp với trường Đại học Phú Yên thực hiện, chủ nhiệm đề tài là TS. Văn Thị Phương Như. Qua hai năm triển khai, bước đầu đã có kết quả: nhóm thực hiện đã nhân thành công giống chè quý này.

Theo ThS Nguyễn Trần Vũ, thành viên nhóm thực hiện đề tài, qua khảo sát về hình dáng của lá, hoa, trái và hạt chè Mã Dọ, giống chè này thuộc họ trà Camelliaceae, là loại cây mọc nhiều ở khu vực đèo Cù Mông, có độ cao trên 500-700m so với mực nước biển.

Mỗi năm, cứ vào tiết lập Xuân, người dân địa phương lại lên đỉnh Cù Mông hái chè Mã Dọ về nấu uống hàng ngày. Một số người còn lấy chè Mã Dọ sấy khô, ngâm rượu bán cho khách thập phương.

TS. Văn Thị Phương Như cho biết thêm ban đầu nhóm thực hiện đề tài di thực ba cây chè Mã Dọ từ rừng về vườn ươm, sau đó chọn những cành khỏe để giâm hom. Nhưng hiệu quả không cao và số lượng mẫu ít quá, do số lượng cá thể trên rừng đang có nguy cơ mất dần, nên nhóm quyết định nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô.

Đến nay, nhóm đã cho ra gần 10.000 mẫu, trồng thực nghiệm, bước đầu cây chè sinh trưởng tốt. Sau gần hai năm trồng ở vườn ươm, nhóm bắt đầu thu hoạch búp chè tươi và tiếp tục hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến chè Mã Dọ.

Hy vọng một ngày không xa, khách thập phương đến Phú Yên, vùng đất có lịch sử hơn 410 năm có tên trên bản đồ Đại Việt (1611), sẽ được thưởng chè Mã Dọ, một sản vật góp phần làm phong phú thêm cho văn hóa trà của người Việt.

Theo Nguyễn Thanh Hưng (Sàigòn Tiếp Thị)

Du lịch, GO!