(SOHA) - Nếu ai đó xếp Du Già - Lê Triều Dương vào vị trí thứ hai trong danh sách phượt thủ Việt Nam, cam đoan không ai dám chiếm số 1. Lang thang trên những nẻo đường hiểm hóc Đông Bắc - Tây Bắc gần 40 năm, thâu nhiếp cả đất trời vào mắt, vào tim mình, để phả ra hơi men ngây ngất của du lịch, anh đích thị là một "gã điên" nghiện cảm giác du lịch mạo hiểm.

Một ngày cuối đông năm 2006, có một “gã điên” ngồi trên chiếc xe Cub từ Hà Nội trực chỉ Mã Pì Lèng, đằng sau xe buộc chiếc xuồng hơi động cơ điện nặng 18kg. Chiếc xuồng hơi ấy, Du Già - Lê Triều Dương, tên tuổi lẫy lừng trong giới phượt thủ Việt Nam, bảo có thằng em vừa mang ở Singapore về, là cái đầu tiên ở Việt Nam, ngay lập tức được “ông anh tốt” thuổng luôn, vác lên Hà Giang thực hiện ước mơ cháy bỏng.

Ngày ấy, dòng Nho Quế chưa có sự xuất hiện của ba chiếc thủy điện như bây giờ. Nhìn từ Mã Pì Lèng xuống, dòng sông nhỏ như sợi chỉ. Từ mặt nước lên đỉnh đèo chăng dây đo cũng ngót tầm 1 cây số. Ở đấy có hẻm vực Tu Sản nổi tiếng, với thành tích là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á. Đã qua Mã Pì Lèng nhiều lần, ước mơ của Du Già là một ngày nào đó sẽ vượt hẻm Tu Sản bằng thuyền, sau đó một ngày đẹp trời khác sẽ kiếm con dù lượn gắn động cơ để “bay vù qua hẻm”, “cho vui thôi, vì yêu Hà Giang lắm, mà đến Hà Giang thì làm sao có thể bỏ qua Mã Pì Lèng, Nho Quế, Tu Sản, như Du Già (địa danh) cũng thế!”.

Ngày ấy, gã thanh niên (năm nay đã ngót nghét “sáu sọi”) xuất phát từ Hà Nội lúc 7 giờ sáng, chạy 12 tiếng thì đến Yên Minh nghỉ lại, sáng hôm sau chạy lên Mã Pì Lèng. Đến nơi, gã lang thang tìm mấy thanh niên biết tiếng Kinh lõm bõm đang ngồi chờ việc, vẫy vào: “Ông nào vác hộ tôi xuống dưới kia, tôi trả tiền”. Ngày ấy xăng giá khoảng 8 - 9 nghìn/lít. Thanh niên người Mông nhẩm tính, vác thuyền đi theo đường ziczac xuống đến nơi mất khoảng 4 tiếng, trở lên 6 tiếng, hô giá 200 nghìn tiền công.

Du Già ưng ngay. Xuống đến nơi, gã bơm hơi căng thuyền, móc ví, điện thoại đưa cho thanh niên người Mông với lời dặn: “Nếu tao có vấn đề gì, mày chạy về ủy ban xã, đưa tất cho công an, bảo có thằng Kinh ở dưới này”. Xong hạ thủy.

Nhìn từ Mã Pì Lèng xuống, sông Nho Quế đẹp như dải lụa vắt qua, nhưng xuống dưới mới thấy ghềnh thác kinh khủng, toàn đá tai mèo lởm chởm, sắc lẹm. Thả thuyền xuôi dòng, Du Già qua đoạn quanh vách đá mà người Mông, người Thái hay bắt cá, mà gã nhớ là có đàn khỉ lớn. Sướng quá, gã hú hét ầm ĩ cho… lũ khỉ nghe.

Đúng đoạn qua ghềnh thì… lật thuyền. Tháng 12, nước chảy từ đá ra lạnh buốt, “rơi xuống là cứng người luôn”. Nước chảy xiết. Gã bám được vào tảng đá cách bờ khoảng 20 mét, nghĩ bụng chắc là bỏ xác ở nơi này rồi. Bơi cũng chết, không bơi cũng chết. Ngâm mình dưới nước khoảng 2 - 3 phút, gã quyết định lấy hết sức bình sinh để vùng vẫy bơi vào. Chàng trai người Mông chạy trên bờ, hú hét vang trời.

Dòng nước xiết cuốn gã trôi xuống 150 mét thì bơi được vào bờ. May mắn cho gã, lòng sông đầy đá ngầm, đá nổi, nước xiết cuốn mạnh khủng khiếp ấy có một đoạn chảy qua vách núi hẹp, lòng sông bó vào.

Chiếc xuồng trôi đi đâu không cần biết. Lên đến bờ, gã rét run, vừa cởi vội quần áo ra vắt khô thì thanh niên người Mông cũng chạy đến nơi, rú lên: “Ôi mày lên được rồi à? Tao nhìn, tao thương mày quá nhưng tao lại… không biết bơi”. Lội ngược lên, về đến Mèo Vạc là 7 giờ tối, hai gã ăn thịt uống rượu cùng nhau, mừng thoát chết. Xong rồi Du Già trả thêm cho bạn đồng hành thêm hai trăm nghìn nữa là bốn trăm.

Hôm đấy, có mấy người đi hái củi chiều bắt được chiếc xuồng cao su trôi xuống mắc vào thân cây, cách chỗ Du Già ngã khoảng hai cây số. Gã trả hai trăm nghìn chuộc lại, để hôm sau lại một mình một ngựa lộn về Hà Nội.

+ Phượt mà không mạo hiểm thì không sướng

- Là “bản đồ sống” của vùng Đông Bắc, Tây Bắc, liệu trên những cung đường phượt suốt gần bốn chục năm của mình, lần chết hụt ở hẻm Tu Sản đã là nguy hiểm nhất với anh chưa?

Ăn thua gì! Mình nhiều lần lọ mọ vào "lãnh địa" của dân buôn gỗ lậu, bị bắt, đập máy ảnh, dọa giết vì tưởng là nhà báo. Sau đấy khôn ra, chỗ nào nguy hiểm là mình thửa bộ quần áo thợ điện. Bị hỏi thì bảo là đi khảo sát điểm kéo điện cho bà con. Những vùng sâu xa ấy thèm cái điện lắm, nên cũng ít bị hỏi han, dọa nạt như xưa.

Hay hồi chưa đầy hai năm trước, cái năm cả miền Trung tang thương trong bão lũ, mình ngồi trên con Ford Transit chở đầy dầu ăn đi cứu trợ cho đồng bào Nam Trà My. Ngồi trên xe là 5 ông toàn "đầu hươu trán khỉ", đã dặn nhau sẵn là thấy nước trong thì đi, thấy nước đục thì phải bỏ xe nhảy xuống vì đấy là lúc lũ về. Nhưng không gặp lũ mà đất sạt.

Hôm ấy mưa ròng rã 10 ngày không ngớt. Xe dính lầy, cả đội xuống đẩy xe trong mưa. Vừa đẩy được xe lùi lại thì đất sạt ngay trước mặt. Chỗ đó cách bản mình định vào 7km. Quay ra được 2km thì lại gặp đất sạt. Cả đám bị mắc kẹt giữa hai khu sạt lở với một xe đầy dầu ăn, đói rã họng mà chả có gì ăn. May mà có đúng một cái nhà dân vừa dựng xong, trong nhà nuôi độ chục con cả ngan lẫn vịt. Mình vào hỏi mua, thịt luôn hai con. Nhà còn 5 gói mì tôm, mua nốt. Mì tôm bẻ thật nhỏ ra, đợi cho trương lên mới ăn cho chắc bụng.

Đêm ấy mưa như trút. Cả lũ ngồi trong căn nhà vừa dựng trên cái đồi bị phạt một nửa, dặn nhau có biến thì chạy, hàng hóa ô tô bỏ lại hết. Những lần như thế, vẫn giữ được cái mạng mới là đáng nói, chứ như lần đi Mông Cổ ngã xe gãy năm xương sườn, thấy nhạt toẹt.

- Dường như anh thích lao mình vào nơi hiểm địa, thích phiêu lưu chứ không đơn thuần là đi phượt thôi?

Đi phượt bản thân nó đã nguy hiểm hơn du lịch kiểu khác, nhưng tính mình đã đi là phải đẩy đến mức độ cực đại mạo hiểm mới đã. Cũng có những lần trả giá về tiền, gặp nguy hiểm, thậm chí đến lằn ranh sinh tử chứ. Nhưng mình không đi kiểu văng mạng, mà chuẩn bị rất kỹ về kiến thức, kỹ năng, đặc biệt là mình đầu tư bản đồ rất kinh. Quý nhất là bản đồ địa chất mua hồi những năm 2000, gồm 18 tờ A0. 1 tờ ấy thôi có khi cũng đủ để đi chơi một đời.

Mình cùng hơn chục mạng nữa là những người Việt đầu tiên "xông đất" Sơn Đoòng. Lúc công bố phát hiện Sơn Đoòng là tháng 10, 11 năm 2009 thì tháng 3/2010 chúng mình lên kế hoạch đi luôn. Năm ấy, cả bọn đi vào sâu khoảng 1km rồi phải ra, vì không có công cụ hỗ trợ, chỉ có đèn pin ắc quy to bằng cái xô soi đường.

Nhóm mình đi 4 ngày 3 đêm, ngủ 1 đêm ở Hang Én. Lúc vào gặp một con cá chình, toàn thân trắng tinh, dài khoảng 4m, chắc nặng cỡ trên 20kg. Hồi ấy đang là mùa én, én non bị rơi xuống vách động. Chúng mình nổi lửa trong hang nấu cháo, nhặt én thả vào nồi, ngọt thỉu luôn… Những trải nghiệm ấy không gì đánh đổi được.

- Ai chơi với anh cũng đều biết là anh được đồng bào dân tộc quý một cách đặc biệt, đến đâu cũng được tiếp đãi như thượng khách. Bí quyết là gì?

Có gì đâu, chân tình với họ, không thì đừng hòng cậy răng đồng bào. Nói chứ mình chẳng bao giờ lên gân, chỉ dùng tình cảm thật mà đối đãi với người ta. Gặp người Mông, người Thái, người Tày, người Nùng… mình cứ hỏi về gia thế, vợ con, gia đình, chuyện làm ăn, mùa màng… của họ, tự khắc tạo được thiện cảm và gắn bó.

Đương nhiên cũng cần am hiểu văn hóa của từng dân tộc nữa. Mỗi vùng đất đi qua, mình đều tâm niệm phải để lại "dấu ấn" gì đó. Mình là dân đi chơi, nhưng ngao du sơn thủy xong thì cũng tìm cách "PR" cho người ta. Những điểm khó khăn nhất, khù khoằm nhất Việt Nam, mình đều chủ động "lăng xê", chụp ảnh thật đẹp để còn "mời gọi" những người cùng sở thích. Được cái cũng hay gặp may, nhiều khi giơ máy lên là có ảnh đẹp.

- Chắc anh đùa! Chẳng người nào chụp ảnh phong cảnh “ra trò” mà không phải đầu tư công, của để đi săn ảnh, đầu tư thiết bị nữa!

Ơ thật, mình hay có lộc, được "cô thương" ấy. Ví dụ tấm ảnh chụp sông Ngô Đồng cách đây gần 10 năm của mình, chụp hôm nắng khủng khiếp. Có mỏm đá bé bằng cái chiếu mà có đến năm chục ông nhiếp ảnh gia đứng xếp hàng, ông nào chụp thì dựng chân máy lên, chụp xong thu lại cho người khác chụp. Thấy đông quá, mình bảo ông bạn đi cùng (nhiếp ảnh gia Trần Việt Đức): "Đức ơi, tao leo lên kia ngủ một giấc cho mát, mày cứ ở đây với hội nhiếp ảnh gia nhé".

Nhưng rồi nó cũng không chụp được, lên ngủ cùng mình. Dưới chân mình là mớ máy móc, thiết bị trị giá gần 2 tỷ. Lúc ấy ai dùng con Canon 1Dx Mark I đã là hàng khủng, mà có khoảng 10 con máy xếp ở đấy. Mình thực ra chẳng quan tâm đến máy, chụp bằng con G12, giá cỡ 8 - 10 triệu gì đấy. Nắng quá, mình chui đầu vào một hốc đá để tránh nắng, thế nào lại thành có tiền cảnh là bờ đá chìa ra. Chụp xong, tối hôm đấy post lên, đội chơi ảnh lặng người vì cả đám cùng đi mà mình lại có ảnh sông Ngô Đồng mùa lúa chín không giống ai. Thực ra là thiên nhiên ưu đãi thôi, chứ hội kia chụp toàn bằng "hàng khủng", mình làm sao đọ được.

- Ảnh của anh toàn “hàng độc”, chắc được giá lắm?

Đâu ra! Thỉnh thoảng có ai mua, mình vẫn bán ảnh lấy tiền, nhưng họ trả cũng rẻ lắm. Nếu thuê một người biết tiếng Anh post lên các trang để bán cho Tây chắc cũng được khá đấy, mà mình không quá quan trọng chuyện kiếm tiền. Đó chỉ là cuộc chơi của mình, mình chẳng có nhu cầu mua ô tô tàu bò, chỉ kiếm tiền đủ mua thức ăn và đi chơi, cỡ vài trăm mỗi ngày là được.

Riêng chơi hoa Tết thì tốn nhiều. Mỗi lần Tết, mình lại lọ mọ đi kiếm hoa lê, hoa mận… Mỗi lần đi đến 4, 5 chuyến, riêng tiền xăng xe bỏ rẻ cũng hơn chục triệu, nhưng kiếm được cành ưng ý là sướng lắm. Năm ngoái mình có cành mận, đem về buộc vào cái ghế gỗ lũa to, rủ hội bạn đến, chúng nó say, nhảy cả lên mà rung cho cánh hoa rơi xuống mâm rượu. Đấy, sướng là ở chỗ đấy thôi!

+ Du lịch 0 đồng là trò vớ vẩn

- Nhiều người mê du lịch, có gắn bó với một vùng đất nào đó, họ sẽ làm homestay, xây nhà nghỉ, vừa có chỗ tụ tập vừa kiếm được. Sao anh không làm vậy?

Ồ, một là mình không có tiền, hai là mình có rất nhiều nơi thích, nếu rải ra thì đầu tư bao nhiêu cho vừa? Đúng là có một xu hướng như thế, người ta bỏ hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ mua khu view đẹp, một ngọn đồi nào đó, lấy du lịch nuôi du lịch. Nhưng mình thích đến đâu, đậu lại một chút rồi bay chứ không muốn ràng buộc. Với lại, đầu óc mình không có chất “con buôn”, không nhanh nhạy về thị trường, mặc dù mình rất mê tiền.

- Anh đi lắm thế, phải có thời gian và có tiền chứ? Nghe nói tìm thấy anh ở Hà Nội còn khó hơn vô tình gặp trên đường phượt cơ mà!

À tiền đổ lên vùng cao thì rất nhiều, toàn tiền đi xin của thằng khác, chứ bản thân mình làm gì có tiền đâu! Mình nói thật đấy, không tin à? Theo lập luận của những người có logic, đi du lịch nhiều hoặc là có tiền sẵn, không phải nghĩ đến kinh tế, rồi có thời gian thì đi; hoặc nếu anh có thời gian để đi nhiều thì anh phải có cách kiếm tiền. Còn mình là thằng phi logic, cân bằng giữa chuyện không có thời gian và cũng chẳng có nhiều tiền.

Hồi xưa, mình đi tốn khoảng 200k/ngày. Lúc chưa có camping, không kiếm được chỗ ngủ thì xin dân ngủ nhờ. Thậm chí, có những người thích tính mình, giữ lại chơi hàng tuần. Ở A Pa Chải có những nhà có đàn trâu bò hàng trăm con (mỗi con trị giá bằng một chiếc SH nhé), mình lên chơi là họ xách súng săn vào rừng. Bắn hạ rồi, xẻo đúng 2 cái đùi rồi bỏ lại cả con ở rừng (vì khênh qua mấy ngọn núi nặng mà), họ về đãi mình ăn. Nhưng nhà có điều kiện thì thế, còn thường thì mình phải biết ý, mua thức ăn hoặc gửi tiền người ta.

- Cũng có người đi khắp Việt Nam chẳng tốn đồng nào, anh ạ!

Mình không cổ súy cho vấn đề đi du lịch 0 đồng, phượt 0 đồng. Phượt 0 đồng với mình là rất vớ vẩn. Mình đi thì phải có đóng góp cho ngân sách địa phương, đồng thời thúc đẩy du lịch cho người dân. Đi chơi là phải tiêu tiền, cứ đi mà ăn nhờ ở đậu là không ổn rồi. Không cần có nhiều tiền nhưng phải có tiền khi đi.

Người dân địa phương có lợi từ khách du lịch người ta mới có động lực làm du lịch chỉn chu. Ông nào cũng đến nhờ vả với ăn ké thì nguy! Mình ớn nhất là có ông còn kiểu gọi đến địa phương: "A lô, em là em anh Du đây", trong khi mình chẳng biết ông đấy là ai.

Mình dặn sẵn ở đồn biên phòng với trưởng bản rồi, nếu ai nhận là "em anh Du" phải gọi điện lại cho mình, xác nhận cẩn thận. Hôm rồi có người ở Hoàng Su Phì nhận là em mình, đặt cơm đâu đó 2 triệu xong bùng không gửi tiền, cũng chẳng thấy lên, chủ quán lại mếu máo gọi cho mình mách, khổ thân chưa?

- Tâm thế đi du lịch của anh 20 năm trước là người khai sơn phá thạch và hiện tại, khi mọi nơi đều gần như được khám phá rồi có khác nhiều không?

Khác chứ, 1/5 thế kỷ rồi trôi qua rồi. Người chơi, cách chơi cũng khác nhau. Bây giờ phong trào camping, thuyền hơi, thuyền sup phát triển, đa dạng hơn; còn mình thì nơi nào độc lạ, hiểm hóc, ít người đến thì mình vẫn mê.

Mình vẫn giữ cái thói thích "lăng xê", làm PR cho những điểm độc đáo để "dụ" người ta đi. Thỉnh thoảng mình cũng viết về những trải nghiệm, "đánh" vào sự tò mò hình ảnh và khao khát xê dịch, kiểu "già như anh Du Già còn đi được, sao hội 8x, 9x thì không".

Mình đánh giá cao sự nghiên cứu trong du lịch, khi mà người ta đi và biết về văn hóa lịch sử và địa lý, đi một cách có hiểu biết, có chiều sâu, có tích luỹ văn hóa. Bản đồ của mình mua rất đắt, nhưng có thể chia sẻ miễn phí cho những người khác, chả giấu làm gì!

- Anh nghĩ gì về những người trẻ đi phượt chỉ bằng tinh thần khám phá và google map?

Giờ có nhiều trường phái xê dịch, đi chơi khác nhau, có người thích đi khi am hiểu văn hóa, lịch sử, ẩm thực địa phương, có người thích check-in địa điểm, có người đi để chụp ảnh... Mỗi người có một cách đi du lịch khác nhau, cảm thấy sung sướng là được, ai thấy mình không sướng là việc của họ. Xê dịch mỗi người một gu, thực ra đi kiểu nào cũng được, mình tôn trọng họ.

Còn với riêng mình, mình vẫn đi theo kiểu dư địa chí, thích chia sẻ thông tin với cộng đồng xê dịch. Và quan trọng hơn là chia sẻ với cộng đồng người ở vùng đất đó. Mình làm được chút gì bằng hạt thóc hạt gạo thôi cũng được, không phải xây nhà, xây trường hay gì đao to búa lớn mới là đóng góp. Nhiều khi chân thành hỏi thăm bà con, quay lại thăm họ mỗi năm là cũng được rồi.

+ Phát triển du lịch, đừng hy sinh văn hoá bản địa

- Anh lãi được gì nhất sau gần 40 năm rong ruổi đi chơi?

Là kiến thức, hiểu được văn hóa, đời sống, tập tục của đồng bào vùng cao, là cảnh trí khắp nơi thu thập vào mắt mình. Nó ngấm vào mình như là hơn men, nên mình “chuốc” ai đi đâu, chỗ nào, chỉ cần tả vài câu là người đó khắc say, phải xách xe đi ngay.

- Còn cá nhân anh, anh “say” chỗ nào nhất?

Hà Giang! Dù đi hàng nghìn điểm khác, đi Hà Giang hàng trăm lần, mình vẫn mê cái hoang sơ của Hà Giang. Từ đầu năm đến giờ mình đi 6 chuyến Hà Giang rồi, chuyến sâu nhất là 9 ngày. Vì không cần đánh dấu điểm, chỉ cần thấy vui, câu chuyện cuốn hút, món ăn ngon, cứ gặp ai hay hay là nán lại nên với mình, vùng đất ấy nó quyến luyến lắm!

Mình cũng thích Sapa, nhưng không thể ở trong thành phố, mà phải đi xa chừng 10km, ở thật sâu trong bản với đồng bào mới ngủ được.

- Sapa của hiện tại xa lạ với anh đến vậy sao?

Du lịch phát triển bao giờ cũng có hai mặt mà, nó mang văn hóa, tư duy thị trường của người Kinh đến với đồng bào vùng cao, nhưng cũng có thể sự phát triển khiến cảnh quan nhạt nhòa hơn, văn hóa bản địa bị pha lẫn. Ở vùng phát triển du lịch như Sapa, một bộ phận đồng bào bị đồng hóa theo nhu cầu của khách du lịch, họ muốn kiếm ăn thì buộc phải thay đổi. Mình nghĩ đó vẫn là mâu thuẫn khó giải quyết và phần nào phải đánh đổi.

- Theo anh, làm thế nào để Hà Giang vẫn làm du lịch được mà không rơi vào vấn đề của Sapa?

Mình đánh giá, Hà Giang có thể phát triển du lịch còn mạnh hơn Sapa, vì Hà Giang có nhiều đất và tiềm năng. Hà Giang là để khám phá, khác với Sapa là để nghỉ dưỡng, nên Hà Giang có thể phát triển dần dần, không cần nhanh, không cần theo hướng đô thị hóa. Với đặc thù là núi đá, sườn dốc, không có mặt bằng rộng, Hà Giang có thể chẳng cần xây khách sạn, nhà nghỉ lớn mà có thể làm homestay ở trong bản, cho khách ăn ngủ cùng dân để hiểu vùng đất, tập tục của đồng bào.

- Đi vùng cao, ngoài du lịch, phượt, người ta cũng thích đi từ thiện. Có ý kiến cho rằng người miền xuôi làm từ thiện nhiều nhưng chỉ là cứu đói hoặc cho những gì mình thích, chứ không cho người ta sinh kế, không tìm hiểu nhu cầu thực. Thậm chí, việc lạm dụng từ thiện còn có thể biến một bộ phận người dân tộc thiểu số thành kẻ thụ động, chờ đợi vào từ thiện? Anh nghĩ sao?

Từ thiện cũng là mong muốn rất lớn của những nhà hảo tâm, người ta đi chơi và thấy những đồng bào nghèo, động lòng thương cảm và muốn giúp đỡ, tốt chứ! Dù sao thì kêu gọi góp quần áo cũ, xây một điểm trường vẫn dễ và nhanh hơn xin tiền xây cầu, lắp bồn nước hay điện năng lượng mặt trời...

Cá nhân mình bây giờ tôi cũng không làm những chương trình kiểu "cứu đói" như thế mà đi vào từ thiện cho đời sống dân sinh. Ví dụ như trên Hà Giang, đào được mạch nước là rất hiếm, người ta toàn dùng bể treo hứng nước mưa rơi xuống từ mái đá. Mình xin tiền anh em, mua bể tặng họ. Hay hôm vào vùng lũ ở Tà Roòng, lũ cuốn quét sạch ngầm, mình xin tiền làm cầu tạm để dân đi qua…

- Khang A Tủa - người Mông đầu tiên được học bổng Fulbright, trở thành sinh viên quốc tế mà không biết tiếng Anh - nói rằng, ở vùng cao thực ra không cần xây dựng trường mà cần thêm những giáo viên vùng cao, cần giải pháp để giữ gìn bản sắc. Anh đồng ý không?

Có lý. Trường ở vùng cao xây không khó, hơn trăm triệu cũng được một điểm trường cho mấy chục học sinh. Nhưng đúng thật, phần lớn giáo viên là người Kinh. Những bạn trẻ có nhiệt huyết, lên vùng cao một thời gian cống hiến rồi về trung tâm, có thể sẽ "đứt đoạn", không xuyên suốt bằng việc dùng các giáo viên bản địa, tại xã, tại huyện đó, họ sẽ thấu hiểu văn hóa, ngôn ngữ của đồng bào hơn chứ.

Các em cần học tiếng Kinh để hòa nhập, cần học truyện Tấm Cám, Thánh Gióng - những thứ vốn khác biệt với đời sống tinh thần của họ - nhưng cũng cần cả một "khoảng hở" để được học về truyền thống dân tộc, để giữ gìn bản sắc văn hóa. Chúng ta đi du lịch, đi phượt là để hưởng thụ cảnh quan mà thiên nhiên ưu đãi, và để biết về chính những cái khác lạ, những điều khiến ta tò mò và mở mang thêm hiểu biết, chẳng phải sao?

Theo Triêu Nhan - Ảnh: Du Già - Thiết kế: Tiêng Tiêng (Soha)

Du lịch, GO!