(LCO) - Những ngày này, công nhân, kỹ sư thi công dự án cầu Móng Sến thuộc Dự án đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục cuối cùng để đưa vào vận hành. Cây cầu sừng sững giữa núi rừng càng được tôn thêm vẻ đẹp bởi những tràn ruộng bậc thang đang mùa lúa chín. Ít ai biết cây cầu này ra đời từ sự quyết liệt của tỉnh Lào Cai trong việc bảo vệ khu ruộng bậc thang ở Vù Lùng Sung, giữ gìn di sản kỳ vỹ này cho thế hệ mai sau.

Với những ai từng đến Sa Pa thì ruộng bậc thang trăm bậc của đồng bào Dao ở thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải (thị xã Sa Pa) không có gì xa lạ. Khu ruộng nằm ngay bên Quốc lộ 4D, thửa ruộng từ dưới khe suối phủ lên sườn núi cao ngất rồi chìm trong làn mây. Ruộng bậc thang Vù Lùng Sung từng được bạn đọc tạp chí du lịch Travel and Leisure của Mỹ bình chọn là 1 trong 7 thửa ruộng bậc thang đẹp, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới. Xung quanh thửa ruộng này cũng có nhiều thửa ruộng mang hình hài khác nhau, trải dài theo sườn núi, thửa nào cũng mang vẻ đẹp riêng.

Để gặp gỡ những người đã tạo nên kiệt tác này, chúng tôi rẽ vào con đường nhỏ dưới chân cầu Móng Sến rồi men theo dòng suối ngược lên thôn Vù Lùng Sung. Con đường bê tông ngoằn ngoèo men theo khe suối vòng qua, vòng lại trên sườn núi, đường đi đến đâu thì ruộng bậc thang mở đến đó, điểm cao nhất của ruộng bậc thang trăm bậc cũng là nơi có đông nóc nhà nhất, với 100% đồng bào Dao sinh sống. Trưởng thôn Lò Diếu Vàng cho biết: Thôn Vù Lùng Sung có 129 hộ thì 17 hộ canh tác ở khu ruộng trăm bậc này. Từ khi người Dao đến định cư ở đây đã bắt đầu canh tác ruộng bậc thang rồi, đến nay qua 7 - 8 thế hệ, tính ra cũng hơn trăm năm.

Trưởng thôn Lò Diếu Vàng bảo, từ hồi nhỏ, ông chỉ thấy bà con canh tác ở những thửa ruộng trên đầu và sát khe suối, sau này mới khai phá dần cho đến khi liền một dải. Sau đó, khi con cái lớn lên tách hộ, các thửa ruộng mới được mở sang hai bên sườn núi. Bây giờ thì từ thửa ruộng thấp nhất do hộ ông Lò Dùn Tá khai thác đến thửa ruộng cao nhất do hộ ông Lò Diếu Thìn canh tác chẳng còn đất trống.

Mùa làm ruộng thường bắt đầu từ tháng 2, tháng 3 âm lịch, nước từ trên núi dẫn vào đầu ruộng rồi cứ theo đó dội xuống tận bậc thang cuối cùng, dưới ánh nắng lấp lánh trông như phím đàn khổng lồ. Mùa lúa đang thì con gái, lên xanh mướt hòa vào màu xanh của núi rừng, nhưng đẹp nhất có lẽ vẫn là mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang vàng óng kéo dài như bất tận đã làm mê mẩn biết bao người. Cách đây mấy năm, anh Lê Hiếu (Hà Nội), một người đam mê nhiếp ảnh lần đầu đến Sa Pa đã dành trọn một ngày chụp ảnh khu ruộng này bởi không muốn bỏ lỡ bất kỳ khoảnh khắc nào. Rồi năm nào cũng vậy, cứ mùa lúa chín, anh lại sắp xếp thời gian lên Sa Pa chụp được bức ảnh mới nhất về ruộng bậc thang Vù Lùng Sung. Vừa rồi khi thấy bạn bè khoe bức ảnh có tiền cảnh là cây cầu Móng Sến ngang lưng mây, anh càng hào hứng.

Kinh nghiệm chọn đất làm ruộng của người Dao trước hết phải tìm được nguồn nước. Không chỉ tràn ruộng trăm bậc này mà cả khu ruộng ở Vù Lùng Sung đều lấy nước chung từ một khe suối. Trưởng thôn Lò Diếu Vàng bảo trước đây vẫn xảy ra nạn chặt phá rừng nên có năm thiếu nước sản xuất, người ở ruộng trên ngăn không cho nước xuống ruộng dưới, các hộ tranh chấp nguồn nước dẫn đến mất đoàn kết trong thôn. Sau khi thôn đề ra hương ước và thành lập tổ bảo vệ rừng thì tình trạng này chấm dứt.

Cũng thật kỳ lạ khi ruộng bậc thang của đồng bào trên sườn núi dốc, cả khu ruộng rộng hàng chục ha nhưng rất hiếm điểm sạt lở. Nhìn từ trên cao mới thấy độ cao của từng bậc thang, độ rộng của từng triền ruộng đều tăm tắp như được tính toán chính xác, đó thực sự là phương pháp canh tác, tác động vào thiên nhiên một cách hài hòa, bao gồm cả yếu tố kỹ thuật và kinh nghiệm.

Trưởng thôn Lò Diếu Vàng bảo trước kia ông cha đã khai phá thành nền rồi, sau này dẫu có cải tạo, sửa sang lại bờ trước khi vào vụ mới cũng chỉ trên nền cũ. Cách chia nước theo hình dích dắc được cho là bí quyết để luôn giữ được nước trong mùa hạn nhưng không ngập úng, gây xói lở ruộng trong mùa mưa; đầu này nước vào thì xả xuống ruộng dưới, ở đầu bờ bên kia khi nước đầy bằng mặt sẽ tràn tiếp xuống mảnh dưới một cách tự nhiên, bao đời nay người Dao vẫn truyền cho con cháu kinh nghiệm như vậy.

Lại nói về câu chuyện việc làm đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa suýt chút nữa xé toang khu ruộng này. Trưởng thôn Lò Diếu Vàng chia sẻ: Trước đây, dự án thủy điện dâng nước đã nhấn chìm một số ruộng rồi, bà con tiếc lắm. Không chỉ là mồ hôi, công sức của bao thế hệ người Dao, dẫu cuộc sống khó khăn nhưng ruộng nơi đây chẳng khi nào mất mùa nên dân không bao giờ lo thiếu đói. Khi thấy triển khai dự án làm đường mới lên Sa Pa, bà con tưởng sẽ mất nốt khu ruộng này, sau đó lại thấy con đường đổi hướng thi công, ai cũng mừng lắm.

Lý giải về điều này, kỹ sư Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư công trình giao thông tỉnh cho biết: Theo thiết kế ban đầu, đường nối cao tốc Nội Bài - Lào Cai đến Sa Pa sẽ đi qua khu ruộng này và kết nối với Quốc lộ 4D ở vị trí khác hiện nay. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các phương án, đặc biệt là việc giữ gìn và bảo tồn danh thắng ruộng bậc thang Vù Lùng Sung, trong đó có khu ruộng 121 bậc, tỉnh đã quyết định điều chỉnh hướng tuyến. Mặc dù sự thay đổi này phát sinh chi phí khá lớn, nhưng những giá trị được lưu giữ, để lại cho thế hệ sau là vô giá.

Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) đã xác lập kỷ lục là Thửa ruộng bậc thang có nhiều bậc nhất - 121 bậc, thuộc thôn Vù Lùng Sung, xã Trung Chải.

Theo Mạnh Dũng (Báo Lào Cai)

Du lịch, GO!