(BAG) - Vồ Bồ Hong là vị trí cao nhất trên núi Cấm, sở hữu khí hậu trong lành cùng tầm nhìn thoáng đãng ra thiên nhiên hùng vĩ của dãy Thất Sơn. Do đó, nhiều du khách luôn cố gắng chinh phục đỉnh Bồ Hong để chiêm ngưỡng bức tranh toàn cảnh nơi này, khám phá sự linh thiêng lúc về đêm của hoạt động tín ngưỡng dân gian - nét đẹp đặc thù của Thiên Cấm Sơn.
Theo người dân địa phương, tên gọi vồ Bồ Hong xuất từ việc trước kia loài bồ hong bay dày đặc trong những tháng mưa. Theo thời gian, loài côn trùng này giảm dần số lượng, nhưng cái tên vồ Bồ Hong đã trở thành huyền thoại, ghi dấu một thời “khai sơn, phá thạch” của người xưa trên đỉnh Thiên Cấm Sơn.
Đường mòn quanh co lên vồ Bồ Hong. |
Trải qua những thăng trầm, với những tầng văn hóa lịch sử, để rồi ngày nay núi Cấm khoác lên mình “chiếc áo mới” cho ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh An Giang. Tuyến cáp treo được đầu từ bài bản, hiện đại, thuận tiện, dễ dàng đưa du khách chạm vào khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ mà chẳng cần hao tốn năng lượng hay mệt mỏi leo dốc núi cao.
Từ khi đi vào khai thác đến nay, cáp treo núi Cấm được du khách đánh giá cao về chất lượng dịch vụ, đảm bảo an toàn tuyệt đối hơn nửa đội ngũ nhân viên hướng dẫn chu đáo, nhiệt tình. Trang thiết bị đạt chuẩn Châu Âu, do Công ty Poma của Pháp thiết kế và lắp đặt vận hành, với chiều dài hơn 3,5km, công suất khoảng 4.000 người/giờ, lớn thứ 2 cả nước và hình thành đầu tiên tại khu vực ĐBSCL lúc bấy giờ.
Sau khi kết thúc tuyến cáp treo, để chinh phục đỉnh vồ Bồ Hong du khách sẽ được “thổ địa” lái xe gắn máy, với những màn bẻ lái điệu nghệ tự tin, khoảng 20 phút sẽ đến dưới chân con dốc. Đến đoạn này, du khách phải tự đi bộ lên vài trăm mét, tiếng bước chân đều đều trên mặt đá, tiếng thở hổn hển là một trải nghiệm vô cùng thú vị.
Khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ đập vào mắt, khiến khách bộ hành quên đi bao mệt nhọc, bởi một cảm giác sảng khoái, khí trời trong lành, mát rượi ngoảnh lại nhìn cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp trải rộng dưới chân đến hút tầm mắt. Tận hưởng cảm giác đứng trên đỉnh “nóc nhà miền Tây”, phóng tầm mắt ra xa mới hiểu được hết thế nào là:
“Núi cao lên đến tận cùng
Thu vào tầm mắt muôn trùng nước non”.
Ngôi thờ Ngọc Hoàng trên điện Bồ Hong. |
Trên vồ Bồ Hong có điện thờ Ngọc Hoàng, Diêu Trì Thánh Mẫu, Cửu huyền trăm họ và chư vị Sơn Thần, vì thế mà hàng năm có vô số tín đồ đến đây để tham quan, chiêm bái. Du khách sẽ được thỏa sức hướng những góc máy đẹp chụp ảnh lung linh ảo diệu từ vồ Bồ Hong lấy toàn cảnh đồng bằng mênh mông siêu ấn tượng.
Từ đỉnh vồ Bồ Hong có thể nhìn thấy toàn cảnh KDL Núi Cấm. |
Đặc sản núi Cấm khi đến đây không thể bỏ qua đó chính là trải nghiệm “thưởng đêm trên vồ Bồ Hong” nghe gió rít vi vu qua những vồ đá, mây bay vùn vụt sát trên đầu. Du khách mặc áo gió, quấn khăn ngồi nhâm nhi rượu ở sân Tiên và nghe những hướng dẫn viên địa phương chính hiệu kể chuyện đường rừng, nghe chuyện “ông Mây”,“ông Hổ” hiền lành, giúp người vì đã tu hành lâu năm ở đây.
Đêm trên núi Cấm xuống nhanh, bóng tối phủ trùm cả vùng núi rừng mênh mông, tiếng tắc kè kêu liên tục, tiếng bò sát côn trùng kêu vang rền lẫn tiếng cây rừng xào xạc càng làm câu chuyện hổ mây thêm huyền hoặc.
Du khách trên đỉnh vồ Bồ Hong. |
Do đó, nhiều du khách tranh thủ nghỉ lại qua đêm trên đỉnh non cao này để trải nghiệm cái lạnh sắt se đặc trưng của núi Cấm. Với họ, đến núi Cấm mà chưa lên đỉnh vồ Bồ Hong thì như chưa đi núi Cấm! Một lần đến đây du khách sẽ thu về nguồn năng lượng tích cực từ đó kiến tạo hạnh phúc, an vui cho chính mình.
Theo Minh Ngọc (Báo An Giang)
Du lịch, GO!
0 Comments
Đăng nhận xét
Du lịch, GO! là một blog quảng bá du lịch trong nước với tiêu chí chia sẻ thông tin, bất vụ lợi - Bạn có thể nhận xét, bổ sung hay yêu cầu hướng dẫn liên quan đến bài viết mà không cần đăng ký. Bạn cũng có thể yêu cầu xoá bài, sửa đổi, phê phán.... bất kỳ.
Tuy nhiên, rất mong bà kon không post link quảng cáo vào đây vì mình sẽ xoá thẳng, xin thông cảm vì Dũng này chỉ muốn an toàn cho mọi người.