(ĐTTCO) - “Hãy bỏ qua Tà Xùa đi, nơi đó cũ rồi! Đợt này mọi người hãy đi Xím Vàng, Hang Chú, Làng Chếu… đang mùa lúa chín, suối thác cực đẹp” - một lời giới thiệu về vùng du lịch mới ở huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) từ anh thầy giáo đam mê phượt đã thôi thúc chúng tôi lên đường.
“Hãy bỏ qua Tà Xùa đi, nơi đó cũ rồi! Đợt này mọi người hãy đi Xím Vàng, Hang Chú, Làng Chếu… đang mùa lúa chín, suối thác cực đẹp” - một lời giới thiệu về vùng du lịch mới ở huyện Bắc Yên (tỉnh Sơn La) từ anh thầy giáo đam mê phượt đã thôi thúc chúng tôi lên đường. Hành trình tới nơi sơn cùng thủy tận Bắc Yên trong 2 ngày khám phá đã cho chúng tôi mãn nhãn về “Vẻ đẹp hoang sơ từ Mẹ thiên nhiên kết hợp sự sáng tạo của con người”.
Nương lúa mùa quyến rũ
Cung đường gần 240km từ Hà Nội lên điểm du lịch Tà Xùa khá quen thuộc với chúng tôi. Ngủ lại một đêm ở Tà Xùa, sáng hôm sau nhóm bắt đầu xuất phát đi xã Xím Vàng, Hang Chú, Làng Chếu... Mùa A Thái, chàng trai người bản địa sẽ phụ trách làm hoa tiêu cho chúng tôi tới những điểm đến mới lạ lần này.
Đường núi vào xã vùng cao Xím Vàng chênh vênh, nhiều đoạn nhỏ hẹp chỉ vừa đủ 2 chiếc xe máy tránh nhau. Ở độ cao hơn 1.500m so với mực nước biển, đứng trên mỏm núi ở một khúc cua, du khách sẽ nhìn thấy bức tranh thiên nhiên khổng lồ được phối bởi 4 màu: xanh da trời, trắng của mây, xanh cây lá núi rừng và nương lúa chín như tấm thảm màu vàng.
Sau quãng đường 15km, chúng tôi đến được trung tâm xã Xím Vàng. Từ đây, cả nhóm bắt đầu rẽ vào những đoạn đường đất ra gần nương, để được chiêm ngưỡng cận cảnh, hà hít mùi lúa chín. Những nương lúa đã chín vàng xen lẫn đám lúa xanh chín muộn chạy từ chân thung lũng lên tận đỉnh núi. Giữa bao thửa ruộng bậc thang lượn sóng là vài nếp nhà lưa thưa cùng lùm cây, khóm trúc.
Chẳng có ai sắp đặt, nhưng vô tình sự kết hợp của nương lúa và bản làng đã tạo ra bức họa vùng cao không thể ấn tượng hơn. Thấy mọi người xuýt xoa trầm trồ trước vẻ đẹp của cảnh sắc trước mắt, Mùa A Thái cho hay ở đây hầu hết là đồng bào Mông đã định cư lâu đời trên những sườn núi, bờ vực cheo leo, hẻo lánh.
Người Mông ở các bản vùng cao Xím Vàng đã biết khai hoang làm ruộng bậc thang trồng lúa từ hàng trăm năm trước. Lúa nương của người Mông ở bản vùng cao trên này cả năm chỉ trồng được một vụ (từ tháng 5 gieo trồng, tháng 9-10 thu hoạch).
Nhìn ngắm những thửa ruộng bậc thang ở Xím Vàng chúng ta phải công nhận người Mông rẻo cao là bậc thầy của nghệ thuật tạo hình. Từng thửa ruộng bậc thang lượn sóng tạo ra vô vàn đường cong mềm mại. Bên cạnh đó còn có những nương lúa tạo hình vòng tròn nhỏ dần từ thấp lên cao…
Tới bản Xím Vàng, xã Xím Vàng - nơi có những nương lúa được mọi người bình chọn đẹp nhất, du khách sẽ thực sự cảm thấy vô cùng thích thú. Nhìn nương lúa chạy xa tít tới tận chân trời thật kỳ diệu. Lúa xa bản, xa người nên các hộ dân thường phải làm vài cái lán nhỏ để tiện việc thăm đồng, làm chỗ nghỉ ngơi khi vào vụ gặt. Đến giữa trưa, nắng đỉnh đầu, chúng tôi được Mùa A Thái dẫn vào thăm lán của chị Mùa Thị Sang.
Chiếc lán nhỏ vài mét vuông làm bằng tre, gỗ lợp tôn và prôximăng vô tình trở thành điểm ngắm cảnh đẹp nhất khu này. Lúa ruộng bậc thang ở Y Tý, Sapa, Mù Cang Chải… đã có thương hiệu, quá quen thuộc, nên khi đến rẻo cao Xím Vàng chúng ta có cảm giác về một vẻ đẹp lạ lẫm.
Chị Sang kể, chỉ riêng lán của mình vào những ngày cuối tuần đã có đến hơn 100 lượt khách ghé qua để ngắm lúa chín. Theo Mùa A Thái, người Mông ở các bản Xím Vàng chưa biết làm du lịch. Có lẽ vì điều đó mà vẻ đẹp của tạo hóa thiên nhiên kết hợp với bàn tay con người nơi đây vẫn còn giữ được nét trinh nguyên, mới mẻ.
Vẻ đẹp của lúa nương giữa mùa thu dịu mát cứ lôi cuốn chúng tôi đi hết từ bản này sang bản khác cho đến tận khi đã đặt chân sang xã Hang Chú, Háng Đồng lúc nào không hay biết. Với du khách, nương lúa chín tạo thành vẻ đẹp mà ai cũng muốn níu giữ lâu để chiêm ngắm. Còn với bà con người Mông trên rẻo cao heo hút, mùa lúa chín chính là quãng thời gian bận rộn nhất, vui nhất.
Những bông lúa nặng trĩu hạt, chín vàng ngoài nương như một tín hiệu mừng báo một năm đủ đầy lương thực, no ấm cho bà con. Thỉnh thoảng trên đường bờ ruộng nhỏ xíu, chúng tôi lại bắt gặp cả phụ nữ và đàn ông bản địa địu con sau lưng, cầm ô đi thăm lúa. Vài đôi vợ chồng trẻ địu con lên nương với tâm trạng vui sướng vì biết năm nay được mùa. Sau vài lần thăm lúa, người Mông bắt đầu chọn ngày đẹp để ra nương gặt. Người lớn mải mê làm việc, còn bọn trẻ những ngày cuối tuần nghỉ học cũng theo bố mẹ, ông bà ra nương vui đùa quên cả trời đất.
Chính rẻo cao Bắc Yên này, 70 năm trước nhà văn Tô Hoài đã lấy làm bối cảnh viết ra tuyệt tác truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” với cái kết có hậu. Hôm nay, đôi lứa người Mông đã có cuộc sống đổi thay, không còn đau khổ bởi những hủ tục cũ. Họ đã có nhiều tiến bộ về cuộc sống vật chất, lẫn tinh thần.
Kỳ thú trong rừng sâu
Sau một ngày lang thang ngắm lúa, hôm sau chúng tôi theo Mùa A Thái xuyên rừng để đi tới tận cùng những điểm hẻo lánh nhất Bắc Yên. Xím Vàng không chỉ đẹp bởi cái tên như chính mùa lúa chín, mà nơi đây còn được thiên nhiên vô cùng ưu ái cho nhiều phong cảnh hùng vĩ. Minh chứng điều đó, A Thái cùng mấy vị cán bộ xã Xím Vàng đã hợp nhóm với chúng tôi để băng rừng đi ngắm những thác nước đẹp nhất. Ở Xím Vàng không chỉ 1, mà có đến 3-4 ngọn thác hùng vĩ hoàn toàn chưa được khai thác du lịch.
Chúng tôi dừng xe bên con đường chạy từ Xím Vàng sang Hang Chú, để bắt đầu đi bộ vào rừng. Thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, cánh rừng nguyên sinh Xím Vàng mang vẻ đẹp nguyên thủy với những tán cây cổ thụ lớn, rêu xanh bám kín thân, gốc.
Sau khoảng 20 phút bách bộ xuyên rừng, chúng tôi bắt gặp một con suối chảy giữa khe đá. Nước suối trong vắt, mát lạnh làm mọi người rùng mình khi thả đôi bàn tay, hay lội chân xuống. Đi thêm được một đoạn cả đoàn đã nghe thấy tiếng nước ào ào gầm thét giữa đại ngàn. Nhìn từ xa một ngọn thác đổ từ đỉnh núi cao vút qua vách đá xuống bên dưới. Anh Sồng A Chông, một người trong đoàn, cho biết ngọn thác này có tên Háng Ngầm Năng Lớn, gần đó có thêm thác Háng Ngầm Năng Nhỏ.
Từ chân thác lên đỉnh chúng tôi áng chừng phải cao tới 50m. Đây là cặp thác hùng vĩ, cao nhất nơi nay. Thác nước như một dải lụa trắng khổng lồ giữa rừng cây xanh thẳm, đẹp hoang sơ không gì tả xiết.
Tuy nhiên theo người dân nơi đây, ngọn thác đẹp nhất lại nằm ở cánh rừng gần con đường từ Xím Vàng đi huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Để đi tới thác mệnh danh đẹp nhất này, du khách phải leo núi khoảng 30 phút. Men theo con đường mòn người dân bản vẫn đi rừng, chúng tôi cảm nhận được thiên nhiên hoang dã của chim kêu, suối chảy.
Ngọn thác đẹp nhất chưa có tên, những người trong đoàn cho biết, chính quyền xã thời gian qua đi khảo sát cũng định đặt tên là “Điểm Hẹn Tình Yêu” nhưng chưa chính thức. Ngọn thác mang vẻ đẹp dịu dàng như mái tóc buông dài của những cô gái Mông nơi núi cao.
Dòng thác quanh năm tuôn chảy, hiền hòa, lãng mạn. Dưới chân thác là hồ nước trong vắt mời gọi du khách xuống tắm mát trong những ngày oi ả. Nước từ thác chảy qua các bậc đá tạo thành từng tầng thoai thoải vô cùng quyến rũ. Xung quanh thác lại có nhiều phiến đá lớn để mọi người nghỉ chân, ngắm cảnh.
Chiều về, chúng tôi tìm tới cánh rừng thuộc xã Hang Chú để khám phá bãi đá cổ Khe Hổ. Nằm giữa thung lũng trong rừng già là một bãi đá với 9 tảng đá granit khổng lồ nằm rải rác. Trên mặt đá có nhiều vết khắc, hằn với hình thù lạ lẫm. Theo một số thông tin chúng tôi có được, những hình khắc này biểu thị thế giới quan sơ khai của người xưa về vũ trụ, mô tả cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất, và tâm linh.
Trên cung đường khám phá núi non ở Bắc Yên, chúng tôi còn được chiêm ngưỡng phiến đá khổng lồ ở xã Làng Chếu khá giống hình một con bò gắn với sự tích “Bò hóa đá” của người Mông.
Theo Nguyễn Hường - Nguyễn Văn Duy (Sàigòn Đầu Tư)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.